DNews

Nhận là người của chủ đầu tư để "lùa gà" dự án chưa được cấp phép?

Cát Sinh

(Dân trí) - Dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh dù chưa đủ điều kiện nhận hồ sơ nhưng có đối tượng nhận là người của chủ đầu tư Him Lam Thủ Đô, sẵn sàng thu tiền cọc trăm triệu đồng với cam kết chắc chắn... có nhà.

Nhận là người của chủ đầu tư để "lùa gà" dự án chưa được cấp phép?

Nhà ở xã hội Thượng Thanh, Long Biên: Nhận là người của chủ đầu tư để "lùa gà" dự án chưa được cấp phép?

Dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh, Long Biên dù chưa đủ điều kiện nhận hồ sơ nhưng có đối tượng nhận là người của chủ đầu tư Him Lam Thủ Đô, sẵn sàng thu tiền cọc cả trăm triệu với cam kết chắc chắn... có nhà?

"Bên em làm việc trực tiếp với chủ đầu tư"

Dự án Khu nhà ở xã hội Thượng Thanh và đấu nối hạ tầng khu vực tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội do Liên danh Công ty Cổ phần Him Lam Thủ đô và Công ty Cổ phần BIC Việt Nam làm chủ đầu tư. Dù dự án này chưa có quyết định bàn giao đất, chưa được cấp phép xây dựng, trên cổng thông tin của Sở Xây dựng thành phố Hà Nội và các báo đài chưa có thông tin do chủ đầu tư cung cấp, thế nhưng, từ nhiều tháng trước, trên mạng xã hội đã xuất hiện những tin rao thu gom hồ sơ của người có nhu cầu mua nhà.

Nhận là người của chủ đầu tư để lùa gà dự án chưa được cấp phép? - 1

Từ 23/3, Sales của Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phát đã đăng tin nhận hồ sơ dự án nhà ở xã hội Him Lam, Thượng Thanh, Long Biên (Ảnh: Cát Sinh).

Ngày 5/4, phóng viên Dân trí liên hệ với người đăng tin này qua zalo mang tên Đức Trung. Qua trao đổi, Trung khẳng định dự án hiện đang khởi công và đang nhận hồ sơ, sẽ giao nhà vào quý 2 năm 2024.

Khi phóng viên thăm dò, mua sớm liệu có giá rẻ hơn không, Trung cho biết: "Hiện giờ mua thì chắc suất hơn còn giá thì do nhà nước duyệt chứ không thay đổi được. Đã có khá nhiều hồ sơ nộp và cọc rồi, cụ thể là khoảng 200 căn đã cọc".

Phóng viên nói không muốn mua qua môi giới, muốn mua trực tiếp chủ đầu tư, Trung tiết lộ mình không phải môi giới mà là sale (nhân viên kinh doanh - PV) bên "Tiến Phát" (Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phát) và công ty này làm việc trực tiếp với chủ đầu tư.

Nhận là người của chủ đầu tư để lùa gà dự án chưa được cấp phép? - 2

Trung khẳng định công ty mình làm việc trực tiếp với chủ đầu tư? (Ảnh: Cát Sinh).

Sau nhiều lần trao đổi, phóng viên ngỏ ý muốn đi xem dự án trực tiếp và được Trung đồng ý dẫn đi xem.

Ngày 14/4, để chứng minh là người làm việc trực tiếp với chủ đầu tư dự án, Trung lái ô tô chờ phóng viên tại hầm chui đường 5 (quận Long Biên, Hà Nội, gần dự án). Sau khi đi vòng vèo qua con đường đất lầy lội, chúng tôi đến một khu nhà cũ mở sẵn cổng lớn, bên trong ghi Ban quản lý dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh.

Trung đánh xe ô tô vào thẳng sân Ban quản lý dự án nhưng không ai hỏi gì. Sau khi giới thiệu sơ về quy mô dự án, Trung dẫn phóng viên vào thẳng trong phòng thiết kế của ban quản lý, vừa đi vừa huýt sáo và gật đầu chào hỏi, không ai tỏ vẻ lạ lẫm với Trung.

