Vì sao kế hoạch dài hơi của teen thường hỏng?

Tại sao các kế hoạch của các bạn trẻ sau một năm nhìn lại luôn bị phá sản? Hãy xem thử mình bắt đầu sai lầm ở chỗ nào nhé!

1. Bạn nghĩ: Nhìn lại quá khứ để bước tiếp

 

Nhưng thực tế là: Chẳng có ích gì đâu.

 

Đừng để những sai lầm trong quá khứ làm oằn vai bạn trong tương lai. Chắc chắn là bạn đã có khối bài học từ nó rồi, nên hãy quẳng chúng ở nhà, cái bạn có bây giờ là kinh nghiệm.

 

Hơn thế nữa, những sai lầm thường sẽ chẳng lặp lại giống nhau đâu. Vậy thì cứ chốc chốc lại đem quá khứ ra soi làm gì kia chứ. Năm mới là cơ hội để cho chúng ta bắt đầu lại mọi thứ như mới cơ mà.

 

2. Bạn nghĩ: Có rất nhiều thứ cần phải làm

 

Hí hoáy viết ra giấy, bạn thấy mình rất hồ hởi với cả trăm thứ: nào là kéo điểm môn Toán qua 8 phẩy, một part time đáng mơ ước, nói tiếng Anh nhanh như gió, đoạt được giải nữ sinh thanh lịch năm nay ở trường, làm quen được với cậu lớp trưởng lớp kế bên…

 

Nhưng thực tế là: Bước từng bước nhỏ thì tốt hơn.

 

Hãy cười vào cái list dài ngoằng đó đi. Bạn chẳng ôm đồm nổi một lúc quá nhiều thứ như thế đâu. Chúng ta không thể phân tâm mà làm tốt một lúc 5, 7 nhiệm vụ như thế. Vì vậy hãy suy nghĩ và tìm ra 1,2 điều trọng yếu và dồn hết sức cho nó thôi. Xong thì tính tiếp. Bước từng bước nhỏ để không ngã, phải không?

 

3. Bạn nghĩ: Càng nhiều áp lực càng có động cơ

 

Nhưng thực tế là: Mệt và buông tay ngay thôi.

 

Liệu bạn có quen và đủ khả năng để sống trong áp lực? Cho mình một ít áp lực đúng là làm bạn cố gắng hơn. Nhưng nếu nhiều hơn thế, bạn sẽ nhanh chóng đầu hàng thôi. Sao không thử thư giãn và đơn giản hoá mọi việc, con đường thành công có vẻ dễ thở hơn đấy.

 
Vì sao kế hoạch dài hơi của teen thường hỏng? - 1

Biết đưa ra kế hoạch vừa sức sẽ khiến bạn thêm tự tin phấn đấu cho một năm hiệu quả.
 

4. Bạn nghĩ: Thành công càng nhanh càng tốt

 

Bạn nghĩ sao về một bản kế hoạch kiểu như: lấy bằng tiếng Anh trong 3 tháng, tham gia lớp aerobic 3 buổi 1 tuần, giảm 2 kg trong 1 tháng, điểm trung bình môn Hoá trên 7,5 trong 1 học kỳ?

 

Nhưng thực tế là: Đừng làm những vận động viên điền kinh hụt hơi.

 

Đúng là ai cũng muốn thành công càng nhanh càng tốt. Nhưng sẽ có tình huống sau khoảng thời gian nêu trên, bạn không kịp đạt được những thứ mình muốn -> nghĩ rằng mình thật tệ -> nản -> bỏ cuộc đi ngủ cho rồi!

 

Thật ra bạn đang đi xa hơn bạn tưởng. Chúng ta đã thay đổi tích cực hơn sau một tháng hay một học kỳ. Bạn có thể chưa chạm mức, nhưng bạn cách nó đâu còn xa. Vì vậy, không cần chạy nước rút, bạn có thể làm một người chạy bền và cán lần lượt từng cái đích mình đặt ra.

 

5. Bạn nghĩ: Mình sẽ làm điều ấy một mình

 

Nhưng thực tế là: Cần nhiều hơn sự giúp đỡ.

 

Rất ủng hộ bạn độc lập. Nhưng bước trên đôi chân mình đâu có nghĩa là từ chối nhận một tấm bản đồ đâu chứ. Hãy học hỏi kinh nghiệm từ những người đi cùng con đường bạn chọn, để đường đi của bạn sẽ bớt gập ghềnh và nhanh hơn. Nhớ nhé, không có ai thành không một mình đâu.

 

6. Bạn nghĩ: Lên danh sách cả năm ngay từ bây giờ kẻo muộn

 

Bạn nghĩ năm mới tới rồi, nhanh nhanh lên kế hoạch đề thực hiện. Lôi lại cái đống mục tiêu năm cũ còn dang dở cho vào luôn. Rồi cả những ấp ủ trong năm mới nữa. Phải thật chi tiết, cả năm, rồi từng quý, từng tháng, từng tuần. Nhiều cái để làm thật đấy. Phù!

 

Nhưng thực tế là: Không nên chút nào cả.

 

Bạn không cần phải cần mẫn và chi tiết đến như vậy ngay trong thời gian này. Bạn chỉ mới biết chung chung, làm sao chắc chắn về thời khoá biểu học hay lịch thi mà tính toán cho cả năm. Bạn cũng chẳng biết 6 tháng nữa liệu bạn có rảnh buổi tối để học tiếng Tây Ban Nha như bạn viết không.

 

Hãy dành thời gian suy nghĩ và tính toán cẩn thận, kẻo lại cho ra đời những bản kế hoạch đẹp long lanh mà chỉ để dành ngắm thôi đấy.

 

Theo Mực Tím