5 cựu tướng cảnh sát biển tham ô 50 tỷ đồng hầu tòa ngày mai

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Ngày mai (27/6), Tòa án quân sự Quân khu Thủ đô sẽ xét xử vụ án tham ô 50 tỷ đồng ngân sách xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử ngày mai gồm:

Ông Bùi Văn Hòe, cựu Thượng tá, cựu Phó trưởng phòng Tài chính;

Ông Nguyễn Văn Sơn, cựu Trung tướng, cựu Tư lệnh;

Ông Hoàng Văn Đồng, cựu Trung tướng, cựu Chính ủy;

Ông Doãn Bảo Quyết, cựu Thiếu tướng, cựu Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị;

Ông Phạm Kim Hậu, cựu Thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng;

Ông Bùi Trung Dũng, cựu Thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh;

Ông Nguyễn Văn Hưng, cựu Đại tá, cựu Cục trưởng Cục Kỹ thuật đều thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.

5 cựu tướng cảnh sát biển tham ô 50 tỷ đồng hầu tòa ngày mai - 1

Cựu Trung tướng, cựu Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn (Ảnh: Gia Hân).

Các bị cáo đều bị truy tố về tội Tham ô tài sản theo khoản 4, Điều 353 với khung hình phạt tù 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.

Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 3 ngày dưới sự điều hành của chủ tọa, Thượng tá, Thẩm phán Phạm Minh Khôi. Giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử có 2 đại diện của Viện kiểm sát quân sự Bộ đội Biên phòng.

Phía kiểm sát cáo buộc năm 2019, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn và 6 đồng phạm đã tham ô 50 tỷ đồng ngân sách chi cho quốc phòng.

Số tiền này sau đó được chia đều cho 5 sĩ quan cấp tướng của Cảnh sát biển gồm các ông Nguyễn Văn Sơn, Hoàng Văn Đồng, Doãn Bảo Quyết, Phan Kim Hậu, Bùi Trung Dũng.

Năm 2020, Thiếu tướng Phan Kim Hậu làm đơn tố giác việc tham ô của mình và một số cá nhân là thủ trưởng Bộ tư lệnh, kèm 2 file ghi âm làm bằng chứng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc và các bị cáo trong vụ án nhận sai phạm, nộp lại 50 tỷ đồng.

Viện kiểm sát đánh giá, nguyên nhân phạm tội là do các bị cáo chấp hành pháp luật không nghiêm; lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao trong quá trình phân bổ ngân sách cấp cho đơn vị để chiếm đoạt.

Ngoài ra, công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng còn nhiều thiếu sót, là điều kiện làm phát sinh tội phạm và vi phạm kỷ luật.

Song cơ quan tố tụng ghi nhận các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như nhiều thành tích trong công tác, được tặng huân, huy chương; gia đình có công; số tiền chiếm đoạt được nộp lại; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải…