Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam lo sợ thay đổi

(Dân trí) - Trong cuộc họp báo trước thềm sự kiện Vietnam Motor Show có một nội dung không phải là chính nhưng rất được quan tâm, đó là việc Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) phản đối đề xuất bỏ hạn chế nhập khẩu ôtô của của Tổng cục Hải quan.

Ngày 30/8, trong một báo cáo gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã đưa ra một loạt các kiến nghị thay đổi cơ chế xuất nhập khẩu nhằm tăng thu ngân sách, trong đó có việc sửa Thông tư 20 của Bộ Công thương theo hướng loại bỏ điều kiện các nhà nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân phối của chính hãng ô tô sản xuất.
 
Trước diễn biến đó, VAMA đã lập tức có văn bản gửi Bộ Công thương bày tỏ sự “ngạc nhiên” và quan ngại về đề xuất sửa đổi một phần hoặc hủy bỏ toàn bộ Thông tư 20/2011/TT-BCT (ban hành ngày 12/5/2011). VAMA tiếp tục khẳng định việc ủng hộ mục tiêu của Thông tư 20 liên quan đến việc bảo vệ người tiêu dùng, thông qua các đại lí được ủy quyền chính hãng.
 
Văn bản của VAMA lập luận rằng Thông tư 20 không hề tạo ra các cơ chế độc quyền kinh doanh ôtô, bởi dù Việt Nam là một thị trường ôtô nhỏ, với doanh số hàng năm không quá 200.000 xe (dự báo năm 2012 khoảng 100.000 xe), nhưng đã có sự hiện diện của 23 thương hiệu toàn cầu (sản xuất trong nước có Toyota, GM, Ford...; nhập khẩu nguyên chiếc có Audi, BMW...). Cũng theo VAMA, sự kiện Vietnam Motor Show vào cuối tháng 9 này tại Hà Nội sẽ là minh chứng cho một nền công nghiệp ôtô đầy đủ các yếu tố cạnh tranh lành mạnh, khi hội tụ các thương hiệu mạnh trên thế giới - một thành quả của thông tư 20 khi tạo ra sân chơi lành mạnh cho các nhà sản xuất ôtô trong nước và các nhà nhập khẩu chính hãng.
 
Văn bản này của VAMA cũng không quên nhắc đến hoạt động đầu tư lâu dài và môi trường lao động cho hàng nghìn nhân công tại các liên doanh lắp ráp ôtô tại Việt Nam, đồng thời khẳng định thế mạnh của các thành viên VAMA và các nhà nhập khẩu chính hãng so với các nhà nhập khẩu không chính thức. Không cung cấp đủ dịch vụ cần thiết cho một chiếc xe (3 năm hoặc 100.000km), không tạo được nhiều việc làm và môi trường lao động quốc tế, không đủ trình độ, cơ sở vật chất và độ chuyên nghiệp, không có trách nhiệm triệu hồi sản phẩm hay có đủ điều kiện để sửa chữa các lỗi mà chính hãng trên thế giới thông báo và yêu cầu... - đó là những điểm yếu của các nhà nhập khẩu không chính thức mà chủ tịch VAMA nhấn mạnh trong văn bản gửi Bộ Công thương.

Chính với các lí do này, VAMA cùng các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng tại Việt Nam tiếp tục bày tỏ sự tin tưởng rằng các điều khoản của Thông tư 20 đang là công cụ hữu hiệu để đảm bảo sự an toàn của người tiêu dùng cũng như trách nhiệm của nhà sản xuất, thông qua các đại lí chính hãng đối với sản phẩm của mình.

Như Phúc