Cuộc “xâm lấn” của xe đạp điện ở phương Tây

(Dân trí) - Jiang Ruming, một giám đốc marketing, có ô tô, nhưng khi cần ra phố giải quyết vài việc vặt, ông lại chọn một phương tiện nhỏ gọn để có thể dễ dàng luồn lách giữa phố xá đông đúc ở Thượng Hải, đó là xe đạp điện.

Ở bên kia bán cầu, chủ tịch hội đồng giám sát thành phố San Francisco, ông David Chiu, cũng thường xuyên mặc comple và đi xe đạp điện tới các cuộc họp.

 

Còn ở Hà Lan, cụ bà Jessy Wijzenbeek-Voet, 71 tuổi, gần đây dùng xe đạp điện cho những hành trình dài mà bà không thể đi bằng xe đạp truyền thống.

 

Ngành chế tạo xe hơi đang giới thiệu ngày càng nhiều các mẫu ô tô chạy điện, còn Trung Quốc có thể đang nỗ lực phát triển hệ thống đường cao tốc và tàu điện, nhưng những người như ông Jiang, bà Wijzenbeek-Voet và ông Chiu, cũng như nhiều nhân viên đưa hàng ở New York, bưu tá ở Đức và hàng triệu viên chức từ Canada đến Nhật Bản, đều đang hào hứng làm quen với xe đạp điện.

 

Bắt đầu từ Trung Quốc, nơi hiện có khoảng 120 triệu xe đạp điện lưu thông trên đường phố, trong khi hồi thập niên 90 mới chỉ có vài ngàn chiếc, xe chạy điện đang thay thế xe đạp và xe máy truyền thống với tốc độ khá nhanh, trong nhiều trường hợp, thậm chí còn khiến người ta rời xa ô tô.


Xe đạp điện đang rất phổ biến ở Trung Quốc (Ảnh: NYT)
Xe đạp điện đang rất phổ biến ở Trung Quốc (Ảnh: NYT)

Ngành chế tạo xe đạp điện Trung Quốc đã thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng ở Ấn Độ, châu Âu và Mỹ, với mức tiêu thụ loại phương tiện giao thông mới này tăng khá ấn tượng. Trung Quốc hiện xuất khẩu nhiều xe đạp điện, nhưng các nhà sản xuất phương Tây cũng đã bắt đầu chạy theo Trung Quốc, tự thiết kế và chế tạo xe để phục vụ thị trường trong nước. Từ chỗ gần như không có chỗ đứng trên thị trường cách đây một thập kỷ, đến nay xe đạp/máy điện đã trở thành một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 11 tỷ USD.

 

Xe đạp điện được xem như “món quà của Thượng đế” dành cho các nhà sản xuất xe đạp, theo lời ông Edward Benjamin, một nhà tư vấn độc lập trong ngành này. Lý do không chỉ vì xe đạp điện có giá bán cao hơn, mà còn bởi chúng gồm nhiều phụ tùng hơn, như pin - cần thay/sạc thường xuyên.

 

Tại Hà Lan, đất nước nổi tiếng có nhiều xe đạp, 1/3 số tiền mua xe đạp năm ngoái là dành cho xe đạp điện. Các chuyên gia dự đoán tốc độ tăng trưởng tương tự ở nhiều nước châu Âu khác, đặc biệt là Đức, Pháp và Ý, do nhu cầu sử dụng xe đạp đi cùng với mô hình dân số già. Ấn Độ cách đây hai năm hầu như không tiêu thụ xe đạp điện, nhưng nhiều khả năng trong năm tới sẽ vượt cả tiêu thụ ở châu Âu.

 

“Sự phát triển rất khủng khiếp trong hai năm qua,” ông Naveen Munjal, giám đốc Hero Electric, nhà sản xuất xe đạp và xe máy lớn nhất Ấn Độ, cho biết. Theo ông, Hero sẽ tiêu thụ được 250.000 chiếc xe đạp điện vào năm 2012, so với mức 100.000 chiếc hồi năm 2009.

Xe đạp điện đang rất phổ biến ở Trung Quốc (Ảnh: NYT)

Dù khiêm tốn - ước tính tiêu thụ khoảng 200.000 chiếc vào năm ngoái, nhưng thị trường Mỹ cũng ghi nhận việc ngày càng có nhiều người quan tâm tới xe đạp điện. Best Buy đã bắt đầu bán xe đạp điện từ tháng 6/2009 tại 19 cửa hàng ở San Francisco, tiểu bang Los Angeles và Portland, tiểu bang Oregon. Trek, một nhà sản xuất ở Wisconsin, đã bắt đầu bán xe đạp của Gary Fisher, một nhà thiết xe đạp nổi tiếng ở Mỹ.

 

NYCeWheels, cửa hàng xe đạp điện lớn nhất ở thành phố New York, khai trương năm 2001, và trong mấy năm qua hoạt động kinh doanh ngày càng phát đạt, theo lời chủ cửa hàng. Ở khu người Hoa, xe đạp điện xuất hiện khắp nơi và gần đây nhiều cửa hàng đã bắt đầu bán loại xe này, được nhập khẩu từ các nhà máy ở Trung Quốc.

