Hay dở - chuyện chiếc xe Việt Nam đắt tiền nhất

(Dân trí) - Vị thế của Mercedes Benz trong dòng xe sản xuất tại Việt Nam từ lâu đã được khẳng định qua câu cửa miệng của giới chơi xe: "Nhất Mẹc, nhì Bim...". Vâng. Giá trị thương hiệu là điều chẳng cần bàn cãi, tuy nhiên, với một chiếc E280 có giá tới 137 ngàn USD thì bạn được những gì? Chúng ta hãy cùng xem.

Ngoại thất của E280 nhìn chung không có nhiều khác biệt so với E240, ngoại trừ E280 có thêm cửa nóc Panorama và lưới tản nhiệt mới góc cạnh hơn cùng cặp đèn pha có thêm các thanh nẹp ngang mạ crôm. Với cửa Panorama, nội thất của E280 sang hơn so với phiên bản E240, hơn nữa, người ngồi sau sẽ có cảm giác thoáng đãng nên ít có cảm giác say xe.

 

Hay dở - chuyện chiếc xe Việt Nam đắt tiền nhất - 1

 

 Đi sâu vào chi tiết thì cặp đèn bi-xenon của E280 có thêm tính năng mở rộng dải sáng theo góc lái. Bộ vành đúc hợp kim trang bị trên E280 là loại 11 nan, trẻ trung và thể thao hơn so với thiết kế già nua, bảo thủ của Mercedes trước đây. Tuy nhiên, kính thước vành 16 inch và lốp 225/55 R16 là khá khiêm tốn so với tổng thể bề thế của E280.

 

Hay dở - chuyện chiếc xe Việt Nam đắt tiền nhất - 2
 

Nội thất của E280 khá ấn tượng với gam màu lạnh điểm xuyết các viền gỗ cho cảm giác sang trọng nhưng ấm cúng. Trang thiết bị tiêu chuẩn trên xe ngoài hệ thống âm thanh 9 loa, 4 tăng âm còn có 2 màn hình LCD và một đầu đọc DVD 6 đĩa. Một thay đổi nữa ở E280 là điện thoại di động có chức năng tương tác với hệ thống âm thanh của xe qua cổng bluetooth trước đây sử dụng mẫu Nokia 6310i nay đã chuyển sang mẫu Siemens S75 với hình thức bóng bẩy, điệu đà hơn.

 

Hay dở - chuyện chiếc xe Việt Nam đắt tiền nhất - 3

 

Ngoài ra còn có những trang thiết bị được xem là "mặc định" với các xe có mức giá trên 100 ngàn USD như ghế và cụm lái điều khiển điện lập trình nhớ các vị trí người lái, vô lăng tích hợp cụm điều khiển âm thanh, điều hoà 4 vùng có điều khiển xa, cảm biến truớc sau trợ giúp đỗ xe...vv 

 

Hay dở - chuyện chiếc xe Việt Nam đắt tiền nhất - 4
 

 

E280 được trang bị động cơ xăng V6 3.0, công suất cực đại 231 mã lực ở tốc độ vòng tua động cơ 6000 vòng/phút, mô-men xoắn đạt 300 Nm ở ngay tốc độ máy 2400 cho đến 5000 vòng/phút. Mô-men xoắn cực đại đạt ở vòng tua thấp sẽ giúp bạn lái xe nhàn nhã hơn, khi cần tăng tốc đột ngột bạn chỉ cần mớm chân ga là động cơ sẽ đủ khoẻ để xe tăng tốc ngay lập tức, ví như, khi lưu thông trên phố trong điều kiện tăng giảm tốc độ liên tục bạn sẽ dễ dàng lấy lại tốc độ trong khoảng thời gian rất ngắn.

 

Hay dở - chuyện chiếc xe Việt Nam đắt tiền nhất - 5
 

 

Hộp số tự động 7 tốc độ 7G-TRONIC của E280 hoạt động tương đối nhẹ nhàng, phản ứng nhanh với chân ga nhưng không rung giật. Với hộp số này người lái có thể lựa chọn chế độ chuyển số kiểu "Êm ái", ký hiệu C (Comfortable) hay "Thể thao", ký hiệu S (Sport) ở ngay nút bấm cạnh tay số. Với chế độ "Êm ái", số thường nhảy khi tốc độ vòng tua động cơ lên khoảng 1800 đến 2200 vòng/phút tuỳ theo điều kiện vận hành (lên xuống dốc, tăng tốc nhanh chậm). Ở chế độ "Thể thao", hộp số sẽ tự động chuyển số ở vòng tua cao hơn, từ 2800 đến 3500 vòng/phút. Tuy nhiên, ở cả hai chế độ, khi người lái đạp ga tăng tốc đột ngột, hộp số sẽ tự động điều chỉnh về số phù hợp để tận dụng tối đa mô men xoắn mà không hạn chế tốc độ tua máy, với chế độ "Thể thao" vòng tua có thể lên mức cực đại 6000 vòng/phút. Một ưu điểm của E280 cho những tay lái ham hố tốc độ!

