“Xin đừng khóc nữa mẹ ơi...”

Được bạn đọc biết đến với tập nhật ký “Xin đừng khóc nữa mẹ ơi”, chàng trai trẻ Nguyễn Ngọc Sơn, người đang từng ngày giành giật sự sống bằng chiếc máy chạy thận, đã trở thành tấm gương sáng về nghị lực và khát vọng sống để lớp trẻ noi theo.

Hẹn hò mấy lần rồi tôi cũng gặp được Nguyễn Ngọc Sơn tại nhà anh nơi sườn đồi hoang vu rìa “thị xã bị bỏ quên” Phú Thọ. Đợt này Sơn khá bận, ngoài việc lên lớp, đi chạy thận nhân tạo, Sơn tất tả với các cuộc nói chuyện, giao lưu với học sinh, sinh viên, đoàn viên ở các xã. Các cơ quan đoàn thể mời Sơn đến để được nghe anh kể chuyện cuộc đời mình. 

 

Nguyễn Ngọc Sơn sinh năm 1979, trong một gia đình quân nhân nghèo. Bố Sơn là Trung tá Nguyễn Ngọc Minh, hiện đang làm việc tại Trường trung học Công nghiệp Quốc phòng Phú Thọ. Mẹ Sơn là bà Đỗ Thị Loan, công tác cùng cơ quan chồng, song đã nghỉ hưu.

 

Tuổi thơ của Sơn chỉ là những bữa cơm độn sắn với rau cháo mắm muối. Chính những ký ức nhọc nhằn đó đã tạo cho Sơn một nghị lực mạnh mẽ.

 

Khoảng thời gian giữa năm lớp 10, tự nhiên Sơn thấy mệt rã người, chân tay mỗi ngày thêm mọng nước và mí mắt cứ sụp xuống. Bố mẹ Sơn rụng rời khi bác sĩ kết luận Sơn bị viêm cầu thận rất nặng, phải tiêm kháng sinh liều cao. Bác sĩ tiêm kháng sinh nhiều đến nỗi hai cánh tay Sơn chai cứng, không còn đâm nổi kim tiêm vào nữa.

Vừa điều trị, mẹ Sơn vừa đèo con đi học để cho Sơn hoàn thành hết chương trình lớp 10. Sang năm lớp 11, bố Sơn xin nhà trường cho nghỉ một năm để Sơn có điều kiện trị bệnh ở Hà Nội.

 

Sau khi điều trị tạm ổn bằng tây y, thì đến hành trình trị bệnh bằng đông y. Hễ nghe ở đâu có bài thuốc hay dù trong Nam hay ngoài Bắc bố mẹ Sơn cũng lặn lội mua về cho con.

 

Biết rằng, căn bệnh này có chữa cũng không khỏi được, hơn nữa cần nhất là sự tĩnh tâm, nên ai cũng khuyên bố mẹ Sơn cho con nghỉ học. Bố mẹ Sơn muốn giữ mạng sống cho con, nên cũng khuyên con nghỉ học chữa bệnh, song Sơn nhất quyết xin bố mẹ cho học tiếp. Thế là 2 năm trời đằng đẵng, ngày nào mẹ cũng đưa đón Sơn trên chiếc xe đạp cà tàng đến lớp bất kể nắng mưa. Khi đó, cơ thể Sơn phù nề, da xanh tái và yếu tới mức không thể tự đạp xe đến trường được. Nhưng cậu học sinh bệnh tật, nặng chỉ trên dưới 40kg ấy đã không phụ công bố mẹ khi mang về tấm bằng khen học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn.

 

Nỗ lực của Sơn đã được đền đáp xứng đáng khi anh đỗ cả hai trường là Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Ngày Sơn về nhập học ở Hà Nội, hành trang nặng nhất của anh là những bọc thuốc nam.

 

Suốt 4 năm học đại học, Sơn không hề hé lộ cho ai biết anh bị bệnh hiểm nghèo, bởi anh không muốn bạn bè và người đời nhìn anh bằng con mắt thương hại. Cứ đợi đêm khuya, khi hàng xóm đi ngủ, Sơn mới mò dậy sắc thuốc. Có lần, mệt quá, ngồi trông nồi thuốc, ngủ gật dúi cả đầu vào bếp, cháy mất nửa mái tóc.

 

Thân mang trọng bệnh, song thương bố mẹ vất vả, nên năm học thứ hai Sơn đã đi làm thêm kiếm tiền. Sơn mở lớp dạy cho những sinh viên Hàn Quốc. Anh mang tất cả tình yêu đất nước, quê hương để truyền dạy cho những sinh viên ngoại quốc này khiến họ cảm thấy yêu mến con người Việt Nam hơn. Lớp học của Sơn mỗi ngày một đông, Sơn  và các học viên của anh trở nên rất nổi tiếng trong giới sinh viên Hàn Quốc sang Việt Nam học tập và nghiên cứu.

 

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, Sơn tiếp tục thi và học văn bằng hai tại Khoa Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước, Học viện Báo chí và tuyên truyền. Anh thi vào trường này với một suy nghĩ rất đơn giản, đó là anh muốn thể hiện tình yêu của mình với Đảng và Bác. Nguyễn Ngọc Sơn có một tình yêu kỳ lạ với Bác Hồ. Trong các cuộc nói chuyện, hoặc giảng dạy cho học sinh, sinh viên, anh có thể kể chuyện về Bác triền miên từ ngày này sang ngày khác. Khi Sơn đã kể về Bác, thì không một sinh viên nào không rơi nước mắt và bản thân anh cũng nghẹn ngào khi bắt đầu những câu chuyện về Bác Hồ.

 

Cũng chính tình yêu kỳ lạ với Bác Hồ mà trong hoàn cảnh bệnh tình mỗi ngày một nặng, anh vẫn vừa đi làm, vừa đi học, lại phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi đang còn trên ghế nhà trường. Thành quả của hai năm học văn bằng hai cũng đáng nể khi Sơn được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành tích sinh viên nghiên cứu khoa học, một tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi và trình độ cao cấp lý luận chính trị.  

 

Với những kết quả đạt được, tưởng rằng tương lai xán lạn đang mở ra trước mắt, nhưng rồi đất dưới chân như sụt xuống trong cái ngày 24/7/2006, khi bác sĩ Bệnh viện 103 thông báo: “Bệnh nhân Nguyễn Ngọc Sơn bị suy thận độ 4, tức giai đoạn cuối, thời gian sống chỉ còn tính từng ngày”.

 

Họ khuyên mẹ Sơn nên đưa con về quê gấp và báo cho gia đình chuẩn bị tang lễ. Sơn không nói được lời nào nữa. Mẹ Sơn gào khóc thảm thiết, rồi cuống cuồng chạy đi chạy lại dọc hành lang bệnh viện, cứ thấy ai mặc áo trắng lại van xin “hãy cứu lấy con tôi”. Một bác sĩ bảo: “Hai mẹ con thử sang Bạch Mai xem người ta có nhận không, còn không thì đưa cháu về đi may ra còn kịp”.

 

Theo Phạm Ngọc Dương

An Ninh Thế Giới