Công an xác minh người xúi giục Thích Tâm Phúc phát ngôn, tạo dư luận xấu

Q.Huy

(Dân trí) - Công an TPHCM xác định, lợi dụng tính cánh, lối sống của Thích Tâm Phúc, một số Youtuber, TikToker thường xuyên xúi giục đương sự phát ngôn, hành động nhằm thu hút người xem, tăng tương tác.

Liên quan đến vụ việc người tự xưng "đại đức Thích Tâm Phúc" có nhiều phát ngôn, hành động tạo dư luận xấu trong xã hội thời gian qua, Công an TPHCM cho biết, đơn vị tiếp tục xác minh một số người dùng mạng xã hội có liên quan.

Công an TPHCM thông tin, người này tên thật là Nguyễn Minh Phúc, sinh năm 1983, quê quán tại huyện Củ Chi. Trong vấn đề phát tán tài liệu, đăng tải thông tin gây ảnh hưởng đến uy tín Phật giáo, Công an thành phố xác định, lợi dụng Phúc có mặc trang phục, hình thức giống người tu hành, một số Youtuber, TikToker đã chụp hình, quay clip và đăng tải lên mạng xã hội nhằm câu view, câu like, tạo dư luận xấu trong xã hội và giới tăng ni, phật tử cả nước.

Công an xác minh người xúi giục Thích Tâm Phúc phát ngôn, tạo dư luận xấu - 1

"Thích Tâm Phúc" thường xuyên có những hành động, phát ngôn đi ngược với truyền thống Phật giáo, gây bức xúc dư luận (Ảnh cắt từ clip).

"Lợi dụng tính cách, lối sống của Nguyễn Minh Phúc, một số người dùng mạng xã hội thường xuyên xúi giục đương sự phát ngôn, hành động đi ngược với tư cách và quy định của tu sĩ tôn giáo nhằm thu hút người xem, tăng tương tác. Các hành vi trên đã gây dư luận xấu trong cộng đồng, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Phật giáo", đại diện Công an TPHCM nêu rõ.

Trong thời gian tới, căn cứ tính chất, mức độ, mục đích, hành vi, hậu quả của các vi phạm, Công an TPHCM sẽ tiếp tục xác minh, thu thập, củng cố chứng cứ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Công an xác minh người xúi giục Thích Tâm Phúc phát ngôn, tạo dư luận xấu - 2

"Thích Tâm Phúc" để đầu trọc, mặc áo giống nhà sư cười nói trong quán nhậu (Ảnh cắt từ clip).

Công an TPHCM thông tin thêm, người tự xưng là Thích Tâm Phúc học tại chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn) trong giai đoạn 2000-2010. Người này mới làm lễ quy y, nhưng chưa xuất gia.

Liên quan đến hành vi làm giả con dấu, tài liệu, giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả, Công an TPHCM phân tích, năm 2019, Công an huyện Củ Chi đã kiểm tra, phát hiện tại nhà người này treo nhiều huân chương, bằng khen các loại cùng 3 giấy tờ bằng tiếng nước ngoài, có con dấu. Qua công tác giám định, tất cả giấy tờ này là giả.

Nói về vấn đề này, luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty luật TNHH Lưu Vũ) cho rằng hành vi thiếu chuẩn mực của Phúc đã bị chính quyền nhắc nhở, xử phạt hành chính nhiều lần nhưng vẫn tái phạm. Việc làm của người này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của Phật giáo, nên các cơ quan chức năng cần phải xử lý mạnh tay để răn đe, tránh tình trạng tiếp tục tái phạm.

Theo ông Toàn, phía sau vụ việc không thể không xử nhắc nhở, xử lý các YouTuber, TikToker tạo "nội dung bẩn, độc hại bất chấp để câu view".

Công an xác minh người xúi giục Thích Tâm Phúc phát ngôn, tạo dư luận xấu - 3

Với hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" theo Khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Ngoài ra, các YouTuber và TikToker có hành vi vi phạm thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP).

Theo đó, hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng theo Điểm a Khoản 3 Điều 100 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP).

Đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP).

Với hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 5 đồng đến 10 đồng theo Điểm n Khoản 2 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP).

"Mỗi người đều có quyền tự do khi đăng tải, chia sẻ những nội dung trên mạng xã hội. Tuy nhiên, mỗi cá nhân, tổ chức cần phải chọn lọc nội dung để tuân thủ pháp luật và phù hợp với thuần phong mỹ tục", luật sư Toàn nêu quan điểm.