Đừng mơ giá ô tô sẽ giảm!

Phương án tính thuế nhập khẩu mới đối với các loại linh kiện và phụ tùng ô tô mà <a href=" http://www2.dantri.com.vn/kinhdoanh/otoxemay/2005/5/55079.vip""> Bộ Tài chính và Bộ Công nghiệp vừa trình Chính phủ </a> xem xét ban hành đang khiến cho nhiều người hy vọng, giá ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ giảm trong tháng tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính lại không hoàn toàn nghĩ như vậy khi nói rằng, điều này chỉ đúng trên lý thuyết, còn thực tế thì... hãy đợi đấy (!). 

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), ông Quách Đức Pháp cho biết, theo phương án tính thuế mới mà Bộ Tài chính vừa trình, các loại linh kiện, phụ tùng trong nước sản xuất được sẽ bị đánh thuế nhập khẩu với thuế suất ở mức cao nhất là 30%, trong khi những phụ tùng thiết yếu trong nước chưa làm được chỉ bị đánh thuế từ 5 đến 20%...

Cách tính thuế này được ông Pháp cho là ưu việt hơn cách tính thuế hiện hành (đánh thuế nhập khẩu với thuế suất 20-25% đối với bộ linh kiện ô tô), do bảo hộ được sản xuất trong nước, khuyến khích các DN tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm số thuế phải nộp và từ đó giảm giá xe.

Theo các chuyên gia tài chính, hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của ô tô sản xuất trong nước là rất nhỏ và những thứ đã sản xuất được này (như lốp xe, ghế ngồi, ắc quy...) cũng có giá trị thấp.

Do vậy, việc tăng thuế nhập khẩu kịch khung là 30% cũng chẳng mấy có ý nghĩa. Trong khi đó, những linh kiện quan trọng còn lại (động cơ, hộp số, hệ thống điều khiển...) tuy được dự kiến đánh thuế nhập khẩu thấp, nhưng ngành thuế lại không kiểm soát được giá cả đầu vào, nên khả năng kiểm soát tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp là không thể.

Lâu nay, câu chuyện chuyển giá là một vấn đề gây đau đầu đối với Bộ Tài chính. Tới 90% giá thành đầu vào của mỗi chiếc xe lắp ráp trong nước Bộ Tài chính không thể kiểm soát được.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, thông qua các cuộc kiểm tra đã phát hiện tình trạng giá các bộ linh kiện ô tô nhập về nếu cộng lại toàn bộ còn đắt hơn cả giá ô tô đã lắp ráp hoàn chỉnh (khi chưa có thuế) và trong 5 năm trở lại đây, giá hầu hết các bộ linh kiện mà những doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nhập về không hề giảm, trong khi giá trên thị trường thế giới lại giảm rất mạnh.

Điều này chỉ có thể giải thích, các DN trong nước cố tình nhập các bộ linh kiện về với giá cao (để công ty mẹ của họ có lãi lớn ngay từ khâu xuất khẩu linh kiện), đẩy giá thành ô tô sản xuất trong nước lên cao, nhằm giảm lợi nhuận thu được (tránh phải nộp thuế thu nhập DN), qua đó tạo tình trạng lỗ giả để gây áp lực phải bảo hộ cao từ phía Chính phủ, Bộ Tài chính... và hậu quả là người dân phải chịu mua xe trong nước với giá cắt cổ, mà chất lượng lại không cao.

“Bộ Tài chính có kế hoạch xây dựng một thông tư hướng dẫn việc chống lại thủ đoạn chuyển giá và dự thảo thông tư này đang trong giai đoạn lấy ý kiến vòng 2”, một quan chức Bộ Tài chính nói.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính thì chỉ với giải pháp này sẽ không mấy hiệu quả, do ngành thuế làm sao có thể lấy được thông tin về giá của cùng một loại xe trên thị trường toàn cầu để so sánh khi mà cả bên mua, bên bán đều cùng một công ty “mẹ”.

Trong khi chủ trương thay đổi giải pháp tính thuế để giảm giá xe sản xuất, lắp ráp trong nước còn chưa mấy rõ ràng, thì một điều chắc chắn là giá xe sang năm 2006 sẽ tiếp tục tăng, do thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào xe trong nước sẽ tăng từ mức thuế suất 40% hiện hành lên 56%.

Do vậy, các chuyên gia tài chính cho rằng, với việc sửa đổi, bổ sung chính sách thuế đối với mặt hàng ô tô một cách tình thế và chắp vá như Bộ Tài chính đang làm hiện nay, việc đảm bảo cho giá ô tô sang năm 2006 không tiếp tục tăng đã là một thành công lớn ngoài mong đợi của người dân.

Theo Đầu tư