 

Với sự phát triển quy mô toàn cầu, hiện có hai loại xe đạp điện. Một là tương tự như xe đạp truyền thống, với pedal, nhưng có mô-tơ điện. Đây là loại phổ biến nhất ở Mỹ và châu Âu. Nhiều người chủ yếu dùng mô-tơ điện khi đi ngược gió hoặc lên dốc.

 

Loại thứ hai, phổ biến ở Trung Quốc, là xe đạp điện có mô-tơ công suất lớn, với kiểu dáng xe giống xe tay ga. Chúng cũng có pedal nhưng nhỏ và ít khi được dùng đến. Với loại xe này, người ta chủ yếu dùng mô-tơ điện. Xe có thể chạy với vận tốc lên tới 50km/h và chạy được quãng đường 80km sau mỗi lần sạc đầy pin.

 

Loại thứ hai này đang gây đau đầu cho các cơ quan quản lý Trung Quốc và các nhà hoạch định phương tiện giao thông toàn cầu. Họ không thể phán quyết chúng là loại xe thân thiện với môi trường hay nên cấm lưu thông để đảm bảo an toàn giao thông.

 

Tại Trung Quốc, xe đạp điện có mức độ ảnh hưởng vừa phải đến việc sử dụng ô tô. Theo kết quả một cuộc khảo sát của các nhà nghiên cứu Mỹ và Trung Quốc ở thành phố Côn Minh, có 1 trên 6 người sử dụng xe đạp điện cho biết sẽ chuyển sang dùng ô tô hoặc đi taxi nếu bị tịch thu xe đạp.

 

Trường hợp ông Jiang, một giám đốc marketing ở Thượng Hải, cũng tương tự. Những lợi ích về môi trường không bao giờ tác động tới quyết định dùng xe đạp thay cho ô tô của ông. Ông cho biết vấn đề đơn giản chỉ là sự thuận tiện. “Nếu không định đi đâu xa thì tôi không lái ô tô vì nó cũng chẳng nhanh hơn,” ông nói.


Xe đạp điện đang rất phổ biến ở Trung Quốc (Ảnh: NYT)
Ông Roger Phillips, 78 tuổi, sử dụng một chiếc xe đạp điện ở Manhattan, dù chúng chưa được chính thức cho phép lưu hành trên đường phố New York. (Ảnh: NYT)

Xe đạp điện ít khí thải nhà kính hơn ô tô, nhưng chúng cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Một mẫu xe đạp điện thông thường của Trung Quốc sử dụng 5 bộ pin chì trong toàn bộ thời gian hoạt động, và mỗi bộ pin chứa từ 9 đến 14kg chì. Ở những khu vực không có các chương trình tái chế nghiêm ngặt, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là khá cao.

 

An toàn cũng là vấn đề đang được đặt ra. Một người sử dụng xe đạp điện có nguy cơ bị thương hoặc thiệt mạng do tai nạn giao thông cao hơn người ngồi trong ô tô. Thực tế là khi số lượng người sử dụng xe đạp điện ở Trung Quốc tăng lên thì số vụ tử vong cũng tăng. Người đi xe đạp điện thường chọn đường dành cho xe đạp, đi cùng với xe đạp truyền thống và người đi bộ, làm gia tăng nguy cơ tai nạn cho hai đối tượng này.

 

Trung Quốc đang nỗ lực tạo làn đường lưu thông riêng cho xe đạp điện, trong khi tại Mỹ, một số tổ chức ủng hộ phương tiện này lại coi đây là lựa chọn lý tưởng cho giao thông đô thị, đặc biệt là với người cao tuổi.

 

Tuy nhiên, khi xe đạp điện ngày càng phổ biến trên đường phố, nhiều khả năng sẽ nảy sinh xung đột giữa người dùng xe đạp điện và người dùng xe đạp truyền thống. Nhiều thành phố ở Canada, trong đó có Toronto, đã cân nhắc cấm xe đạp điện đi vào làn đường dành cho xe đạp; còn tại New York và một số nơi ở châu Âu, những người đi xe đạp điện lại cho rằng họ bị quấy rầy bởi những người đi xe đạp thông thường khi hai bên dùng chung làn đường.

 

Bà Wijzenbeek-Voet cho biết những người đi xe đạp truyền thống thường nhìn chằm chằm khi thấy bà chạy xe đạp điện. “Họ nhìn tôi như thể đang tự hỏi ‘Làm thế nào mà bà già này đi nhanh được như vậy?.”

 

Xe đạp điện hiện chưa được chính thức cho phép lưu thông trên đường phố New York, nhưng điều đó dường như cũng không ngăn được nhiều người sử dụng phương tiện giao thông này “ra phố”. Tuy nhiên, ông Phillips (ảnh trên) gần đây phát hiện ra rằng ông không thể mua bảo hiểm tai nạn giao thông cho xe đạp điện, điều này khiến ông rất lo lắng và muốn có sự điều chỉnh luật pháp.

 

Ngoài vấn đề pháp lý, một rào cản nữa đối với xe đạp điện ở Mỹ và châu Âu có lẽ là văn hoá sử dụng xe đạp. Những người sử dụng xe đạp truyền thống lâu nay vẫn coi việc đạp xe là một môn thể thao, một hình thức rèn luyện sức khoẻ, chứ không đơn giản là một phương tiện giao thông đô thị. Do đó, nhiều người tỏ rõ thái độ coi thường xe đạp điện.

 

Nhật Minh

Theo NYT