TP HCM:

Trại giam Thủ Đức: Hướng thiện cho những tâm hồn lầm lạc

"Xin gia đình hãy yên lòng vì chính nơi đây chúng con vẫn luôn có những người thầy-người cha-người chú-người bạn, luôn tận tụy chăm lo, giúp chúng con đủ nghị lực để chiến thắng bản thân, vươn lên làm lại cuộc đời.

Những năm tháng nơi đây con đã hiểu trại giam không phải nơi trừng phạt người phạm tội mà là một trường học thực sự... Nhất định khi rời xa nơi đây, con của bố mẹ sẽ rắn rỏi hơn, chững chạc, tự tin và sẽ sống tốt hơn…", phạm nhân Nguyễn Khắc Tốn xúc động chia sẻ.

Cùng với các phạm nhân, nhiều đại biểu và gia đình phạm nhân cũng bày tỏ cảm nhận và sự biết ơn đối với các cán bộ chiến sĩ của Trại giam Thủ Đức đã quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để con em họ được rèn luyện, phấn đấu hoàn lương sớm trở về với gia đình và cộng đồng.

Hành trình hướng tới cái thiện

Sau hơn 3 tiếng đồng hồ chạy xe từ TP Hồ Chí Minh ra Bình Thuận, chúng tôi đến Trại giam Thủ Đức - Z30D (Tổng cục VIII, Bộ Công an) trên địa bàn xã Tân Đức, huyện Hàm Tân.

Quả thật, nếu không có bảng biển đề tên cơ quan này cùng với những cán bộ, chiến sĩ mang sắc phục Công an và những phạm nhân đang thụ án, thật khó mà hình dung nơi đây là một trại giam, với hơn 7.000 phạm nhân, bởi con đường dẫn vào khu hành chính của trại giam này hai bên đường là những ruộng đồng, ao hồ xanh tươi, và khu "thủ phủ" thì giống như một khu du lịch sinh thái với cảnh quan hài hòa, mát mắt.

Buổi sáng sớm hôm ấy (29/12/2012) là ngày Trại giam Thủ Đức tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân năm 2012. Ngay từ ngày hôm trước, người thân của các phạm nhân đã được đoàn xe do trại tổ chức đưa đón về trại tham quan, tận mắt thấy nơi con em mình đang cải tạo, rèn luyện… sau đó trại còn tạo điều kiện để người thân và các phạm nhân là con em của họ có khoảng thời gian gặp gỡ, trò chuyện, cùng ăn uống và nghỉ ngơi sau những ngày tháng xa cách, để sáng hôm sau cùng dự Hội nghị gia đình phạm nhân.

Những nụ cười xúc cảm, những cái nắm tay thật chặt dường như càng làm cho buổi hội nghị thêm gần gũi, ấm cúng, thấm đẫm tình người. Hơn 150 phạm nhân tiêu biểu, có nhiều cố gắng trong quá trình thụ án được chọn tham dự hội nghị cùng người thân, gia đình chia sẻ những cảm xúc, niềm vui về những kết quả của quá trình học tập, lao động của mình ở nơi đây, cùng Ban Giám thị tìm ra những khó khăn để khắc phục, phát huy những ưu điểm đã đạt được trong thời gian qua…

Trại giam Thủ Đức.
Trại giam Thủ Đức.

Theo Đại tá Trần Hữu Thông, Giám thị Trại giam Thủ Đức, sau Hội nghị gia đình phạm nhân lần thứ 1 năm 2009, việc phối kết hợp giữa thân nhân, gia đình phạm nhân và các cơ quan, địa phương với trại để quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân đã đạt được hiệu quả đáng kể…

Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất của trại còn gặp nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ chiến sĩ nơi đây, nhiều năm qua công tác quản lý, giáo dục, chăm sóc đối với phạm nhân luôn được thực hiện đúng pháp luật và đảm bảo các quy định của Nhà nước, Bộ Công an.

Các phong trào thi đua, hoạt động từ thiện, gây Quỹ "Tấm lòng vàng" trong phạm nhân luôn thực hiện đạt hiệu quả. Đặc biệt, đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đoàn thể tại địa phương và gia đình phạm nhân quản lý, giáo dục, tư vấn, thực hiện chính sách pháp luật đối với phạm nhân ngày càng đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu trước tình hình mới…

Đồng thời, nhiều thân nhân gia đình đã có trách nhiệm phản ánh, góp ý cho trại phương pháp quản lý phạm nhân, mạnh dạn nêu những điểm yếu của con em để trại có kế hoạch quản lý giáo dục. Hằng trăm đơn thư phản ánh, góp ý cho trại về những việc làm thiết thực, liên quan đến cán bộ và phạm nhân…

Quan sát những phạm nhân được tham dự hội nghị, có lẽ không khó để nhận ra rằng sau một thời gian rèn luyện, học tập tại trại, họ đã gần như trở thành một con người khác theo chiều hướng tốt đẹp hơn rất nhiều.

