GM thông báo phá sản

(Dân trí) - Ngày 1/6, General Motors (GM) đã chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản, để bước vào thời kỳ tái cơ cấu toàn diện. Đây là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp chế tạo Mỹ và lớn thứ 4 toàn nền kinh tế.

 
GM thông báo phá sản - 1
Tổng hành dinh của GM tại Detroit, tiểu bang Michigan, Mỹ (Ảnh: AFP)

 

GM cho biết hiện nay tổng số nợ của họ là 172,81 tỷ USD, còn tổng giá trị tài sản là 82,29 tỷ USD. Đây là vụ phá sản lớn thứ 4 của nền kinh tế Mỹ từ trước tới nay, sau tập đoàn đầu tư Lehman Brothers, quỹ Washington Mutual và tập đoàn truyền thông Worldcom.
 
Sau khi GM tái cơ cấu, Bộ Tài chính Mỹ sẽ sở hữu hơn 60% cổ phần công ty và có quyền can thiệp sâu hơn vào doanh nghiệp ô tô lớn nhất nước Mỹ này.

 

Trước đó, tối 31/5, một số quan chức biết chính phủ Mỹ sẽ cho GM vay khẩn cấp thêm 30 tỷ USD trong thời gian tập đoàn này tiến hành thủ tục bảo hộ phá sản và tái cơ cấu, vì GM hiện đã cạn tiền mặt. Như vậy, tổng số tiền thuế của người dân Mỹ mà Bộ Tài chính bơm vào nhà sản xuất này sẽ lên đến 50 tỷ USD.

 

Thủ tục bảo hộ phá sản của GM sẽ hoàn tất trong 60-90 ngày, sau đó GM sẽ trở thành một doanh nghiệp có quy mô nhỏ gọn hơn nhiều so với hiện tại, xét về cả cơ sở sản xuất, nguồn nhân lực và hệ thống đại lý. GM dự kiến cắt giảm 21.000 lao động, tương đương khoảng 34% tổng nhân lực, và đóng cửa 2.600 đại lý.

 

GM mới sẽ chỉ còn 4 thương hiệu cốt lõi là Chevrolet, Cadillac, Buick và GMC. Bốn thương hiệu sẽ bị bán (đa số cổ phần hoặc toàn bộ) hoặc đóng cửa là Hummer, Pontiac, Saab và Saturn.
 
Theo bản kế hoạch bảo hộ phá sản và tái cơ cấu mà GM vừa nộp lên tòa án, chính phủ liên bang Mỹ sẽ nắm giữ 60% cổ phần GM mới; chính phủ Canađa giữ 12,5% (với 9,5 tỷ USD hỗ trợ GM); Nghiệp đoàn ngành ô tô Mỹ (UAW) giữ 17,5%; và các trái chủ giữ 10%. Các cổ đông hiện hữu của GM có thể sẽ "trắng tay".
 

Người ta ngờ rằng tới đây, với đa số cổ phần trong tay, chính phủ Mỹ sẽ can thiệp sâu vào hoạt động của GM. Nhưng các quan chức khẳng định rằng chính phủ không có ý định tham gia vào hoạt động thường nhật của GM, và sẽ giảm tỷ lệ sở hữu sớm nhất có thể.

 

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là ban lãnh đạo GM sẽ có xáo trộn lớn và chính phủ Mỹ sẽ “góp tay” chọn lựa ban giám đốc mới.

 

Trong bản thông cáo chung, Nhà Trắng và Bộ Tài chính Mỹ khẳng định: “Mục tiêu của chúng tôi là khuyến khích phát triển những doanh nghiệp vững mạnh, có khả năng tồn tại độc lập, sớm sinh lời và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cũng như tạo công ăn việc làm mà không có sự can thiệp của chính phủ.”

 

Tuy nhiên, thực tế là chính quyền tổng thống Obama đã gây sức ép khiến CEO Richard Wagoner của GM phải từ chức cách đây một tháng. Và cũng chính quyền tổng thống đã yêu cầu GM co hẹp quy mô để có thể đạt điểm hòa vốn ở mức sản lượng 10 triệu xe/năm. Mức hòa vốn hiện tại của GM là 16 triệu xe.

 

Cùng với thông báo phá sản, GM sẽ đưa ông Al Koch vào vị trí giám đốc tái cơ cấu để giúp tập đoàn thực hiện thủ tục bảo hộ phá sản. Hiện là giám đốc công ty AlixPartners LLP, ông Koch là một chuyên gia trong lĩnh vực này. Ông từng giúp Kmart Corp. tái cơ cấu theo Chương 11 luật phá sản Mỹ.
 
GM thông báo phá sản - 2
GM là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới trong suốt 77 năm liền, nhưng đã bị Toyota soán ngôi vào năm ngoái (Ảnh: Getty)

 

Đa số trái chủ của GM đã đồng ý nhận 10% cổ phần trong GM mới và sẽ tăng tỷ lệ lên 25% sau. Trong khi đó, chính phủ Đức đã chấp thuận cho Opel, thương hiệu thuộc GM, vay hơn 2 tỷ USD, sau khi GM ký thỏa thuận sơ bộ bán cổ phần Opel và Vauxhall cho nhà sản xuất phụ tùng Canada Magna International.

 

Magna sẽ nắm giữ 20% cổ phần Opel, còn Sberbank của Nga sẽ sở hữu 35%. GM chỉ giữ lại 35% cổ phần Opel, và 10% còn lại nằm trong tay cán bộ công nhân viên hãng.

 

Chính phủ Đức sẽ giải ngân khoản cho vay khẩn cấp này ngay để Opel tránh bị ảnh hưởng bởi việc GM đệ đơn xin bảo hộ phá sản. Opel hiện sử dụng 25.000 lao động tại Đức, tức là gần một nửa nhân lực của GM châu Âu. Với diễn biến mới này, 4 nhà máy tại Đức sẽ không bị đóng cửa.
 
Theo kế hoạch, từ Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có bài phát biểu với người dân cả nước về tương lai của GM trong ngày hôm nay (theo giờ Mỹ), và CEO Fritz Henderson của GM sẽ tiếp nối bằng một cuộc họp báo tại New York.
 
Như vậy là thông báo phá sản của GM đến sau Chrysler LLC đúng 32 ngày. Nhà sản xuất còn lại trong "bộ tam quyền lực" ở Detroit là Ford Motor Co. cũng bị tác động mạnh bởi tình trạng sụt giảm doanh số, nhưng tránh được tình cảnh phá sản do đã cầm cố toàn bộ tài sản vào năm 2006 để vay gần 25 tỷ USD làm vốn.

 

Nhật Minh

Theo AP, BBC

Dòng sự kiện: General Motors phá sản