Dành cho người lần đầu mua xe:

Chọn xe thế nào cho chuẩn?

(Dân trí) - Không phải ngẫu nhiên mà ôtô thường được cánh mày râu ví như “vợ hai”. Bạn đã đầu tư khá nhiều tiền vào chiếc xe thì không thể thất vọng vì chính quyết định của mình. Nhưng chọn xe thế nào cho chuẩn, nhất là ngay trong lần đầu tiên sở hữu ôtô?

Hãy tham khảo 10 bước sau để chọn được một chiếc xe như ý:

 

1. Chọn kiểu xe

 

Chọn xe thế nào cho chuẩn?
Giá bán tương đương dòng sedan, trong khi có thể vận hành ở địa hình đa dạng hơn, có thùng xe chở được nhiều đồ, dòng xe bán tải (pick-up) đang ngày càng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam
 
Trên thị trường hiện có rất nhiều dòng xe khác nhau: sedan, hatchback, coupe, đa dụng (MPV), thể thao việt dã (SUV), bán tải (pick-up), xe “xanh”…, nên trước tiên, bạn cần xác định nhu cầu sử dụng và túi tiền của cá nhân và gia đình để đưa ra lựa chọn chính xác.

 

Nếu bạn cần một chiếc xe linh hoạt, đa dụng và có thể xuất hiện thật “hầm hố” trước mọi người, hãy chọn dòng SUV. Nếu bạn muốn có một chiếc xe thực dụng, có cốp sau, thì dòng sedan là một gợi ý tuyệt vời. Nếu bạn thích loại xe nhỏ nhưng thể thao, dòng hatchback hoặc coupe là lựa chọn phù hợp. Nếu bạn là người mê offroad, còn chần chừ gì mà không chọn xe hai cầu (4x4) - SUV hoặc bán tải...

 

2. Mua xe mới hay xe đã qua sử dụng?

 

Một chiếc xe mới coóng luôn có sức hấp dẫn đặc biệt, nhưng trên thực tế, với người lần đầu sở hữu ô tô, mua một chiếc xe đã qua sử dụng lại là một quyết định chi tiêu hợp lý, khi bạn chưa đủ tiền mua xe mới. Tuy nhiên, trước khi mua xe đã qua sử dụng, cần nắm rõ thông tin về sổ bảo hành, bảo dưỡng, phụ tùng thay thế đã được dùng cho xe. Bạn chỉ nên mua xe đã qua sử dụng từ những đại lý có uy tín hoặc của người thân quen. Cần tỉnh táo trước những lời chào mời giá rẻ bất ngờ.

 

3. Sử dụng internet

 

Internet chính là “bách khoa toàn thư” để bạn tìm kiếm thông tin về loại xe mà bạn dự định mua. Hãy tìm hiểu thông tin về tất cả các xe mà bạn thích. Một trong những công cụ tìm kiểm hữu ích nhất là Google. Bạn có thể đọc thông tin trong bài viết giới thiệu, đánh giá xe của các phóng viên ô tô, hoặc tham khảo ý kiến của những người đã sử dụng loại xe bạn muốn mua trên các diễn đàn, mạng xã hội...

 

Theo kết quả khảo sát năm 2011 của J.D. Power, người mua ô tô tại Việt Nam đang có xu hướng lên mạng tìm kiếm thông tin nhiều hơn trong quá trình mua xe.

 

Kết quả khảo sát năm 2011 của J.D. Power cho thấy, cứ mỗi 10 người mua xe mới tại Việt Nam thì có 7 người dùng internet để tìm kiếm thông tin trong quá trình mua xe. Những người tìm hiểu thông tin về xe trên mạng thường tham khảo, so sánh giữa nhiều thương hiệu và đại lý. 70% trong số này thường tham khảo ít nhất một đại lý khác, trong khi tỷ lệ ở những người không dùng internet để hỗ trợ việc ra quyết định mua ô tô chỉ là 45%.

 

4. Xem xét mức tiêu hao nhiên liệu

 

Chọn xe thế nào cho chuẩn?
 
Nhiên liệu chiếm một phần khá lớn trong tổng chi phí “nuôi” xe, nên bạn cần tìm hiểu kỹ mức tiêu hao nhiên liệu mà hãng công bố và số liệu thực tế (kết quả chạy thử, tham khảo ý kiến của những người đã dùng xe...). Nhìn chung, loại xe thể thao động cơ khoẻ, tăng tốc nhanh hoặc xe cồng kềnh sẽ hao xăng hơn loại sedan hoặc hatchback gia đình.

 

5. Chọn màu xe

 

Vấn đề màu sắc đôi khi không chỉ đơn giản là chọn màu bạn thích nhất trong bảng màu của hãng xe. Màu sắc có vai trò không nhỏ quyết định xe bạn có dễ sang nhượng không. Những màu phổ biến như bạc/ghi, đen và trắng sẽ dễ bán và bán được giá hơn.

