Thị trường “miễn nhiễm” trước tin tăng phí trước bạ

(Dân trí) - Trước thông tin lệ phí trước bạ sẽ tăng lên mức 10-15% trong tháng 7, nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô tại TPHCM kỳ vọng người tiêu dùng sẽ khẩn trương đi mua xe để “né” thuế mới. Nhưng trên thực tế, thị trường không có dấu hiệu sáng lên.

Trong phiên họp thường kỳ tháng 6 vừa qua, diễn ra trong hai ngày 1-2/7, Chính phủ cũng đã không đưa đề xuất sửa đổi nghị định về thuế trước bạ của Bộ Tài chính ra xem xét. Do đó, lệ phí này vẫn chưa tăng trong tháng 7 như dự đoán của giới kinh doanh. Thị trường ô tô cũng không có biến động trước thông tin về khả năng tăng phí trước đó.

 

Ông Nguyễn Thanh Tú, phụ trách kinh doanh của công ty An Thành ở TP.HCM, cho biết: “Mấy ngày qua, cũng có một số khách hàng sốt sắng đến xem xe và khảo giá, nhưng chẳng có ai mua. Tình hình tiêu thụ vẫn rất chậm.”

 

“Nếu lệ phí trước bạ tăng lên thì ngành kinh doanh ô tô sẽ “điêu đứng”, vì khách mua xe lại phải gánh thêm chi phí không nhỏ. Tình hình này thì ít cá nhân dám mua xe, ngoại trừ những người làm ăn khấm khá,” ông Tú cho biết thêm.

 

Thị trường “miễn nhiễm” trước tin tăng phí trước bạ - 1
 Khách hàng nhiều đắn đo trước quyết định mua xe (Ảnh N.T)

 

Còn theo ông Dương, giám đốc bán hàng của một công ty kinh doanh ô tô nhập khẩu, khách hàng tại TP.HCM hầu như “thờ ơ” trước thông tin tăng lệ phí trước bạ. Tuy nhiên, nếu thêm gánh nặng chi phí, nhiều khách hàng sẽ hoãn kế hoạch mua xe.

 

Doanh nghiệp gặp khó

 

Tháng trước, việc áp dụng quy định làm thủ tục đóng thuế ngay khi xe cập cảng 1 ngày, thay vì sau 30 ngày như trước đây, đã khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe gặp khó khăn. Trong khi đó, giá thuê kho ngoại quan tại cảng là khoảng 90-120 USD/chiếc/tháng. Với doanh nghiệp, khó khăn chồng chất khó khăn.

 

Anh Nguyễn Lê Phong, giám đốc bán hàng của salon AutoTrade, cho biết:Quy định trên khiến chủ các cơ sở kinh doanh nhỏ khó có khả năng tồn tại lâu do “mỏng vốn”, không thể vừa trang trải tiền thuế vừa trả chi phí thuê mặt bằng. Trước đây, với số vốn 5-10 tỷ là có thể mở một salon ô tô vì có thể xoay vòng vốn, nhưng giờ đây, khó có thể nghĩ chuyện kinh doanh ô tô với chừng đó tiền.”

 

Còn theo phân tích của ông Dương, không phải chỉ có doanh nghiệp nhỏ mà doanh nghiệp lớn cũng gặp khó khăn, vì doanh nghiệp lớn vừa trực tiếp nhập khẩu ô tô vừa làm thương mại. Ông nói: “Chỉ khi nào thị trường tiền tệ, ngân hàng ổn định thì mới mong thị trường ô tô khởi sắc trở lại.”

 

Với doanh nghiệp nhập khẩu, việc tái xuất xe cũng chỉ là giải pháp…đường cùng. Ông Nguyễn Thăng Long, chủ salon Auto Pesco, cho biết:  “Những xe mới nhập về là do đã “lỡ” ký hợp đồng từ mấy tháng trước. Nếu một thời gian mà không bán được thì buộc phải tái xuất. Nhưng đây là chuyện bất đắc dĩ, vì một chuyến tàu chở xe từ nước ngoài về Việt Nam đã mất gần 3 tháng. Ngoài thiệt hại về chi phí vận chuyển, doanh nghiệp phải đền bù hợp đồng cho nhà cung cấp nên đôi khi thà chấp nhận bán lỗ còn hơn là tái xuất.”

 

Ngân hàng khó giúp ô tô

 

Theo nhận định của giới người kinh doanh ô tô, trên thực tế, nhu cầu mua sắm xe trong dân là rất lớn, nhưng họ không thể thực hiện được do ngân hàng không cho vay hoặc áp dụng mức lãi suất cao (trên 21%). Những thủ tục rườm rà từ phía ngân hàng đã khiến nhiều khách hàng từ bỏ ý định mua xe.

 

Ông  Phong than phiền: “Trước đây công ty tôi chỉ mất một tuần để làm hồ sơ. Nay một tháng cũng chưa chắc xong. Ngân hàng hạn chế cho vay mua xe nên thủ tục rất phiền hà. Nhiều khách hàng của chúng tôi đã làm hết mọi thủ tục theo yêu cầu, nhưng phía ngân hàng lại trả lời là chờ sự xét duyệt của hội sở chính.”

 

Ông Võ Văn Châu, Giám đốc Ngân hàng Phương Đông, cho biết: “Chúng tôi không thể cho vay trung hạn vì mục đích mua xe. Ngân hàng không mặn mà gì với khoản vay này do tình hình kinh tế lạm phát nên lượng tiền gửi vào ngân hàng giảm nhiều. Nhiều khách hàng đến đặt vấn đề vay vốn mua xe nhưng ngân hàng đưa ra lời khuyên không nên mua trong trong thời điểm này vì lãi suất cho vay hiện khá cao, sẽ khó trả. Nếu khách hàng vẫn chấp nhận thì chúng tôi cũng phải xem xét kỹ vì sao khách hàng chịu điều khoản đó. Ngân hàng chỉ giải ngân đối với những dự án dở dang trước đó. Về lâu dài, Ngân hàng Phương Đông đang tính toán cân đối ngân sách, ưu tiên dành các khoản vay cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong dài hạn.”

 

Nguyên Tuấn