Cách đánh giá hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu

(Dân trí) - Trước khi quyết định mua một chiếc xe, hầu hết người tiêu dùng đều quan tâm đến vấn đề hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu. Tuy nhiên, các con số do nhà sản xuất hoặc các tổ chức có uy tín đưa ra lại có xu hướng “lạc quan” hơn so với thực tế. Đâu là lý do?

Đề tài hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu luôn xuất hiện trong các cuộc thảo luận về xe hơi, và có một điều đáng ngạc nhiên là đôi khi với cùng một mẫu xe, người này tỏ ra hài lòng về hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu, trong khi người khác lại than phiền là nó quá "ngốn" xăng.

 

Hầu như ai cũng biết rằng các yếu tố như cách lái xe, điều kiện lái xe và hiện trạng xe đều đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu của xe hơi. Tuy nhiên, nhiều người không biết phải làm thế nào khi muốn mua một chiếc xe và muốn so sánh hiệu quả tiêu thụ nhiên với các xe khác. Đó là lúc người tiêu dùng tìm đến số liệu đánh giá và so sánh hiệu quả nhiên liệu của các loại ô tô phổ biến trên thị trường, do các tổ chức có uy tín thực hiện, ví dụ như cuốn cẩm nang EnerGuide của Hội đồng nghiên cứu quốc gia Canađa (NRC).

 

Cuốn EnerGuide xếp hạng hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu và chi phí nhiên liệu hàng năm của các loại xe hạng nhẹ có trên thị trường (không tính xe có tổng trọng tải trên 4 tấn).

 

NRC dùng một lực kế để tính hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu thông qua lượng hydrocarbon thải ra từ ống xả khi xe chạy trong sa hình mô phỏng đường cao tốc và đường trong thành phố. Cách tính này tỏ ra hữu ích khi so sánh hiệu quả đốt cháy nhiên liệu của các xe, nhưng lại có một kẽ hở lớn là chưa thể hiện đúng thực tế.

 

Cơ quan quản lý giao thông Canađa (Transport Canada) lại tiến hành đánh giá hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu của xe hơi trong điều kiện thời tiết ấm - 20 đến 30 độ C, xe chạy với gia tốc chậm, đường trong thành phố với tốc độ trung bình 32 km/h và trên đường cao tốc là 77 km/h. Tuy nhiên, điều kiện lái xe trên vẫn khác xa so với thực tế nên các con số thu được được khi xe chạy trong sa hình cũng chưa phản ánh hết thực tế và thường chỉ được dùng làm cơ sở so sánh giữa các xe.

 

Ở Mỹ, Cơ quan quản lý môi trường (EPA) nhận ra rằng có sự khác biệt giữa số liệu thu được từ các cuộc thử nghiệm với hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu thực tế. Do đó, họ cân nhắc đến một nhân tố có thể giúp đưa các đánh giá về hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu trong các cuộc thử xe đến gần hơn với các con số thực tế. Bài kiểm tra thứ nhất kéo dài 10 phút, xe bật điều hòa chạy trong điều kiện thời tiết bên ngoài là 35 độ C. Trong bài thứ hai, xe chạy trong điều kiện thời tiết lạnh âm 7 độ C và bài thứ ba, xe chạy với tốc độ cao (tối đa 129 km/h và tối thiểu 77 km/h trong nhiệt độ 20-30 độ C.

 

Tuy nhiên, lại có một điều kiện là tài xế  phải lái xe chậm rãi trong điều kiện thời tiết ấm áp.

 

Có một thực tế là mặc dù đã tính đến cả các nhân tố như gia tốc hay lực phanh nhưng kết quả các con số về hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu vẫn chỉ có tính chất tham khảo và người tiêu dùng nên so sánh đánh giá của các tổ chức khác nhau, vì các cuộc thử nghiệm không thể tính hết được các nhân tố khách quan và chủ quan của điều kiện lái xe thực tế như thay đổi về thời tiết, sức cản của gió, độ bằng phẳng của mặt đường…

 

Nhật Minh

Theo CanadianDriver