 

Theo kết quả khảo sát của Dân trí, với sự tham gia của gần 100 ngàn bạn đọc, màu sắc được ưa chuộng nhất là đen (41%), tiếp đến là trắng (16%), và bạc/ghi (15%).

 

6. Vấn đề an toàn

 

Chọn xe thế nào cho chuẩn?
 
Bạn mua ô tô vì muốn được di chuyển một cách an toàn và tiện nghi. Do đó, không thể bỏ qua các vấn đề an toàn khi mua xe. Lời giới thiệu của các nhân viên bán xe rõ ràng khó có tính thuyết phục, bởi tất nhiên họ muốn bán được xe thì phải quảng cáo. Bạn nên tham khảo bảng đánh giá, xếp hạng an toàn của các tổ chức độc lập uy tín, như Hiệp hội đánh giá an toàn xe mới (NCAP) của châu Âu, Viện bảo hiểm an toàn giao thông (IIHS) của Mỹ, hay tạp chí Consumer Reports...

 

Dân trí sẽ có một bài riêng về tính năng an toàn của xe ô tô trong thời gian sớm nhất.

 

7. Xem xét gói “giá trị gia tăng” của xe

 

Ở đây các gói “giá trị gia tăng” của xe gồm dịch vụ bảo dưỡng hay chế độ bảo hành. Tuỳ loại xe mà các dịch vụ này sẽ thay đổi, chỉ khi có trục trặc xảy ra, chủ xe mới thấy sự khác biệt. Bình thường, khách mua xe nào cũng muốn chế độ bảo hành kéo dài càng lâu càng tốt, càng nhiều km càng tốt.

 

8. “Chọn mặt gửi vàng”

 

Đó là vấn đề thương hiệu. Đây là một quyết định khó khăn. Các thương hiệu mới hoặc không “nổi như cồn” thường sẽ quyến rũ bạn ở giá bán hấp dẫn. Bạn cần cực kỳ tỉnh táo trước sự mời gọi này. Lựa chọn an toàn nhất vẫn là xe của những thương hiệu có bề dày và có uy tín trên thị trường.

 

Cũng cần lưu ý rằng một chiếc xe thuộc thương hiệu nổi tiếng hoặc được ưa chuộng trên thị trường sẽ dễ bán hơn khi bạn có nhu cầu đổi xe. Theo kết quả khảo sát của Dân trí, với sự tham gia của hơn 20 ngàn bạn đọc, “thương hiệu” và “mức tiêu hao nhiên liệu” là hai tiêu chí có sức nặng ngang nhau được cân nhắc khi chọn mua xe ô tô - cùng tỷ lệ 36%.

 

9. Lái thử

 

Chọn xe thế nào cho chuẩn?
 
Lái thử là việc cực kỳ quan trọng trước khi bạn quyết định đặt bút ký vào hợp đồng mua xe. Không ít người mua xe chỉ dựa vào ý kiến của bạn bè, người quen, để rồi sau đó không ngớt than phiền về những khó chịu mà chiếc xe mới mua mang lại, như ghế ngồi không thoải mái, tầm nhìn hạn chế, hay hệ thống treo quá cứng. Đừng để mình rơi vào tình cảnh đó.

 

Các chuyên gia khuyên khách mua xe nên lái thử xe khoảng 30 phút, nhập - thoát đường cao tốc, chạy thử trên những con đường giống lộ trình mỗi ngày của bạn. Và đừng quên lái thử cả những chiếc xe là đối thủ cạnh tranh, để có sự so sánh và khẳng định lựa chọn của bạn là tốt nhất. Biết đâu sau khi lái thử, bạn lại tìm được chiếc xe phù hợp hơn.

 

Theo kết quả khảo sát năm 2011 của J.D. Power, có 67% khách mua xe ở Việt Nam được đại lý mời lái thử, tăng so với tỷ lệ 49% của năm 2010.

 

10. Mua xe thôi

 

Qua 9 bước, có lẽ bạn đã có quyết định chọn dòng xe nào cho mình. Vấn đề bây giờ là phiên bản nào trong dòng xe đó. Các phiên bản trong cùng một dòng xe sẽ khác nhau về dung tích động cơ và các tính năng, trang thiết bị tiện nghi, an toàn… Hãy so sánh kỹ giữa các phiên bản để xem cái nào phù hợp nhất. Hãy tự hỏi: Có cần phải mua bản động cơ lớn (thường cũng sẽ tốn xăng hơn) không? Những tính năng cao cấp có thực sự cần thiết và thường xuyên dùng đến?... Tất nhiên, xe động cơ lớn, trang bị cao cấp hơn sẽ hấp dẫn hơn, nhưng nên lưu ý rằng xe động cơ càng lớn và càng có nhiều “đồ chơi” thì càng đắt.
 
Kỳ sau: Những nguyên tắc vàng khi lựa chọn đại lý để mua xe

 

Việt Hưng