Đi tìm dòng xe chiến lược cho ngành ô tô Việt Nam:

Định hình thức, tìm nội dung

(Dân trí) - Cuộc hội thảo về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam diễn ra trong thời gian VAMA Motorshow 2009 vừa qua được kỳ vọng là dịp để thảo luận về đề xuất dòng xe chiến lược mà Bộ Công thương đưa ra, nhưng đã vắng bóng phần lớn thành viên VAMA.

Bộ Công thương đánh giá giai đoạn 1 của quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam từ năm 2004 đến 2010 (QĐ số 206/2004/QĐ - TTg ngày 10/12/2004, 177/2004/QĐ - TTg ngày 5/10/2004), công nghiệp ô tô Việt Nam đã thực hiện thành công nhiệm vụ ưu tiên phát triển xe tải/xe buýt. Và trong giai đoạn 2 (đến năm 2020 và tầm nhìn 2030) sẽ xác định chiến lược phát triển cho phù hợp với xu thế chung, trên cơ sở dự báo cho năm 2020, thị trường ô tô Việt Nam sẽ có 1,5 triệu xe con, 0,5 triệu xe buýt và 0,8 triệu xe tải.
 
Theo bản đề xuất của Bộ Công thương, dòng xe chiến lược trong phân khúc xe ô tô du lịch của Việt Nam là xe đa dụng, loại 6-9 chỗ ngồi, có dung tích dưới 1,5 lít, đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 2. Theo đó, dòng xe chiến lược sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế để khuyến khích phát triển. 
 
Đề xuất này Bộ Công Thương dựa quan điểm dòng xe chiến lược phải phù hợp với sở thích, nhu cầu và khả năng tài chính của người tiêu dùng Việt Nam. Trong đó, giá cả hợp lý là một tiêu chí quan trọng đối với khách hàng Việt, làm sao để có thể cạnh tranh với xe ngoại nhập không phải chịu thuế từ năm 2018 (CEPT).
 
Tuy nhiên, chính từ những tiêu chí về dòng xe chiến lược trên, hiện có nhiều luồng ý kiến trái chiều xoay quanh bản dự thảo này, dù quyết định cuối cùng còn chờ Thủ tướng phê duyệt.
 
Định hình thức, tìm nội dung - 1

"Người đương thời" Toyota Avanza 1.5

 

Đánh giá về bản đề xuất này, tuy không trực tiếp bày tỏ chính kiến, nhưng ông Michael Pease, tổng giám đốc Ford Việt Nam cho biết: "Hiện tại, chúng tôi chưa có đủ thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng về đề xuất này. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ, dòng xe chiến lược tốt nhất nên là dòng xe đang có sẵn trên thị trường để thuận tiện cho vì hoạt động đầu tư và nội địa hoá đã được khởi động. Dòng xe chiến lược cũng phải là dòng xe có nhu cầu tiêu thụ nội địa mạnh mẽ nhất để đảm bảo tính hiệu quả của quy mô và chi phí sản xuất đồng thời tạo ra cơ hội xuất khẩu trong khu vực ASEAN."

 

Trong khi đó, phó tổng giám đốc Honda Việt Nam, ông Gan Kok Seng, thì nhận định: mục tiêu trước mắt của Việt Nam khi biểu thuế nhập khẩu áp dụng với hàng hóa từ các nước ASEAN được dỡ bỏ là làm thế nào để có thể tiếp tục cung cấp xe cho thị trường nội địa, chứ không chỉ phụ thuộc vào xe nhập khẩu. Điều này có nghĩa là thị trường cần được phát triển vững chắc ở tất cả các lĩnh vực mới có thể đạt được lợi thế về quy mô sản xuất để tồn tại và cạnh tranh với các dòng xe nhập khẩu, hơn là "đặt cược" vào những dòng xe nhắm vào cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

 

Cũng có một số liên doanh đồng ý về một bản kế hoạch phát triển một dòng xe chiến lược cho thị trường ô tô Việt Nam, nhưng về chủng loại xe thì vẫn tỏ ra thận trọng. Trả lời phỏng vấn Dân trí, ông Udo Loersch, tổng giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam, khẳng định: "Mercedes-Benz ủng hộ việc đưa ra một chiếc lược tổng thể cho sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, trên cơ sở xem xét đến nhiều yếu tố, chẳng hạn như môi trường, mức tiêu hao nhiên liệu (tính theo chỗ ngồi), khả năng xuất khẩu. Tuy nhiên,Việt Nam đang tiến rất gần đến AFTA, chúng ta nên cẩn trọng để không biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ cho những sản phẩm kém chất lượng và không an toàn."
 

Đại diện nhãn hiệu Mitsubishi tại Việt Nam cũng nhất chí với quan điểm lựa chọn dòng xe 6-9 chỗ làm chiến lược phát triển, nhưng khẳng định: "nếu chúng ta để dung tích máy thấp hơn 1.500cc, thì đó là xe mới hoàn toàn mới mà nền công nghiệp Việt Nam chưa có hiện nay. Vì vậy, chúng tôi đề xuất nghiêng về quyết định lựa chọn dung tích động cơ dưới 2.000cc, 2.500cc, hoặc không yêu cầu hạn chế dung tích máy."

 

Không biết có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên không, nhưng mẫu Avanza của Toyota vừa giới thiệu tại VAMA Motorshow 2009 đáp ứng đầy đủ các yếu tố của dòng xe chiến lược theo đề xuất của Bộ Công thương trình Chính phủ. Việc này khiến cuộc hội thảo về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tại triển lãm này không diễn ra như "kịch bản" của nhà tổ chức. Sự vắng mặt của một số thành viên tại hội thảo vô tình đã đào một hố sâu ngăn cách các thành viên VAMA trong việc đề xuất một dòng xe chiến lược cho công nghiệp ô tô Việt Nam.
 

Theo lời ông Ngô Văn Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, thuộc Bộ Công thương, tại hội thảo này thì đây chỉ là đề xuất của Bộ Công thương, kết luận như thế nào còn phải chờ Chính phủ. Nhưng trong thời gian tới, bản đề xuất này được gửi đến từng thành viên VAMA và nếu không có đề xuất thay đổi hoặc góp ý nào mang tính bước ngoặt, thì có lẽ đây sẽ là bản đề án chính thức cho việc phát triển dòng xe chiến lược cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

 
Việt Hưng