Đại lý đổ nhầm dầu vào xe xăng trước khi giao cho khách và cái kết "đắng"

Gia An

(Dân trí) - Một pha nhầm lẫn tai hại từ phía đại lý ở Ấn Độ đã khiến vị chủ nhân của chiếc Mahindra XUV700 có trải nghiệm nhận xe mới không mấy vui vẻ.

Một người dùng tại Ấn Độ mới đây đã chia sẻ lên mạng xã hội Twitter về trải nghiệm cá nhân không mấy tích cực khi nhận xe mới. Vị khách này cho biết anh đã mua một chiếc Mahindra XUV700 mới, xe thuộc phiên bản sử dụng động cơ xăng.

Tuy nhiên, không rõ vì lý do nào mà nhân viên của đại lý lại đổ nhầm dầu diesel vào bình nhiên liệu ngay trước buổi bàn giao xe. Được biết, dòng xe này có cả tùy chọn động cơ xăng và diesel, nên nhân viên có thể đã nhầm lẫn giữa các phiên bản.

Đại lý đổ nhầm dầu vào xe xăng trước khi giao cho khách và cái kết đắng - 1
Chiếc Mahindra XUV700 mới đã bị đổ nhầm nhiên liệu trước khi giao đến tay khách hàng (Ảnh minh họa).

Sự việc đã được phát hiện sau đó và chủ xe đã chấp nhận lấy chiếc ô tô này kèm văn bản cam kết chịu trách nhiệm từ phía đại lý, sau khi xe được xử lý bình xăng và các hệ thống liên quan. Nhưng ngay vào ngày tiếp theo, chiếc XUV700 này không thể khởi động và xuất hiện dấu hiệu rò rỉ nhiên liệu tương đối nặng.

Đại lý đổ nhầm dầu vào xe xăng trước khi giao cho khách và cái kết đắng - 2

Chiếc xe có dấu hiệu rò rỉ nhiên liệu chỉ một ngày sau buổi bàn giao xe (Ảnh: @IWorld360Degree).

Đại lý đổ nhầm dầu vào xe xăng trước khi giao cho khách và cái kết đắng - 3

Các nhân viên rút nhiên liệu khỏi bình xăng (Ảnh: @IWorld360Degree).

Chủ xe đã thông tin sự việc và yêu cầu hãng Mahindra cùng đại lý đổi một chiếc xe mới hoàn toàn, nhưng chưa nhận được phản hồi. Xét tới việc chiếc xe vừa đưa đến tay khách hàng và lỗi do đại lý, yêu cầu của khách hàng này hoàn toàn có cơ sở, một số trang truyền thông địa phương nhận định.

Nếu người dùng đổ nhầm dầu diesel vào xe sử dụng động cơ xăng, xe sẽ có hiện tượng xả nhiều khói muội do dầu không được đốt hết, dần chuyển sang kẹt và bó động cơ do muội bám vào thành xi-lanh làm kẹt pít-tông.

Khi phát hiện đổ nhầm nhiên liệu, người dùng tránh khởi động, cần tắt máy xe ngay sau khi nhận ra vấn đề, sau đó rút hết hỗn hợp nhiên liệu và vệ sinh kỹ càng bình chứa lẫn các hệ thống liên quan.

Chủ xe nên chủ động dán decal báo hiệu loại nhiên liệu xe sử dụng ở nắp ngoài, và cả nắp trong nếu chưa có, nhất là với những mẫu xe có cả hai tùy chọn máy xăng và máy dầu. Khi cho người khác mượn ô tô, chủ xe nên đổ đầy bình nhiên liệu trước khi bàn giao và dặn dò kỹ để phòng tránh sai sót không đáng có.

Tại Việt Nam, một số mẫu xe có cả phiên bản máy xăng và động cơ diesel, trong đó ngoại hình của chúng gần như giống hệt nhau. Có thể kể đến như Hyundai Tucson, Hyundai Santa Fe, Toyota Fortuner, Kia Sorento, Kia Sportage hay Ford Everest…