"Mua ô tô không liên quan đến lòng yêu nước"

(Dân trí) - Đó là quan điểm của Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Malaysia trước việc lãnh đạo hãng ô tô nội địa - Proton kêu gọi người tiêu dùng mua xe vì lòng yêu nước.


Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Malaysia Datuk Seri Dr Mohd Salleh Keruak (Ảnh: Bernama)

Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Malaysia Datuk Seri Dr Mohd Salleh Keruak (Ảnh: Bernama)

Mới đây, Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Malaysia Datuk Seri Dr Mohd Salleh Keruak đã chia sẻ quan điểm về vấn đề này trong một bài viết đăng trên trang blog cá nhân - SSKeruak. Trong đó, ông có viết rằng: "mua một chiếc xe ô tô chẳng liên quan gì đến lòng yêu nước". Đó chỉ đơn giản là chuyện cân nhắc một sản phẩm có đáng "đồng tiền bát gạo" hay không.

Theo bộ trưởng Salleh, không thể kích cầu bằng cách kêu gọi người dân Malaysia mua xe chỉ vì họ là người Malaysia và hãng ô tô Proton cũng mang quốc tịch Malaysia.

Ông cũng viện dẫn việc Volvo được bán cho công ty Geely của Trung Quốc và BMW thâu tóm MINI làm ví dụ cho việc toàn cầu hoá và sự cạnh tranh đang tạo ra một thị trường mà quyền lực thuộc về người tiêu dùng.

Xe Proton trưng bày trong showroom của hãng ở Petaling Jaya, Malaysia. Xe Proton chủ yếu được dùng làm taxi ở Malaysia, vì nằm trong số những xe rẻ nhất ở đây. Ảnh: Bloomberg
Xe Proton trưng bày trong showroom của hãng ở Petaling Jaya, Malaysia. Xe Proton chủ yếu được dùng làm taxi ở Malaysia, vì nằm trong số những xe rẻ nhất ở đây. Ảnh: Bloomberg

Dưới đây là toàn bộ bài viết của bộ trưởng Salleh:

"Ông Tun Dr Mahathir Mohamad trên cương vị chủ tịch Proton đã kêu gọi người dân Malaysia chung tay giúp hãng. Proton không thuộc sở hữu nhà nước, mà là doanh nghiệp tư nhân; nhưng ông Mahathir lại muốn người dân Malaysia mua xe của hãng như một cách thực hiện nghĩa vụ công dân hoặc thể hiện lòng yêu nước.

Cá nhân tôi không phản đối việc này. Tôi cũng là người Malaysia như ông Mahathir và luôn ủng hộ những gì ích nước lợi nhà. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng việc mua một chiếc ô tô chẳng liên quan gì đến lòng yêu nước. Đó là việc chi đôi khi cả nửa tháng lương (bao gồm tiền trả góp mua xe, thuế đường, bảo hiểm, nhiên liệu, phí cầu đường, phí đỗ xe, các dịch vụ...), chưa kể đến sự mất giá của xe, có khi lên tới 20% ngay sau khi xe lắp biển và lăn bánh.

Do đó, khi ai đó mua một chiếc ô tô thì đó đơn giản là vấn đề giá trị đồng tiền bỏ ra, và tính toán thiệt hơn khi sau này bán hoặc đổi xe. Mua xe là khoản đầu tư kém hiệu quả nhất của mỗi cá nhân, vì nó mất giá ngay sau khi bạn mua và ngày nào bạn cũng tốn tiền nuôi nó.

Do đó, quy luật cung cầu và các yếu tố thị trường sẽ quyết định. Nếu có nhu cầu thì chính bạn tạo ra cung. Nhưng bạn không thể kích cầu bằng cách yêu cầu người Malaysia mua sản phẩm của bạn chỉ vị họ là người Malaysia và Proton cũng mang "quốc tịch" Malaysia.

Thuỵ Điển không yêu cầu người Thuỵ Điển mua xe Volvo để công ty khỏi bị bán cho người Trung Quốc. Anh không yêu cầu người Anh mua xe MINI để công ty khỏi bị bán cho người Đức. Và chính phủ Anh đang phải đối diện với nguy cơ ba công ty thép của Tata (đang lỗ 6 triệu Ringgit - hơn 1,5 triệu USD - mỗi ngày) có thể sẽ bị đóng cửa tại Anh, khiến 40.000 người mất việc làm vì mọi người thích mua thép của Trung Quốc rẻ hơn.

Đây là vấn đề giá trị hợp lý. Khi bên mua không muốn thì bên bán chẳng làm gì được. Không may là sự cạnh tranh và toàn cầu hoá đã biến thế giới này thành thị trường của người mua. Về cơ bản, đó là lý do Proton gặp khó, chứ không phải do những người Malaysia không yêu nước."

Hồi cuối tháng 3 vừa qua, Proton cho biết, ông Tun Dr Mahathir Mohamad đã từ chức chủ tịch công ty và chủ tịch Tập đoàn Lotus. Hiện chưa rõ quyết định đột ngột này có liên quan gì đến tiết lộ gần đây trên tờ The Straits Times của Singapore về việc mâu thuẫn chính trị giữa ông Mahathir với Thủ tướng Datuk Seri Najib Tun Razak có thể không có lợi cho đề xuất của Proton xin chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 1,5 tỷ Ringgit (386 triệu USD).

Proton chưa công bố báo cáo tài chính mới nhất, nhưng các nhà phân tích theo dõi ngành ô tô cho biết, mỗi tháng công ty này lỗ 25 triệu Ringgit (hơn 6,4 triệu USD) do lãi vay và gánh nặng tài chính từ lượng xe tồn kho ngày một lớn.

Nhật Minh

"Mua ô tô không liên quan đến lòng yêu nước" - 3
"Mua ô tô không liên quan đến lòng yêu nước" - 4
"Mua ô tô không liên quan đến lòng yêu nước" - 5