Giới trẻ Trung Quốc chọn ô tô theo hình thức

(Dân trí) - Kết quả khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen về thị hiếu của khách mua xe mới ở Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới hiện nay, cho thấy giới trẻ nước này có yêu cầu cao hơn về phong cách.

Cụ thể, yếu tố quan trọng nhất hấp dẫn khách mua xe ở Trung Quốc là thiết kế ngoại thất (25%) và tính năng vận hành (22%), cao hơn hẳn yếu tố nội thất (4%) và giá cả (3%).

 

Thế hệ khách hàng mới

 

Giới trẻ Trung Quốc chọn ô tô theo hình thức - 1
 
Sự tăng trưởng của ngành ô tô trong thập kỷ tới sẽ bị chi phối bởi những người tiêu dùng thế hệ 8X và 9X. Đối tượng khách hàng trẻ tuổi này có những ưu tiên lựa chọn ô tô khác thế hệ cha, anh. Trong khi những người mua xe thế hệ 6X và 7X tập trung sự quan tâm tới hình ảnh thương hiệu, chức năng và mục đích sử dụng xe, thì thế hệ khách hàng mới lại coi xe như sự thể hiện cá tính, khiến phong cách thiết kế của xe trở thành ưu tiên cân nhắc. Tiêu chí hàng đầu được các khách hàng thế hệ 9X quan tâm khi chọn mua xe là độ an toàn (54%), rồi tới thiết kế bên ngoài (47%), giá cả (39%) và chất lượng (38%).

 

Giờ đây đã đến lúc các nhà sản xuất ô tô đối diện với thế hệ trẻ này, lắng nghe ý kiến của họ và hiểu rõ nhu cầu, mong muốn của họ hơn. Công ty nào đi đầu sẽ có cơ hội dẫn trước.

 

Ô tô chạy điện

 

Với sự quan tâm tới môi trường và giá dầu tăng cao trong mấy năm gần đây, ngày càng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc cân nhắc mua ô tô chạy điện, với tỷ lệ người có ý định mua là hơn 50%. So với cách đây 2 năm, người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều hơn cho ô tô chạy hoàn toàn bằng điện, với tỷ lệ hơn một nửa người tham gia khảo sát (52%). Người tiêu dùng ở các thành phố Cấp 1, như Thượng Hải, sẵn sàng chi nhiều hơn nữa cho xe chạy điện.

 

Đối tượng khách hàng chính của các nhà sản xuất ô tô chạy điện là những người tiêu dùng thích mốt mới, những người muốn có một chiếc xe mới lạ và sẵn sàng chi nhiều tiền hơn. Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô chạy điện nên áp dụng các chiến lược marketing khác biệt và sáng tạo để phổ biến những xu hướng sản phẩm mới trên thị trường.

 

Động cơ tăng áp

 

So với hộp số tự động ly hợp kép và công nghệ phun nhiên liệu, các loại động cơ tăng áp có “sức nặng” lớn hơn cả trong quan niệm về công nghệ hiện đại của người tiêu dùng. Động cơ tăng áp là ưu tiên hàng đầu của 87% người tiêu dùng Trung Quốc khi cân nhắc mua một chiếc ô tô.

 

Động cơ tăng áp là yếu tố hấp dẫn chủ yếu với những người mua xe hạng trung và cao cấp, hơn là khách mua xe giá rẻ. Trong khi đó, hiện tại, ở Trung Quốc, số xe được trang bị động cơ tăng áp rất ít, nên có thể nói là một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đang chưa được thoả mãn.

 

Khai thác các phương tiện truyền thông xã hội

 

Giới trẻ Trung Quốc chọn ô tô theo hình thức - 2
 
Để thăm dò thị hiếu người tiêu dùng Trung Quốc về ô tô, công ty Nielsen đã mở các diễn đàn trên mạng và trang mạng xã hội Weibo. Ở đất nước đông dân nhất thế giới và thị trường ô tô lớn nhất thế giới này, các phương tiện truyền thông xã hội đang phát triển mạnh mẽ, thu hút hàng triệu người sử dụng và các nhà marketing cũng đang dùng chúng như một kênh kết nối với những khách hàng hiện tại và tiềm năng.

 

Theo kết quả phân tích của Nielsen, giá là chủ đề được thảo luận nhiều nhất (39%), kế đến là tính hiệu quả (36%).

 

Ông Steven Li, CEO của Nielsen Trung Quốc, cho rằng các nhà sản xuất ô tô cần tăng cường tham gia các hoạt động trực tuyến để tăng sự kết nối với khách hàng tiềm năng, tạo được sự lan toả, truyền miệng trong cộng đồng.

 

Ông Li đã nêu ra 4 loại khách hàng trực tuyến cơ bản đối với mặt hàng ô tô:

 

- Những khách hàng tiềm năng nhưng chưa nghĩ đến mẫu xe cụ thể nào, đang tìm kiếm thông tin và đánh giá của mọi người để giúp họ đưa ra quyết định

- Những khách hàng tiềm năng đã nghĩ đến một mẫu xe cụ thể

- Những người vừa mới mua xe

- Những người nhiều kinh nghiệm về ô tô

 

Những phản hồi tự nhiên của người tiêu dùng về ô tô, dù là tích cực hay tiêu cực, có thể đóng vai trò quan trọng trong các quyết định mua xe, và các hãng ô tô cần biết cách tiếp cận người tiêu dùng, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông xã hội.

 

Nhật Minh

Theo Nielsen