Xu hướng hôn nhân không tình dục ở Nhật Bản

Thư An

(Dân trí) - 2/3 cặp vợ chồng ở xứ Phù Tang gần như hoặc hoàn toàn không tiếp xúc thân mật với nhau. Một số lý do được đưa ra là giảm hứng thú sau khi sinh con, kiệt sức vì công việc và thấy khó chịu.

Công ty thiết kế web và quảng cáo Raison d'être (trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản) công bố kết quả nghiên cứu mới cho thấy, hơn 68% cuộc hôn nhân ở đất nước hoa anh đào hầu như hoặc hoàn toàn không có sự gần gũi về thể xác. Điều này nhấn mạnh những vấn đề mà chính phủ Nhật Bản phải đối mặt trong việc đảo ngược tỷ lệ sinh đang giảm của quốc gia.

Ông Kunio Kitamura - Giám đốc Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Nhật Bản (JFPA) - nói với SCMP rằng: "Xu hướng này sẽ không dừng lại".

Nhiều yếu tố tác động

Trong số 4.000 người ở độ tuổi 20-59 tham gia khảo sát, 43,9% không hề thân mật với bạn đời, 24,3% thừa nhận cuộc hôn nhân của họ gần như thiếu vắng tình dục.

Khoảng một nửa phụ nữ trong độ tuổi 20 gần như hoặc hoàn toàn xa cách với chồng, tỷ lệ này tăng lên 67,8% ở nhóm độ tuổi 30. Con số tương tự ở nam giới lần lượt là 53,4% và 71,4%.

Trong số nhóm dân số lớn tuổi, khoảng 78% phụ nữ ở độ tuổi 50 có những cuộc hôn nhân gần như hoặc hoàn toàn không gần gũi, tương tự với 81% nam giới ở cùng độ tuổi.

Xu hướng hôn nhân không tình dục ở Nhật Bản - 1

Nhiều cặp vợ chồng ở Nhật Bản sống chung với nhau mà không có sự tiếp xúc gần gũi (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Tuy nhiên, 57% số người được hỏi cho biết, dù có tiếp xúc thân mật hay không, họ có mối quan hệ tốt hoặc rất tốt với bạn đời.

Giám đốc Kitamura cho biết, nghiên cứu mới đây không xem xét lý do các cặp vợ chồng ở Nhật Bản không quan hệ, nhưng nhiều nghiên cứu của JFPA trong 20 năm qua đã làm sáng tỏ vấn đề này.

Trong nghiên cứu đầu tiên vào năm 2004, 31,9% cặp vợ chồng không gần gũi, con số này tăng lên hàng năm cho đến năm 2020. Cuộc khảo sát gần đây nhất cho thấy con số này đạt 51,9% và không có dấu hiệu suy giảm.

Chia sẻ về lý do nói không với tình dục, 22,3% phụ nữ trên khắp Nhật Bản thừa nhận, họ cảm thấy khó chịu; hơn 20% không muốn tiếp xúc lãng mạn với chồng sau khi sinh con; 17,4% quá mệt mỏi vì công việc; 8,2% không còn coi chồng là bạn tình mà là người thân. Những nguyên nhân khác bao gồm việc mang thai hoặc không hứng thú.

Ở nam giới, lý do phổ biến nhất (chiếm 35,2%) là do quá mệt mỏi sau giờ làm việc; 12,8% coi vợ như người thân thay vì bạn tình; 12% không còn hứng thú sau khi sinh con; chỉ 7,2% thấy khó chịu.

Amie (gần 40 tuổi, sống ở Tokyo) tiết lộ, phần lớn lý do khiến cuộc hôn nhân của cô thiếu tình yêu thể xác đơn giản là sự mệt mỏi.

"Chồng tôi làm công việc lao động nặng, cả ngày lẫn đêm nên rất khó để có lịch trình đều đặn. Mọi chuyện từng rất khác khi chúng tôi còn trẻ và cố gắng có con nhưng điều đó đã không xảy ra. Vì vậy, chúng tôi gần như dừng lại. Tôi cũng làm việc bán thời gian và mọi thứ không thuận lợi lắm cho hai vợ chồng", cô kể.

Keiko (hơn 40 tuổi) cho biết, cô và chồng có cuộc sống gần như riêng biệt kể từ khi con gái chuyển đi. Vì cả hai ngày càng có ít điểm chung, người phụ nữ đang tính chuyện ly hôn.

Xu hướng hôn nhân không tình dục ở Nhật Bản - 2

Việc các cặp vợ chồng không có đời sống hôn nhân lãng mạn làm tăng thêm nỗi lo về tình trạng dân số suy giảm ở Nhật Bản (Ảnh minh họa: AFP).

Maya (ở độ tuổi 40, sống tại tỉnh Kanagawa) có đời sống hôn nhân lành mạnh suốt những năm 30 tuổi nhưng điều đó đã thay đổi khi cô phát hiện chồng ngoại tình.

"Tất nhiên, mọi thứ rất khó khăn trong vài năm đầu nhưng chúng tôi cố gắng ở bên nhau vì con gái. Thời gian trôi qua, mối quan hệ được cải thiện nhưng chúng tôi không còn gần gũi như trước", cô nói.

Đối với Taka (ngoài 40 tuổi, ở Tokyo), sự mệt mỏi sau giờ làm việc thật sự triệt tiêu ham muốn.

"Tôi làm việc nhiều giờ và thường xuyên vắng nhà trong tuần. Khi tôi về đến nhà thì đã muộn, tôi mệt nên tất cả những gì tôi muốn làm là tắm và đi ngủ. Tôi nghĩ tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều công ty Nhật Bản. Cuối tuần, tôi cố gắng dành thời gian cho con nên không bao giờ có đủ tâm sức nghĩ đến chuyện đó", người mẹ chia sẻ.

Khó thoát ra

Giám đốc Kitamura nói rằng, nghiên cứu của ông cho thấy, nhiều người làm việc quá giờ ở công ty và không còn năng lượng cho bất cứ việc gì khác khi về nhà. Trên hết, áp lực tài chính ngày càng đè nặng lên các cặp vợ chồng.

"Ngày nay, có rất nhiều áp lực đối với người Nhật. Trong đó, cơ bản nhất là họ không có đủ tiền để đi uống rượu hoặc đi ăn nhà hàng với đối tác. Ở Nhật Bản, người nghèo rất khó yêu", ông nói.

Kitamura nói thêm, nhiều người trẻ hiện nay có kỹ năng giao tiếp kém. Nếu mọi người ngại giao tiếp với người khác giới hoặc không thể duy trì thái độ tích cực với tình dục, xu hướng này sẽ còn gia tăng hơn nữa.

"Thật khó để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này", ông nhận xét.

Người lãnh đạo JFPA cũng cảnh báo, điều đó là điềm xấu cho số lượng dân số vốn đã suy giảm rõ rệt, với 123,29 triệu người vào năm 2023, giảm từ mức đỉnh 128,1 triệu vào năm 2010 và được dự đoán giảm xuống còn 104,69 triệu vào năm 2050.

"Tỷ lệ sinh giảm ở Nhật Bản thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Có hàng tấn vấn đề cần giải quyết, chẳng hạn như làm thế nào chính phủ có thể hỗ trợ tài chính cho các cặp vợ chồng và nhận thức khác nhau giữa đàn ông - phụ nữ về lợi ích của hôn nhân", ông nói.