Xử lý vi phạm luật giao thông bằng Facebook

(Dân trí) - New Delhi, thành phố nổi tiếng với tình hình giao thông lộn xộn của Ấn Độ, đã quyết định triển khai một biện pháp đầy bất ngờ nhằm chống các hành vi vi phạm luật giao thông: Facebook.

Xử lý vi phạm luật giao thông bằng Facebook - 1
Một bức ảnh đăng trên Facebook của cảnh sát giao thông New Delhi chụp một người đàn ông đi xe máy không đội mũ bảo hiểm.

 

New Delhi là thành phố nổi tiếng có tình hình giao thông lộn xộn, nhiều người vượt đèn đỏ, không nhường đường cho người đi bộ và chạy xe sai làn đường.

 

Giờ đây, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố đã quyết định đưa thêm một loại “vũ khí” đặc biệt vào công cuộc giữ gìn trật tự giao thông: Facebook.

 

Cảnh sát giao thông New Delhi đã mở một trang Facebook cách đây 2 tháng và được người dân nhiệt liệt ủng hộ bằng cách đăng ảnh chụp những người vi phạm luật giao thông. Tính đến ngày 1/8, trang này đã có hơn 17.000 người hâm mộ (fan). Gần 3.000 bức ảnh và hàng chục video đã được fan đăng tải lên trang.

 

“Bản cáo trạng” trực tuyến thực sự ấn tượng. Có những bức ảnh người lái xe máy không đội mũ bảo hiểm, ô tô dừng đỗ ở phần đường dành cho người đi bộ, tài xế sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe, người điều khiển xe rẽ sai luật, và xe đậu sai chỗ.

 

Ông Satyendra Garg, uỷ viên hội đồng thành phố, cho biết với những bằng chứng rõ ràng này, cảnh sát giao thông Delhi đã in ra 665 phiếu phạt, dùng biển số trong ảnh để truy tìm chủ xe vi phạm.

 

Ông cũng cho biết, dù có một số ý kiến lo ngại về tính riêng tư và tính xác thực của những bức ảnh, nhưng phản ứng của cộng đồng nhìn chung là tích cực.

 

Ông Garg cho biết trang Facebook của cảnh sát giao thông New Delhi chưa bao giờ yêu cầu mọi người chụp ảnh các tài xế vi phạm luật giao thông. “Chúng tôi muốn tạo ra một diễn đàn để mọi người thể hiện quan điểm và đề xuất những thay đổi,” ông nói.

 

Thành phố 12 triệu dân này chỉ có 5.000 cảnh sát giao thông, nên mạng xã hội Facebook trở nên hữu dụng. “Cảnh sát giao thông không thể có mặt ở mọi nơi, nhưng luật giao thông thì luôn bị vi phạm. Nếu mọi người muốn báo các trường hợp vi phạm thì chúng tôi hoan nghênh. Vi phạm là vi phạm,” ông Garg nói.

 

Ông cũng thừa nhận rằng cũng có khả năng một số bức ảnh bị làm giả nhằm đổ tội cho ai đó thực sự không vi phạm luật. Nhưng các tài xế hoàn toàn có thể phản bác vé phạt nếu họ cho rằng có vấn đề. Cảnh sát khuyên các công dân không nên để hiềm khích cá nhân xen vào chuyện này, và không nên làm gì để mất sự an toàn của bản thân, như khiến những người vi phạm luật giao thông phản kháng khi bị chụp ảnh.

 

Không ít công dân thành phố này nhiệt liệt ủng hộ biện pháp mới của lực lượng cảnh sát giao thông. “Đây là một cách sử dụng nguồn lực cảnh sát tốt,” anh Vijyant Jain, 27 tuổi, làm việc cho công ty viễn thông Orange Business Services, người đang lái một chiếc minivan, nói. Anh đã đăng một cảnh báo tắc nghẽn giao thông trên trang Facebook của cảnh sát giao thông thành phố Delhi hôm 30/7 vừa qua.

 

“Bất cứ tài xế nào khi chuẩn bị vi phạm luật giao thông, kể cả tôi, đều ngó quanh để xem có cảnh sát giao thông gần đó không,” anh Jain nói. Giờ đây, các tài xế sẽ phải thận trọng hơn nữa, vì ngoài cảnh sát giao thông họ còn phải đề phòng bị chụp ảnh, quay phim.
 