Để phóng viên hình dung rõ hơn về quy mô dự án, Trung đưa phóng viên đến chỗ bản đồ thiết kế tổng thể của dự án được treo trên tường trong ban quản lý và bắt đầu giới thiệu "CCT1 là của bên BIC (Công ty Cổ phần BIC Việt Nam) còn CT2, CT3 là của bên em, Him Lam". Phóng viên hỏi lại, em làm việc trực tiếp chủ đầu tư luôn à, Trung đáp: "Dạ vâng, em làm việc trong Him Lam cho nên hàng hiếc bây giờ chỉ mỗi bọn em có chứ làm sao bên ngoài có được".

Trung dẫn phóng viên vào Ban quản lý dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh để tư vấn bán hàng (Video: Cát Sinh).

Tại đây, Trung khẳng định cuối tháng 4 sẽ có bàn giao đất, khoảng tháng 5 sẽ có giấy phép xây dựng, khoảng quý 3 năm nay sẽ xây dựng phần móng dự án và mở bán. Tuy nhiên, đến 12/5, chủ đầu tư dự án xác nhận với Dân trí dự án vẫn chưa có quyết định bàn giao đất.

Vì phòng thiết kế nhiều người, ồn ào, phóng viên rủ Trung ra quán nước gần dự án để trao đổi thêm. Tại đây, nói về độ "hot" của dự án, Trung cho biết, lúc mới có thông tin về dự án đã có rất nhiều người rào trước, hiện đã có 4000 hồ sơ đợt sẵn chuẩn bị nộp, giờ chỉ chờ có giấy phép xây dựng là người ta nộp ào ạt (?).

"Bên em làm riêng cho phòng kinh doanh ở bên ấy, bên Him Lam, cho nên mới có quỹ hàng cho bên em bán, chỉ trong phòng kinh doanh ấy thôi. Chỉ qua bọn em trực tiếp mới có hàng chứ bên ngoài thì không thể có hàng được... Em là người của Him Lam, em là lái xe cho sếp ở bên đấy và làm phòng kinh doanh luôn" , Trung nói.

"Em là người của chủ đầu tư nên chắc chắn anh có nhà" - Trung khẳng định (Video: Cát Sinh).

Khi phóng viên ngỏ ý muốn "chốt căn", Trung hướng dẫn lên công ty mình làm hợp đồng đặt cọc, chọn căn, chọn tầng. 

"Đây là văn phòng của chủ đầu tư Him Lam nhưng văn phòng công ty em ở chỗ 82 Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) khu liền kề đằng sau tòa nhà Thống Nhất, địa chỉ ở NTT 26. Bây giờ em chạy về bên Him Lam đã, các sếp đang họp, em phải chạy về xem tình hình kinh doanh bán hàng thế nào...", Trung chia sẻ.

Sau khi Trung rời đi, phóng viên quay lại ban quản lý để hỏi người vừa dẫn phóng viên vào có phải nhân viên của công ty không, một người tại đây khẳng định Trung là nhân viên thuộc phòng kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, người này cho biết: "Bọn em chưa có sản phẩm đâu anh ạ, chưa bán đâu, bọn em cũng chưa nhận hồ sơ...".

Sẽ có hợp đồng ký với chủ đầu tư nên chắc chắn lấy được nhà cho khách?

Ngày 18/4, Trung nhắn tin hỏi "anh đã nghiên cứu xong chưa, có vấn đề gì không anh", lúc này phóng viên ngỏ ý muốn đến trực tiếp văn phòng công ty của Trung để làm việc, Trung cho biết địa chỉ công ty tại NTT26, 82 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân Hà Nội nhưng đến cần báo trước vì không phải lúc nào mình cũng ở đó.

Trưa 20/4, phóng viên đến địa chỉ trên, Trung không có ở công ty nên nhờ một người tên Phát, nhận là giám đốc kinh doanh của công ty trực tiếp trao đổi với phóng viên.

Phát giới thiệu: "Bọn em có 3 công ty, một công ty chuyên thu mua lại bất động sản ngộp, một công ty chuyên bất động sản là Công ty cổ phần Goldcorp và một công ty phân phối lại hàng của Goldcorp là Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phát. Hiện sếp chưa chỉ định công ty Tiến Phát hay Goldcorp sẽ ký với Him Lam để phân phối nhà ở xã hội Thượng Thanh.