Một cán bộ quản giáo cho biết, biểu hiện thay đổi rõ nhất của những phạm nhân này là cách nói năng, cư xử, chào hỏi, và cả trong suy nghĩ cũng tích cực hơn, họ đã trở nên lạc quan, tự tin về tương lai phía trước của đời mình.

Phạm nhân Nguyễn Khắc Tốn đang chấp hành án phạt 14 năm tù giam tại đội 21 thuộc phân trại 1 với tội danh mua bán trái phép chất ma túy, cảm động chia sẻ: "Cũng như bao phạm nhân khác, khi mới đặt chân đến trại, tôi vô cùng hoang mang, lo lắng, hai tiếng nhà tù cứ ám ảnh, đè nặng lên tư tưởng tôi.

Nhưng khi đặt chân vào buồng giam thì nỗi lo ấy đã vơi đi một nửa, những dãy nhà khang trang, sạch sẽ đến không ngờ, những chiếc chăn, chiếu được sắp xếp thật đẹp và ngăn nắp, những vạt hoa, thảm cỏ, chậu bonsai xanh mướt, làm dịu hẳn cảm giác đây là một thế giới khác, không giống như nhà tù mà tôi được xem trên phim ảnh - không có những đường hầm, hành lang sâu thẳm tối tăm, không có tiếng rít rợn người của cửa sắt, không có những khuôn mặt lạnh tanh hay những ánh mắt dữ dằn mà chỉ có những người cán bộ chững chạc trong bộ cảnh phục với cái nhìn đôn hậu, giọng nói nhỏ nhẹ, ân cần hướng dẫn tôi cùng những phạm nhân khác kiểm tra tư trang, sắp xếp đồ đạc và làm thủ tục nhập trại.

Những ngày tiếp theo, chúng tôi được cán bộ giảng dạy, phân tích tỷ mỉ cặn kẽ những lỗi lầm tai hại mà chúng tôi đã gây ra cho gia đình và xã hội, từ đó chúng tôi đã thấy được bản án mà tòa tuyên là hoàn toàn tương xứng với những gì mà mình gây ra… Quá trình chấp hành án của chúng tôi quả thật là một cuộc hành trình hướng tới cái thiện, cho chúng tôi những bài học quý giá để làm hành trang vững chắc cho bước đường tương lai sau này".

Với mức án chung thân, có lẽ nhiều người sẽ khó mà lạc quan hay tin tưởng vào tương lai, nhưng với phạm nhân Nguyễn Thụy Ngọc Băng (30 tuổi), dù đang chấp hành mức án này tại đội 5 thuộc phân trại 2 vì phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, lại khác, những ai có mặt tại hội nghị hôm ấy cũng đều nhận thấy sự nhanh nhẹn, lạc quan ở cô.

Ngọc Băng bộc bạch: "Trước đây phạm nhân chúng tôi chỉ biết đua đòi, ăn chơi, thích có tiền nhưng lại không muốn lao động. Nhưng khi vào đây, chúng tôi đã nhận ra được rõ tầm quan trọng của lao động, muốn tự kiếm được cho mình một nghề để thấy mình không vô dụng, ý thức về lao động đã từ từ hình thành trong mỗi phạm nhân chúng tôi.

Có cùng cảm nhận với Khắc Tốn và Ngọc Băng, phạm nhân Nguyễn Thị Ngọc Uyên (29 tuổi) với án phạt 8 năm tù giam tội mua bán trái phép chất ma túy, hiện đang chấp hành án tại đội 26 thuộc phân trại 3 cũng bày tỏ: "Tôi tin ở ngày mai, tin rằng sau quá trình rèn luyện, học tập ở trại khi được trở về tôi sẽ trở thành một con người khác - biết sống hướng thiện và có trách nhiệm hơn đối với gia đình và xã hội"…

"Tôi tin khi ra trại, con tôi sẽ trở thành một người tốt"

Phạm nhân Nguyễn Khắc Tốn, phạm nhân Nguyễn Thụy Ngọc Băng, phạm nhân Nguyễn Thị Ngọc Uyên.
Phạm nhân Nguyễn Khắc Tốn, phạm nhân Nguyễn Thụy Ngọc Băng, phạm nhân Nguyễn Thị Ngọc Uyên.

Cùng với các phạm nhân, nhiều đại biểu và gia đình phạm nhân cũng bày tỏ cảm nhận và sự biết ơn đối với các cán bộ chiến sĩ của Trại giam Thủ Đức đã quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để con em họ được rèn luyện, phấn đấu hoàn lương sớm trở về với gia đình và cộng đồng.

