Bế mạc hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 13

(Dân trí) - Sáng 20/6, tại Đà Nẵng, Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 13 (SOMTC 13) đã bế mạc và thành công tốt đẹp.

Trung tướng Phan Văn Vĩnh, tổng cục trưởng tổng cục cảnh sát phòng, chống tội phạm thay mặt các Trưởng đoàn, đánh giá cao những nỗ lực của các quý vị đại biểu trong việc góp phần vào sự thành công của Hội nghị SOMTC lần thứ 13; đồng thời tin tưởng rằng với những nỗ lực riêng của mỗi nước thành viên và những nỗ lực chung của cả Cộng đồng ASEAN, mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các nước trong khu vực về các lĩnh vực phát triển kinh tế nói chung và về lĩnh vực phòng, chống tội phạm nói riêng tất yếu sẽ đạt tới những mục tiêu mà mỗi quốc gia chúng ta mong muốn. Đó là sự phát triển đồng đều giữa các nước trong khu vực và sự hòa bình ổn định về an ninh khu vực được đảm bảo.

Trong hai ngày làm việc, các đại biểu đã trao đổi quan điểm về các nỗ lực cấp quốc gia và khu vực trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; tội phạm buôn lậu vũ khí; tội phạm mua bán người và tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Trưởng đoàn các nước ASEAN chụp ảnh lưu niệm
Trưởng đoàn các nước ASEAN chụp ảnh lưu niệm
 
Đối với tội phạm xuyên quốc gia, các quốc gia tập trung vào các vấn đề nổi bật về nỗ lực phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia của nước mình. Thông qua các báo cáo của các quốc gia tại hội nghị có thể nhận thấy hiện nay tình hình hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia ngày càng có xu hướng phức tạp và gia tăng. Bọn tội phạm lợi dụng sự tiến bộ của khoa học công nghệ, sự đi lại dễ dàng giữa các nước để tiến hành các hoạt động tội phạm.

Báo cáo của đoàn Việt Nam cho biết trong năm qua, các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã mở nhiều đợt tấn công trấn áp tội phạm, kiềm chế hoạt động vận chuyển ma túy xuyên quốc gia từ nước ngoài vào Việt Nam; số vụ tội phạm ma túy và số đối tượng phạm tội ma túy bị phát hiện gia tăng; tăng cường hoạt động quản lý và kiểm soát tiền chất nhằm chủ động ngăn ngừa sản xuất các loại ma túy tổng hợp; đã khám phá thêm một số vụ mua bán chất ma túy do số đối tượng gốc Phi thực hiện.

Qua công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy hoạt động tội phạm trong lĩnh vực du lịch cũng là một vấn đề đang nổi lên, trong đó có các hoạt động như du lịch tình dục trẻ em, mua bán người thông qua việc đưa phụ nữ, trẻ em đưa ra nước ngoài tham quan, du lịch; mua bán trái phép chất ma túy, sử dụng giấy thông hành giả…

Với việc ngày càng nhiều du khách từ các khu vực khác trên thế giới đến du lịch tại các nước ASEAN, tội phạm trong lĩnh vực du lịch sẽ có xu hướng phát triển. Trước tình hình tội phạm diễn biến phức tạp trên, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước trong nội khối ASEAN với các nước ngoài khu vực nhằm giải quyết có hiệu quả tội phạm xuyên quốc gia.

Khánh Hồng