Xe Nhật có “hàm lượng Mỹ” cao hơn cả xe Mỹ

(Dân trí) - Trong 5 vị trí dẫn đầu danh sách xe có hàm lượng nội địa Mỹ cao nhất thì có tới 4 thương hiệu Nhật. Toyota Camry đã năm thứ 4 liên tiếp đứng đầu bảng.

Xe Toyota Camry
Xe Toyota Camry

 

Trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, không dễ để xác định một chiếc xe Mỹ là thế nào. Nhiều xe được sản xuất tại Mỹ nhưng lại dùng hầu hết linh kiện, phụ tùng nhập khẩu. Một số xe được lắp ráp tại Mỹ, với phần lớn linh kiện, phụ tùng cũng sản xuất tại Mỹ, nhưng lại không bán chạy, tức là số người Mỹ tham gia vào quá trình sản xuất xe không cao. Chỉ số nội địa hoá (American-Made Index - AMI) ghi nhận những mẫu xe được lắp ráp tại Mỹ, có tỷ lệ linh kiện, phụ tùng nội địa cao, và được nhiều người Mỹ mua.

 

Doanh số là yếu tố quan trọng trong chỉ số AMI năm nay, khi Toyota Camry chỉ nhỉnh hơn xe Ford F-150 hai ngày doanh số trung bình. Trên thực tế, khoảng cách giữa vị trí thứ nhất và thứ hai của năm nay là nhỏ nhất trong lịch sử chỉ số này.

 

Đây là năm thứ 6 trang Cars.com làm thống kê Chỉ số nội địa hoá Mỹ.

 

Toyota và Honda “Mỹ” hơn cả thương hiệu ô tô Mỹ

 

Toyota, Honda và General Motors (GM) thống lĩnh top 10, với tỷ lệ 8/10 xe trong danh sách. Ford và Chrysler chỉ có một xe trong danh sách, đó là Ford F-150 và Jeep Liberty.

 

Dẫn đầu danh sách năm nay vẫn là Toyota Camry, kế đến là Ford F-150, rồi lại tới một mác xe Nhật là Honda Accord. Tỷ lệ linh kiện, phụ tùng nội địa giảm đã khiến các mẫu xe bán chạy của Ford như Escape và Focus không có tên trong danh sách.

 

Năm nay, GM có 3 mẫu xe góp mặt vào danh sách - Chevrolet Traverse, GMC Acadia và Buick Enclave.

 

Ford F-150 - mẫu xe 3 năm đầu liên tiếp giữ vị trí số 1 kể từ khi Cars.com bắt đầu làm thống kê - từng có tỷ lệ linh kiện, phụ tùng nội địa tới 90% thì nay chỉ còn 75% (năm còn thậm chí còn không có tên trong danh sách do tỷ lệ nội địa hoá chỉ đạt 60%). Các mẫu Chevrolet Silverado và Chrysler Ram 1500 cũng tương tự. Đó là chưa kể việc ngày càng có nhiều xe thương hiệu Mỹ nhưng được sản xuất ở nước ngoài rồi nhập về Mỹ để tiêu thụ.

 

Nhiều mẫu xe bán tải cỡ lớn của các hãng xe Mỹ một thời thống lĩnh danh sách này giờ đã phải đứng ngoài cuộc.
 

Trong số các xe trong danh sách, Honda Accord và Toyota có tỷ lệ linh kiện, phụ tùng nội địa Mỹ cao nhất: 80%. Trong khi đó, danh sách năm ngoái có tới 4 mẫu xe có tỷ lệ nội địa hoá 80% trở lên.

 
Một số mẫu xe nổi tiếng của Mỹ, như các xe minivan của Chrysler, Ford Fusion, và Chevy Camaro hiện được lắp ráp ở Canada và Mexico.
 

Chi phí sản xuất ô tô tại Mexico rẻ hơn tại Mỹ và nhờ có Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ 1994, các rào cản ít hơn. Nhân công chiếm chưa đến 10% tổng chi phí sản xuất một chiếc ô tô, nhưng có sự khác biệt lớn ở chi phí này. Năm 2010, công nhân ô tô ở Canađa có thu nhập khoảng 38,77 USD/giờ, ở Mỹ là 33,46 USD, trong khi tại Mexico chỉ 3,75 USD, theo công ty nghiên cứu thị trường ô tô IHS Automotive.

 

Không riêng các nhà sản xuất ô tô Mỹ phải chọn cách nhập xe nguyên chiếc vào Mỹ để bán. Nissan có các xe Versa và Sentra nhập từ Mexico. Nhiều trong số các xe bán chạy nhất của Toyota và Honda, như Prius hybrid và Fit hatchback, vẫn được nhập khẩu nguyên chiếc vào Mỹ. Xe Toyota Corolla được nhập từ Canada vào Mỹ.
 

Việc tỷ lệ nội địa hoá của xe tại Mỹ ngày càng giảm thể hiện bản chất của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Ngay cả những xe đứng đầu danh sách AMI năm nay là Camry, F-150 và Accord cũng phải dùng nhiều linh kiện, phụ tùng nước ngoài. Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) cho biết, động cơ V8 5.0L của xe F-150 được sản xuất tại Canada, một số động cơ của xe Camry cũng được sản xuất tại Canada. Trong khi đó, hộp số của xe Accord được sản xuất tại Mỹ, Nhật Bản và Philippines.

 

Nguyên nhân chính là vấn đề hiệu quả sản xuất và chính sách sản phẩm toàn cầu. Chiến lược “Một Ford” (One Ford) toàn cầu được triển khai trùng thời điểm tỷ lệ linh kiện, phụ tùng nội địa Mỹ của xe Ford giảm xuống. Cách đây 5 năm, Ford có 20 mẫu xe có tỷ lệ nội địa hoá từ 75% trở len. Năm 2012, chỉ còn 3 mẫu. Tuy nhiên, chiến lược này đã giúp Ford hoạt động hiệu quả hơn, với 11 quý lãi liên tiếp.

 

Không chỉ có Ford là như vậy. Trang Cars.com đã tiến hành khảo sát tỷ lệ linh kiện, phụ tùng nội địa trong 113 mẫu xe có mặt trên thị trường Mỹ (số xe chiếm 89% doanh số toàn thị trường ô tô trong 5 tháng đầu năm). Kết quả cho thấy hơn 80% có tỷ lệ nội địa hoá dưới 75% hoặc được lắp ráp ở Canada, Mexico và một số nước khác.

 

Nhiều người tiêu dùng cho biết, khi đi mua ô tô, họ vẫn chỉ thích xem xe Mỹ, cụ thể là GM, Ford và Chrysler. Trang Cars.com đã tiến hành một cuộc khảo sát trong tháng 6 vừa qua về việc khách mua ô tô thích xe Mỹ hay xe mác ngoại hơn. Kết quả là trong số 1.004 người trả lời thì có 23% cho biết họ chỉ xem xe thương hiệu Mỹ. Đáng ngạc nhiên là lý do chính mà họ đưa ra: sự trung thành với thương hiệu và mong muốn ủng hộ nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, một nửa trong số đó cho biết, một chiếc xe thương hiệu ngoại sẽ được chú ý hơn nếu họ biết rằng chiếc xe được sản xuất tại Mỹ.

 

Nhật Minh

Theo Cars