Chuyên gia nói về "mấy chai rượu trong chiếc cặp số" vụ chuyến bay giải cứu

Thế Hưng

(Dân trí) - Chuyên gia về tội phạm học và luật sư nhận định, "đường đi" của chai rượu sẽ xác nhận lời khai của bị cáo Hoàng Văn Hưng trong vụ án "chuyến bay giải cứu".

"Đường đi" của 4 chai rượu xác định sự thật
Theo một chuyên gia về tội phạm học, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

Do vậy, bị cáo Hưng đã thực hiện quyền tự bào chữa của mình bằng việc liên tục kêu oan, kiên quyết phủ nhận đã nhận số ngoại tệ do bị cáo Tuấn chuyển trong chiếc cặp đen, cho rằng thứ nhận được chỉ là 4 chai rượu.

Vị chuyên gia cho rằng, tình tiết này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định đến số phận của bị cáo. Vì nếu không chứng minh được trong cặp là ngoại tệ, thì bị cáo Hưng không phạm tội như cáo buộc.

Bởi vậy, dư luận đang quan tâm đặc biệt đến những diễn biến tại phiên tòa, chờ đợi xem Hội đồng xét xử có kết tội được bị cáo hay không?

Chuyên gia nói về mấy chai rượu trong chiếc cặp số vụ chuyến bay giải cứu - 1

Hoàng Văn Hưng (áo trắng) (Ảnh: Danh Nam).

Dựa trên vụ việc, vị chuyên gia tội phạm học nhận định, bị cáo cho biết sẽ công khai những thông tin chưa từng được biết đến trong vụ án, như việc bỏ lọt tội phạm.

Điều này được ví như "quả bom nổ chậm", càng kích thích sự tò mò, háo hức, chờ đợi của dư luận. Bởi nhiều người rất quan tâm xem còn những ai liên quan đến vụ án mà vẫn nằm ngoài hồ sơ. Việc chứng minh vật chứa đựng trong chiếc cặp là rượu hay là tiền thực sự khó khăn.

"Đánh giá nội dung khai báo trước tòa của bị cáo Hưng tôi thấy anh ta rất tinh quái khi thừa nhận ngay những tình tiết đã rõ, có tài liệu chứng minh. Đó là việc nhận chiếc cặp từ bị cáo Tuấn", vị chuyên gia nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, chi tiết mấu chốt của vấn đề đó là trong cặp chứa gì thì anh ta kiên quyết phủ nhận đó là tiền. Bởi vì bị cáo biết trong cặp có gì thì chỉ có 2 người biết, đó là bản thân bị cáo Hưng và Tuấn.

"Khi lời khai của 2 người mâu thuẫn với nhau, không có các chứng cứ bổ trợ để chứng minh thì việc xác định về "chất liệu" của thứ để trong cặp là rất khó khăn", theo lời vị chuyên gia.

Do đó, vị chuyên gia nhận định, để xác định sự thật, hội đồng xét xử có thể làm rõ tại phiên tòa về "đường đi" của 4 chai rượu theo lời khai của bị cáo. Cụ thể như bị cáo đã khai dùng rượu mời các bác sĩ để cảm ơn đã điều trị Covid-19 cho anh ta, thì cần làm rõ họ là ai? Sự việc tiếp đãi cảm ơn đã diễn ra ở đâu? Có các tài liệu nào chứng minh, trích xuất camera tại điểm đó để kiểm tra?

Nếu trên thực tế không tồn tại các tài liệu này thì theo vị chuyên gia, không có sự việc như bị cáo khai báo. Vì thế nội dung bị cáo đã khai tại phiên tòa có thể bác bỏ. Ngoài ra, có thể thực nghiệm điều tra theo lời khai của bị cáo về khả năng chứa đựng số rượu trong chiếc cặp bị cáo Tuấn đã đưa.

"Hiện có dữ liệu camera ghi lại kiểu dáng, kích cỡ của chiếc cặp này nên việc sử dụng vật tương tự cùng loại để thực nghiệm là điều khả thi", vị chuyên gia khẳng định.

Cho đến nay, khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của tòa án, thì bị cáo vẫn chưa được coi là có tội. Bởi vậy, quyền tự bào chữa của bị cáo đã được tòa án tôn trọng và với những gì đã diễn ra tại phiên tòa, có thể thấy hội đồng xét xử đang bám sát kết quả tranh tụng công khai để có thể đưa ra các phán quyết chính xác về sự việc.

Chưa thể xác nhận lời khai

Dưới góc nhìn của luật sư, TS LS Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính Pháp phân tích, vụ án có nhiều tình tiết hội đồng xét xử cần phải làm rõ trong phần tranh luận và đối đáp giữa đại diện viện kiểm sát, các bị cáo cùng các luật sư bào chữa.

Đến nay thì bị cáo Hằng và bị cáo Tuấn, vì Cao Sơn đã thừa nhận hành vi phạm tội là hành vi đưa hối lộ và môi giới hối lộ, các bị cáo này tỏ ra thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, khẳng định lời khai của mình là đúng, trung thực, là bản chất của vụ việc.

Tuy nhiên lời khai của các bị cáo này lại mâu thuẫn với bị cáo Hưng. Bị cáo Hưng không thừa nhận hành vi phạm tội và cho rằng mình chỉ nhận quà tặng là rượu vang của bị cáo Tuấn, chứ không nhận tiền.

Ngoài ra thì bị cáo Hưng cũng cho rằng mình không có hành vi nào xâm phạm hoạt động tư pháp, không cản trở hoạt động điều tra, không hướng dẫn bị cáo Hằng và bị cáo Sơn thực hiện các hành vi trái pháp luật...

Luật sư Cường nhận định, lời khai của bị cáo Hưng là đúng hay lời khai của bị cáo Tuấn, Hằng là đúng là vấn đề rất quan trọng để xác định bản chất vụ án. Vấn đề này hội đồng xét xử sẽ làm sáng tỏ.

Tuy nhiên theo vị luật sư này, về nguyên tắc suy đoán vô tội thì một người chỉ có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án. Khi tòa án chưa ban hành bản án có hiệu lực pháp luật thì các bị cáo vẫn được coi là chưa có tội và có quyền thực hiện việc bào chữa, nhờ người khác bào chữa để chứng minh cho sự trong sạch của bản thân.

Việc đánh giá chứng cứ, đánh giá tính trung thực trong lời khai và quyết định bị cáo có phạm tội hay không do hội đồng xét xử là người có thẩm quyền trên cơ sở trình tự thủ tục tố tụng hình sự.

"Trường hợp tòa án cấp sơ thẩm xét xử tuyên án mà các bị cáo không đồng ý, viện kiểm sát không tán thành thì vẫn có quyền kháng cáo hoặc kháng nghị để tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại theo trình tự phúc thẩm. Bởi vậy các bên có đủ thời gian, điều kiện để chứng minh lập luận cho quan điểm của mình", luật sư Cường nói.

Theo luật sư Cường, ngoài những chứng cứ vật chất thì lời khai của người làm chứng mà trung thực, khách quan, có liên quan đến vụ án thì cũng được xác định là chứng cứ để chứng minh sự thật phải làm căn cứ để giải quyết vụ án. Bởi vậy, bây giờ còn "quá sớm" để nói rằng bị cáo Hưng có tội hay không, cũng như để khẳng định lời khai của bị cáo Tuấn và bị cáo Hằng là đáng tin cậy hay không?