Vỡ mộng làm ca sĩ

(Dân trí) - Đến hạn cuối nộp hồ sơ thi đại học nhưng Mi nhất quyết không chịu nộp vì... con sẽ làm ca sĩ, mà ca sĩ thì không cần phải học đại học làm bố mẹ choáng váng.

Khát khao “một bước lên sao”

 

Ăn mặc đẹp, kiếm nhiều tiền, được nhiều người biết đến... Ánh hào quang của nghề ca sĩ như làm cho nhiều teen mê muội. Họ nung nấu một ngày nào đó mình sẽ trở thành “sao”.

 

Chỉ là giọng hát karaoke nhưng từ khi lên cấp hai, Duy, trường THPT Q (Hà Nội) đã ấp ủ một ngày trở thành ca sĩ. Duy chẳng thèm giấu diếm ý định đó, đến đâu cậu cũng sẵn sàng “miễn phí” giọng ca của mình. Y như nhân vật Chaien, ở đâu có mic thì cậu phải xấn đến giành lấy nghêu ngao một bài mới thôi. Bạn bè nhiều người ái ngại cho Duy nhưng cậu vẫn tuyên bố: “Tớ hát các cậu nghe, xem như tiếp cận dần với khán giả”.

 

Chẳng phải đam mê, chẳng có năng khiếu thế mà Mi, cô học trò năm cuối một trường trung học ở thành phố Vinh cũng nuôi mộng sau này làm ca sĩ. Trước đây Mi không nghĩ đến nhưng trong một lần đến studio thu âm, Mi tự thấy giọng mình không đến nỗi tệ. Thêm vài yếu tố, Mi tin mình cũng thành “sao” như ai.

 

Mi bắt tay ngay vào “đầu tư”, bao nhiêu tiền bố mẹ cho đi học thêm, mua tài liệu thì Mi lại mò mẫm đến một lớp học thanh nhạc ở một lò luyện thi. Nhưng với Mi, hát không cần phải học nhiều, chỉ cần biết vài nét cơ bản mà quan trọng là hình thức, vũ đạo. Thế là cô lao vào tập thể dục cho đẹp dáng và mua sắm mỹ phẩm để chăm sóc da.

 

Một lần, vào một trang web hát karaoke, Tài lưu lại lời mình hát, sau đó cậu thấy có khá nhiều lượt người nghe (thật ra toàn do Tài gửi đi cho bạn bè), thế là cậu nghĩ ngay tại sao mình không thể trở thành một ca sĩ.

 

Tài “tỉnh táo” nhận ra con đường quen thuộc để trở thành một ca sĩ gian nan hơn nhiều con đường ảo. Tài muốn theo cách thành sao của ca sĩ Thùy Chi, Bảo Thy. Thế là hàng ngày, Thành ngồi ôm lấy máy tính, thu lại lời mình hát rồi gửi đi khắp nơi trên các diễn đàn, tải lên blog với mong muốn công chúng phát hiện ra giọng hát khác lạ của mình. Thậm chí Tài còn sao ra đĩa để tặng bạn bè mà không biết mọi người đang “lè lưỡi” sau lưng.

 

Nói về nghề ca sĩ, Thủy, 16 tuổi, nhà ở Hàng Gai cho hay: “Làm ca sĩ bây giờ dễ lắm, chỉ cần hát tàm tạm, người đẹp, nhảy đẹp và gặp thời là thành sao ngay”. Chính với suy nghĩ đơn giản như thế nên ngày càng nhiều teen nuôi giấc mơ một lúc nào đó mình sẽ gặp “vận may”.
 
Vỡ mộng làm ca sĩ - 1

Rất nhiều bạn trẻ nuôi mộng thành ca sĩ bỏ bê việc học của mình. (Ảnh minh họa).

 

Tham dài bỏ ngắn

 

Cũng vì theo đuổi ước mơ thành sao của mình, nhiều bạn sẵn sàng gác tất cả những việc trước mắt của mình mà không lường trước di chứng, hậu quả từ sự bồng bột, mù quáng đó.

 

Như Duy, lên cấp ba, tỉ lệ nghịch với ước mơ thành sao càng cháy bỏng thì việc học hành của cậu lại lùi đến thảm hại. Từ một học sinh giỏi giờ Duy chỉ bập bõm để lên được lớp. Vậy nhưng cậu không hề lấy thế làm lo lắng vì: “Ca sĩ đâu cần phải học nhiều. Trượt tốt nghiệp hay đại loại như thế sau này càng có dấu ấn khi tâm sự với fan”.Và cậu hỉ hả tưởng tượng ra ngay cái tít của một bài bào viết về mình sau này: “Anh Duy từng trượt tốt nghiệp”.

 

Dự định của Duy ai nghe cũng phát hoảng, cậu nói trước mắt sẽ theo nghề sửa chữa ô tô, xe máy. Duy giải thích: “Trở thành một ca sĩ cũng phải chờ “vận”, có thể đến sớm nhưng cũng có thể đến rất muộn. Tốt nhất là đến lúc mình không ngờ tới. Đang là một thợ sửa xe, bỗng thành ca sĩ còn gì ấn tượng bằng. Mình ghét nhất là kiểu ca sĩ được rèn từ lò này, lò nọ, thế còn gì là bản năng hoang dã nữa. Ca sĩ Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng chẳng phải từ nghề thợ mộc, cắt tóc đó sao".

 

Còn Mi, đến sát ngày cuối nộp hồ sơ thi đại học nhưng cô nhất quyết không chịu nộp vì... con sẽ làm ca sĩ, mà ca sĩ thì không cần phải học đại học làm bố mẹ cô choáng váng. Họ đang lo lắng khi thấy con gái suốt ngày lo hát hò, nhảy nhót và làm đẹp. Thậm chí, Mi còn nói với bố mẹ: “Khoản tiền nuôi con 4 năm đại học, bố mẹ đưa cho con đi phẫu thuật thẩm mỹ. Sau này nổi tiếng con trả lại gấp nhiều lần”.

 

Chẳng những thế, Mi còn lao vào yêu đương và tập tành đi bar, vũ trường với tuyên bố xanh rờn: “Bây giờ, muốn thành sao phải có xì căng đan nên yêu và “vào đời” dần đi là vừa”.

 

Ước mơ thành ca sĩ, T.H, ở Ninh Bình bỏ học, ôm tiền gia đình lên Hà Nội nhờ một bầu sô nghiệp dư đào tạo. Hơn một năm, H bị trả về vì không có khả năng. Tiền mất mà việc học của H cũng bị dang dở, trong khi bạn bè đều đã trở thành sinh viên.

 

Theo các chuyên gia tâm lý, nhiều bạn trẻ trách cứ bố mẹ ép buộc nghề nghiệp của họ nhưng thực tế nhiều bạn chọn nghề bằng sự mơ mộng, ảo tưởng mà không hề nghĩ đến khả năng của mình và những hậu quả từ mơ mộng hão huyền đó. Ngoài việc bỏ bê học hành, nhiều em còn bị lừa tiền, thậm chí bị lừa tình.

 

Hoài Nam