Nhận là người của chủ đầu tư để lùa gà dự án chưa được cấp phép? - 3

Nơi nhận tư vấn hồ sơ nhà ở xã hội Thượng Thanh và khẳng định chắc chắn sẽ lấy được nhà cho khách như cam kết (Ảnh: Cát Sinh).

Phóng viên hỏi, đã có khách hàng nào mua chưa, Phát cho biết, "các căn liền kề đã có tầm chục người vào tiền đặt cọc rồi, còn chung cư đã có trên một trăm rưỡi khách, chính xác là 156 khách đặt cọc dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh dưới dạng hợp đồng tư vấn".

Công ty Tiến Phát khẳng định đã nhận tiền đặt cọc của hàng trăm người đăng ký mua nhà ở xã hội Thượng Thanh (Video: Cát Sinh).

Cũng theo Phát, trong hợp đồng tư vấn hồ sơ ký với khách hàng, có đại diện bên A là khách hàng với những thông tin gồm họ tên, căn cước công dân, địa chỉ, điện thoại liên hệ...

Bên B là công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phát, mã số doanh nghiệp là 0109747897 do Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 17/09/2021, địa chỉ trụ sở chính tại lô số NTT26, Tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ, số 82 Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội; đại diện bởi ông Tôn Quang Phát, chức vụ Tổng giám đốc.

Trong phần "nội dung công việc" của hợp đồng tư vấn hồ sơ ghi rõ "bên A đồng ý lựa chọn và không hủy ngang bên B là đơn vị để tư vấn, hướng dẫn bên A chuẩn bị hồ sơ đăng ký mua/thuê nhà ở xã hội tại dự án khu nhà ở xã hội Thượng Thanh, tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, thành phố Hà Nội do Công ty Cổ phần Him Lam Thủ đô làm chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật về Nhà ở xã hội hiện hành.

Bên A được đưa ra tiêu chí chọn căn, tầng, tòa, diện tích theo nhu cầu của bên mua. Bên B nhận đáp ứng các tiêu chí do bên A yêu cầu với điều kiện bên A phải trả bên B một khoản phí chênh cao hơn giá cho Sở Xây dựng duyệt.

Về khoản phí chênh này, Trung đã nói rõ với phóng viên khi tư vấn tại quán nước gần ban quản lý dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh ngày 14/4.

"Tổng chênh sẽ rơi vào tầm 2 - 2,5 triệu đồng/m2, tùy vào vị trí căn, ví dụ hướng đẹp, tầng đẹp thì giá khác nhưng chỉ trong tầm đấy thôi. Còn giá hiện tại trên Sở (Sở Xây dựng thành phố Hà Nội) đưa ra duyệt cao nhất là 19,2 triệu đồng/m2.

Đấy là cao nhất, còn có thể sẽ thấp hơn. Bên Trung Văn (nhà ở xã hội NHS Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là 19,5 triệu đồng/m2 mà "bọn đấy" nó bán chênh 500 triệu đồng/căn, dã man luôn. Bọn em chỉ lấy trên 2 triệu/m2 vì bọn em không phải sàn, nên bọn em chỉ đưa ra giá đấy thôi. Hàng này tụi em cũng không đưa cho sàn bán, chỉ anh em trong phòng kinh doanh của Him Lam có...".

Thu chênh hàng trăm triệu đồng mỗi căn nhà ở xã hội Thượng Thanh so với giá chủ đầu tư đăng ký với Sở Xây dựng Hà Nội (Video: Cát Sinh).

Phóng viên đặt câu hỏi với Phát, nếu đồng ý đóng tiền cho công ty nhưng đến lúc không mua được thì sao, Phát khẳng định chắc chắn lấy được căn và khoảng tầng thì mới dám tư vấn. Công ty có ký hợp đồng tư vấn với khách và có thưởng phạt rõ ràng, hợp đồng ghi rõ: "Trong 08 (tám) tháng kể từ ngày các bên ký kết hợp đồng này và bên A hoàn thiện hồ sơ theo hướng dẫn và nộp cho bên B nhưng bên B không cung cấp được phiếu tiếp nhận hồ sơ của chủ đầu tư cho bên A thì bên B có trách nhiệm hoàn trả lại toàn bộ số tiền mà bên A đã thanh toán cho bên B và một khoản tiền phạt với số tiền tương ứng 10% số tiền đã đặt".

