Chrysler khó sống sót!

(Dân trí) - Đó là ý kiến của các chuyên gia phân tích và dự đoán thị trường ô tô thuộc công ty CSM Worldwide của Mỹ, kèm theo “lời phán” bộ ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ, Big 3, sẽ chỉ còn hai.

Hôm 10/12, ông Michael Robinet, phó chủ tịch phụ trách dự báo thị trường ô tô toàn cầu của CSM, cho rằng Chrysler LLC không thể sống sót nguyên vẹn, dù có được chính phủ cho vay tiền khẩn cấp. Và theo tin mới nhất, gói cựu trợ trị giá 14 tỷ USD dành cho GM, Ford và Chrysler đã không được Thượng viện Mỹ thông qua. Như vậy, viễn cảnh trước mắt Chrysler càng thêm đen tối.

 

Theo CSM, các nhà sản xuất ô tô Mỹ đang mất dần thị trường trong nước vào tay đối thủ nước ngoài, và con đường phía trước còn nhiều gian nan.

 

Đánh giá bà nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ - GM, Ford và Chrysler - về quy mô, tính hiệu quả và khả năng sinh lợi, ông Robinet cho rằng Chrysler không thực sự có lợi thế quy mô, ở hầu hết các mẫu xe, cần thiết để có thể tồn tại trong bối cảnh thị trường hiện nay.

 

Theo ông Craig Cather, Giám đốc điều hành CSM, đây không hoàn toàn là lỗi của Chrysler, mà có phần lỗi của Daimler, tập đoàn từng sở hữu Chrysler trước khi công ty quản lý vốn tư nhân Cerberus mua đa số cổ phần Chrysler vào năm ngoái. Lỗi của Daimler là ở chỗ đã hạn chế khả năng của Chrysler trong việc mở rộng ra thị trường quốc tế.

 

Người phát ngôn của Cerberus hiện chưa có bình luận gì về ý kiến này.

 

Trong khi đó, ông Robinet của CSM cho rằng không ai muốn chứng kiến cái chết tức thời của Chrysler, nhưng rõ ràng là tương lai của tập đoàn này không có gì sáng sủa. Còn ông Cather thì nói một cách đầy ẩn ý rằng, Chrysler không còn như 12 tháng trước đây và trong tháng 6 tới họ sẽ còn thay đổi nhiều.

 

Ngày 10/12, Chrysler cho biết mối quan tâm lớn hiện nay của họ là làm sao giành được khoản vay khẩn cấp từ chính phủ.

 

Tuy nhiên, theo ông Robinet, dù có được chính phủ cho vay tiền thì Chrysler cũng không thể tồn tại như một doanh nghiệp độc lập. “Tôi cho rằng chỉ có các cơ sở gầm bệ xe  độc đáo của Chrysler có thể tồn tại sau những sóng gió này,” ông Robinet dự đoán, ý nói tới Jeep Wrangler và các mẫu minivan của Chrysler.

 

Các nhà phân tích của CSM không thấy tuyên bố phá sản là câu trả lời cho Chrysler, nhưng có lẽ đó sẽ là kết cục của nhà sản xuất ô tô lớn thứ 3 của Mỹ, dù hình thức có thể khác nhau. Việc tài sản bị phân tán, chia năm xẻ bảy, về bản chất cũng không khác mấy với việc tuyên bố phá sản.

 

CSM dự đoán doanh số tiêu thụ ô tô của thị trường Mỹ năm 2009 chỉ đạt 11,5 triệu xe. Trong trường hợp Chrysler phá sản, nhiều nhà cung cấp phụ tùng ô tô cũng lâm nguy, từ đó ảnh hưởng tới các nhà sản xuất ô tô khác ở Mỹ. Cụ thể, trong số các nhà cung cấp phụ tùng cho Chrysler thì 66% cũng cung cấp cho GM, 54% cung cấp cho Ford, 59% cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô châu Á, và 44% đồng thời cung cấp cho doanh nghiệp ô tô châu Âu, theo ông Jim Gillette, Giám đốc dịch vụ tài chính của CSM, nói.

 

Năm tới, dù Chysler có phá sản hay không, ngành ô tô Mỹ cũng sẽ phải chứng kiến sự sụt giảm thị phần. Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài sẽ vượt Detroit vào năm 2011, theo ông Robinet, và doanh nghiệp nước ngoài sẽ cung cấp 54% số xe cho thị trường Bắc Mỹ vào năm 2013.

 

Nhật Minh

Theo Detroit News