Xử lý vi phạm luật giao thông bằng Facebook - 2

 

Những người phản đối thì cho rằng những biện pháp này có thể tạo một tiền lệ nguy hiểm. Ông Gaurav Mishra, giám đốc 2020 Social, một công ty tư vấn ở New Delhi, giải thích: “Khi bạn dùng Internet như một công cụ để chính quyền theo dõi các công dân, thì tôi bắt đầu thực sự lo lắng, vì bạn không biết nó sẽ đi đến đâu”. Tính phổ biến của mạng xã hội này cho thấy có thể xảy ra việc công khai làm bẽ mặt những người vi phạm luật giao thông, và đó là điều không hay.

 

Hiện có hàng ngàn người vào trang Facebook của cảnh sát giao thông New Delhi, nhưng chưa phải là đại đa số công dân. Chỉ có 1/4 người thành thị Ấn Độ dùng internet, và thường là những người giàu nhất trong xã hội. Facebook cho biết trong tháng 7 vừa qua, lượng người sử dụng mạng xã hội này từ Ấn Độ đã vượt mốc 12 triệu.

 

Cơ quan chức năng phải dùng tới nguồn tin trên Facebook một phần vì mức độ nguy hiểm trong giao thông ở Ấn Độ đã ở mức báo động. Ấn Độ có tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông cao nhất thế giới, và số tài xế mới, không qua đào tạo bài bản tăng chóng mặt trong những năm gần đây, do tầng lớp trung lưu phát triển. Trong khi đó, hạ tầng giao thông và lực lượng cảnh sát chưa kịp phát triển theo.

 

Tính từ đầu năm đến ngày 15/7, cảnh sát giao thông đã phải tuýt còi dừng 247.973 xe vượt đèn đỏ. Vào đầu năm nay, thành phố đã tiếp nhận 6,5 triệu xe đăng ký mới, và các chuyên gia ở đây ước tính mỗi ngày lại có thêm khoảng 1.000 xe tham gia giao thông.

 

Cảnh sát giao thông Delhi giờ đây có một nhóm, gồm 4 người, chuyên trách trang Facebook của cơ quan này 24/24. Ngoài việc kiểm tra các trường hợp vi phạm, họ còn đăng tải thông tin về những con đường bị chặn và tình hình tắc nghẽn giao thông, trả lời những đề xuất gỡ rối giao thông và trả lời thắc mắc của công dân.

 

Mạng xã hội ngày càng có vai trò lớn trong các vụ xử tại toàn án, nhưng việc sử dụng Facebook của Cảnh sát giao thông Delhi vẫn khá độc đáo.

 

Hàng chục phòng cảnh sát ở Mỹ cũng có các trang Facebook, thường được dùng như một kênh thông báo với người dân về những thay đổi về luật, cảnh báo nguy hiểm và kêu gọi quyên góp.

 

Trong một số ít trường hợp, các phòng cảnh sát của Mỹ yêu cầu người dùng Facebook tham gia hỗ trợ thực thi pháp luật. Ví dụ, cảnh sát ở Baker, Louisiana, đã đăng một bức ảnh trên Facebook chụp một chiếc xe liên quan tới một vụ trộm và yêu cầu người dân giúp đỡ. Không rõ việc đăng ảnh lên Facebook này có dẫn tới vụ bắt giam nào không, nhưng một người dùng Facebook đã bình luận rằng chiếc xe đó trông giống với chiếc của anh trai của một người bạn.

 

Ở New Delhi, ông Garg thừa nhận rằng cũng có những phức tạp trong việc in phiếu phạt dựa trên ảnh đăng trên Facebook. Mọi người có thể dùng trang này để trả thù riêng. Nhưng ông cho biết cho đến nay phản hồi khá tích cực, và ông không muốn làm nản lòng bất cứ ai muốn đăng ảnh.

 

Ông Garg cũng khuyên rằng mọi người đang lái xe thì không nên chụp ảnh người vi phạm luật giao thông trên đường. Bản thân việc dùng điện thoại đi động để chụp ảnh hoặc quay phim khi đang lái xe cũng là vi phạm luật giao thông.

 

Nhật Minh

Theo NYT