Chưa thực sự yên tâm, phóng viên hỏi thêm, giữa công ty với chủ đầu tư có hợp đồng ký kết việc phân phối căn hộ không, Phát nói: "Khi nào có thì em sẽ gọi cho anh. Chắc chắn là sẽ có nhưng bọn em bây giờ chưa được show ra (đưa ra công khai cho khách xem) vì công trình chưa triển khai thì bọn em chưa được show ra, lộ thông tin sớm quá người ta vào ồ ạt sẽ bị dẹp...".

Có thể bị phạt 160 triệu đồng, phạt tù đến 15 năm?

Luật sư Huỳnh Hà Phước Bửu, đoàn luật sư tỉnh Bình Dương cho rằng, việc các sàn môi giới bất động sản tự ý nhận tiền tư vấn của người có nhu cầu mua nhà ở xã hội với mức phí hàng trăm triệu đồng rồi hứa giúp họ mua được nhà ở xã hội trong khi không chứng minh được có hợp đồng ủy quyền phân phối căn hộ với chủ đầu tư là hành vi gian dối, có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Tùy theo số tiền chiếm đoạt sẽ đối diện với các khung hình phạt cụ thể.

Khung 1, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Khung 2, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức;  Có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt;

Khung 3, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Luật sư Trần Viết Hà, Công ty Luật TNHH MTV Nam Sơn cho rằng, căn cứ khoản 1, điều 19, nghị định 100/2015/NĐ-CP sửa đổi bằng nghị định 49/2021/NĐ-CP, nhà ở xã hội phải được bán, cho thuê, thuê mua theo đúng đối tượng và điều kiện quy định tại điều 49 và điều 51 của luật Nhà ở; mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được giải quyết hỗ trợ nhà ở xã hội một lần theo quy định tại điều 52 của luật Nhà ở.

Như vậy, việc các sàn cố tình thu các loại phí môi giới trái phép sẽ bị xử phạt từ 120 đến 160 triệu đồng với hành vi "thu các loại phí kinh doanh dịch vụ bất động sản mà pháp luật không quy định" quy định tại điểm đ khoản 2 điều 59 nghị định 16/2022/NĐ-CP. 

Chủ đầu tư phủ nhận liên quan

Trao đổi về nội dung liên quan, chủ đầu tư dự án là Liên danh giữa Công ty Cổ phần Him Lam Thủ đô và Công ty Cổ phần BIC Việt Nam đều phủ nhận liên quan vì...không có bằng chứng.

Ông Vũ Quốc Đạt, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Him Lam Thủ đô khẳng định, hiện dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, đang xin giao đất và các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật hiện hành để các sản phẩm bất động sản tại Dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Công ty Cổ phần Him Lam Thủ đô khẳng định dự án hiện chưa mở bán, chưa nhận hồ sơ và không thu bất cứ khoản phí ngoài quy định của bất cứ khách hàng nào, các thông tin trên mạng và các trang web quảng bá bán hàng cho dự án đều là giả mạo và có dấu hiệu lừa đảo.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Him Lam Thủ đô không ký bất kỳ hợp đồng ủy quyền hay hợp đồng hợp tác phân phối các căn hộ của dự án trên với Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phát hay bất cứ công ty nào.

Ông Đạt khẳng định, hoạt động tư vấn, rao bán các căn hộ tại Dự án Nhà ở xã hội Thượng Thanh là các hành động tự phát, không liên quan gì đến Công ty Cổ phần Him Lam Thủ đô.

Ngày 12/5, ông Nguyễn Tuấn, phụ trách truyền thông của Công ty Cổ phần BIC Việt Nam cũng khẳng định chưa nhận hồ sơ của khách hàng liên quan đến dự án này, không có ký kết văn bản ủy quyền phân phối căn hộ với bất kỳ sàn giao dịch bất động sản nào. Nếu sàn nào khẳng định có liên kết với chủ đầu tư thì phải đưa ra được bằng chứng.

Nội dung, hình ảnh, video: Cát Sinh