 

Hay dở - chuyện chiếc xe Việt Nam đắt tiền nhất - 6
 

 

Động cơ mạnh, hộp số linh hoạt giúp cho E280 có khả năng tăng tốc cực tốt cho dù đây không phải...siêu xe. Theo nhà sản xuất, E280 có thể tăng tốc từ 0 lên 100 km/h trong 7,3 giây, trong điều kiện giao thông Việt Nam chúng tôi không được dịp kiểm chứng thông số này. 

 

Hay dở - chuyện chiếc xe Việt Nam đắt tiền nhất - 7
 

 

Khi vận hành ở tốc độ cao E280 mới thể hiện rõ độ chính xác cơ khí và niềm đam mê tốc độ của người Đức. Với sự trợ giúp của Hệ thống ổn định xe điện tử ESP, E280 ôm cua ở tốc độ cao rất ngọt, xe đầm và người ngồi trên xe không bị xô lắc nhiều do ESP không chỉ liên tục điều chỉnh lực phanh ở từng bánh riêng rẽ để đảm bảo xe luôn được cân bằng mà còn kiểm soát cả mô-men xoắn của động cơ. Nếu xe vào cua với tốc độ quá cao và mô-men xoắn lớn nên có nguy cơ các bánh bị rê trượt, ESP sẽ hạ thấp vòng tua động cơ bất chấp sự can thiệp của người lái qua chân ga để đảm bảo an toàn tối ưu. Nếu người lái đủ tự tin để tắt ESP, sức mạnh động cơ V6 3.0 sẽ khiến E280 giống như chú ngựa chưa thuần đứt cương, mãnh mẽ và khó kiểm soát. Mặc dù hiện tượng các bánh xe rít lên đầy kịch tính và ghê rợn đã xuất hiện khi xe vào cua gắt với tốc độ 80 km/h, nhưng để chiếc xe trượt ngang đuôi khi ôm cua thì đỏi hỏi một tay lái thực sự điêu luyện vì khả năng bám đường của E280 rất tốt. Thêm một ưu điểm nữa để các tín đồ tốc độ cân nhắc.

 

Tốc độ cao, tăng tốc tốt mà hệ thống phanh dở thì đó là thảm hoạ. May thay, hệ thống phanh chống bó cứng ABS của E280 lại hoạt động rất hiệu quả. Phanh đột ngột ở tốc độ trên 80 km/h trên bề mặt đá dăm lẫn cát có nguy cơ trơn trượt cao nhưng xe vẫn không bị rê và trên mặt đường không có dấu hiệu trượt lốp. Rất đáng tiếc là còn có một số hệ thống an toàn thụ động tân kỳ như PRE-SAFE hay hệ thống 8 túi khí của E280 chúng tôi lại không đủ dũng khí để chiêm nghiệm.

 

Tựu trung E280 là một chiếc xe tốt, sang trọng, khả năng vận hành ấn tượng, tăng tốc cực tốt. Không lẽ đây là chuẩn mực cho xe hơi tương lai? Không thể. Luôn tồn tại một mặt trái của vấn đề, khả năng vận hành tốt khi xe có tự trọng lớn đồng nghĩa với tính không kinh tế - tốn xăng. Dưới tay lái của một anh nhà báo có thói quen đi xe tốc độ và chân ga thốc, đồng hồ báo tiêu thụ nhiên liệu của E280 luôn ở mức 21 đến 23 lít/100 km. Một thông số không kém phần ấn tượng so với mức giá của E280. 

 

Ngoài những ấn tượng tốt đẹp thuần chất cơ khí do người Đức mang lại qua chiếc E280, chúng tôi còn phải khâm phục những bộ óc siêu việt đứng sau sự thành công của những thương hiệu danh giá. Và Mercedes Benz là một trong số đó. Ví dụ, họ sẽ không làm những gì thừa. Ví như một chi tiết đơn giản, sau bìa tài liệu quảng cáo của Mercedes Benz có một dòng chữ rất khiêm nhường: “Sản phẩm này có thể có một số thay đổi sau khi tài liệu này được in”. Chúng tôi phát hiện ra điều này khi thực mục sở thị  phiên bản đắt tiền nhất của Mercedes Benz Việt Nam. E280 không sử dụng đi-ốt phát quang (LED) cho đèn tín hiệu sau như quảng cáo mà dùng đèn bóng halogen thông thường. Ra vậy. Hú hồn, nó chỉ là cái đèn chứ đến khi rước cả cái xe một núi tiền về mà lại hoá ra là xe chạy bằng... cót thì thật đại hoạ.

 

Kar