Bà Ngô Thị Lụa năm nay đã 76 tuổi - mẹ của một phạm nhân đang cải tạo ở trại, xúc động cho biết: "Hôm qua tôi đã được dẫn đi tham quan các phân trại, nhất là nơi con gái tôi đang cải tạo và thấy được điều kiện ăn ở của phạm nhân rất tươm tất, đàng hoàng.

Hơn nữa, tôi đã được trò chuyện, ăn ngủ với con mình một đêm, tôi cũng động viên con hãy cố gắng cải tạo tốt hơn nữa, tôi tin là sau này khi ra trại, con tôi sẽ trở thành một người tốt".

Nhiều người trong hội trường đã rất tâm đắc và đồng cảm với lời phát biểu ngắn gọn của ông Hoàng Quốc Luận, cha của một phạm nhân đang cải tạo tại trại, khi ông chia sẻ: "Tôi đã được đi tham quan, vãn cảnh và mục sở thị tất cả những nơi mà tôi đến thì điều tôi cảm nhận được là con em chúng tôi phạm tội rồi bị kết án tù nhưng có lẽ khi đến đây chỉ bị 'tù' chứ không bị 'đày'.

Nhân đây tôi cũng nhắn nhủ với các anh chị phạm nhân rằng ai trong cuộc đời cũng có những sai lầm, vấp ngã và có những vấp ngã rất đau đớn với chính các anh, chị em phạm nhân một phần nhưng đau đớn của gia đình, của người thân, của xã hội còn gấp nhiều lần.

Chúng ta là những trai tráng đang sức dài vai rộng mà phải ngồi tù thì đó là thiệt thòi rất lớn cho gia đình và xã hội. Các anh chị phải nhớ rằng, dù ở chế độ nào, công dân của nước nào mà coi thường pháp luật thì đều không được chấp nhận. Vì thế, tất cả những gì mà trại tạo điều kiện cho các anh chị, thì các anh chị phải cố gắng rèn luyện, cải tạo tốt để sớm được trở về với gia đình, xã hội".

Trong khi đó, ông Lê Xuân Bắc, cha của một phạm nhân khác tại trại cũng xúc động bày tỏ: "Con trai tôi phạm tội cướp tài sản, gia đình rất buồn, nhưng những lần đi thăm cháu vừa qua tôi thấy cháu đã tỏ ra ăn năn hối cải với việc làm sai trái của mình… Tôi rất mừng và xin bày tỏ lòng cảm ơn các cán bộ trại đã tạo điều kiện, rèn luyện, dạy dỗ con em chúng tôi sớm trở thành người tốt"…

Nhân dịp này, Trại giam Thủ Đức đã tổ chức giao lưu và phát biểu ý kiến về kinh nghiệm, nghị lực phấn đấu tái hòa nhập cộng đồng của một số người làm ăn, kinh doanh thành công đã từng là phạm nhân của trại. Qua đó những chia sẻ, những lời đầy tâm huyết chắc chắn sẽ tiếp thêm nguồn động lực và có cái nhìn hướng tới tương lai cho các phạm nhân tại trại để họ cố gắng cải tạo, rèn luyện, phấn đấu sớm được trở về với gia đình và tái hòa nhập cộng đồng thành công.

Nói về ý nghĩa khi tổ chức hội nghị phạm nhân, Đại tá Trần Hữu Thông cho biết: "Việc tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân là việc làm rất cần thiết, bởi vì giáo dục phạm nhân có rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố gia đình.

Do đó rất cần sự quan tâm giúp đỡ, phối hợp giữa trại và gia đình, vì gia đình luôn là chỗ dựa về mặt tinh thần cũng như vật chất để phạm nhân yên tâm cải tạo đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân. Có thể nói thông qua hội nghị gia đình phạm nhân này, sự nhận thức của phạm nhân tốt hơn và sự phối kết hợp giữa gia đình với trại cũng ngày càng hiệu quả hơn".

Chúng tôi xin mượn lời chia sẻ và những câu thơ của phạm nhân Nguyễn Khắc Tốn để kết thúc bài viết này: "Hơn 30 năm qua, Trại giam Thủ Đức - trường học lớn của những người lầm đường lạc lối đã gột rửa hàng trăm ngàn lượt con người một thời tội lỗi, trả lại cho họ trái tim nhân hậu, tâm hồn trong sáng, bàn tay lao động lương thiện, đó chính là vốn quý, là hành trang trong cuộc mưu sinh, lập nghiệp khi hòa nhập cộng đồng…"

Theo Phú Lữ
Cảnh sát toàn cầu