Văn học tuổi 20: “Gặt” một mùa văn chương mới

(Dân trí) - Những gương mặt không còn quá mới, như Hải Miên, như Trương Anh Quốc cùng những người “mới nhập cuộc” như Đỗ Duy, Hương Thị… đã tạo nên một dấu ấn cho “Văn học tuổi 20” lần thứ 4.

Đây cũng được coi là bệ phóng cho nhiều tác giả trẻ, giúp họ tự tin hơn trên con đường sáng tác.


Văn học tuổi 20: “Gặt” một mùa văn chương mới - 1

Nhà văn Nguyên Ngọc trao giải Giải nhất: Tiểu thuyết Biển cho tác giả Trương Anh Quốc.

 

Trương Anh Quốc, người từng đoạt giải nhì cuộc thi này lần thứ 3, nay nay vẫn âm thầm viết trên những chuyến tàu biển một tiểu thuyết lạ: Biển. Trương Anh Quốc nói, anh cứ viết miên man, cho đến sát ngày kết thúc cuộc thi mới nhớ ra và vội vàng đọc sửa lại chính tả và gửi dự thi. “Biển mênh mông luôn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn. Viết “Biển”, tôi có dịp tìm hiểu về các tôn giáo, các vùng đất, con người và nét văn hóa đặc trưng; tôi được hóa thân, suy tư, trăn trở với tâm trạng các mẫu nhân vật mà mình yêu mến lẫn cam ghét..”, Trương Anh Quốc đề từ cho tác phẩm của mình.

 

Biển là cuốn tiểu thuyết lạ, gồm 19 chương, được tách rời và bạn đọc có thể đọc từng chương với tên gọi độc lập, như một truyện ngắn độc lập. Nhưng Biển cuốn hút người đọc bởi một thế giới mới lạ, không chỉ là lạ lẫm từ nhiều vùng biển khác nhau, mà bởi sự phát hiện tâm lý của con người, tưởng như bị nhốt chặt trên những con tàu, nhưng lại được bung tỏa dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Biển có thể coi là bước tiến mới trong bút pháp của Trương Anh Quốc, giải nhất dành cho cuốn tiểu thuyết này được thống nhất cao. Đây cũng là lần đầu tiên, Văn học tuổi 20 trao giải nhất cho tiểu thuyết và trao giải cho một tác giả nam giới.

 

Hải Miên, cây bút nữ từng đã rất quen thuộc với bạn đọc trên báo Hoa học trò cách đây chục năm. Chị từng gần như bỏ văn chương trong hành trình làm báo nhiều năm. Nhưng nửa năm qua, Hải Miên nghỉ hẳn nghề báo và chuyên tâm vào sáng tác. Tập truyện Visa của Hải Miên được coi là một lát cắt về những mất mát của tuổi hai mươi hôm nay. Hải Miên không ồn ào, nhưng câu chữ sắc lẹm đau đớn, đánh động vào tâm trí người đọc những vùng cảm xúc tưởng như bị đời sống vùi lấp. Tập truyện này của Hải Miên đoạt giải ba.
 
Văn học tuổi 20: “Gặt” một mùa văn chương mới - 2
Các tác giả đoạt giải cuộc thi Văn học tuổi 20

 

Cũng từng là cây bút mảng văn hóa văn nghệ quen thuộc của nhiều báo tại TPHCM, Đỗ Duy cũng nghỉ ngang để bắt đầu con đường văn chương của mình. Đây được coi là “hiện tượng lạ”, bởi Đỗ Duy vốn là cây bút viết mảng âm nhạc và sân khấu, nhưng anh lại đắm đuối với văn chương. Những trang viết đầu tiên của Duy thường được gửi cho bạn bè đọc tham khảo và góp ý kiến. Và anh cũng rất rụt rè khi gửi tác phẩm tham dự “Văn học tuổi 20”. Tập truyện “Tạm trú” của Đỗ Duy là một sự chắt chiu thực sự những con chữ. Ở đó có một ý thức rõ rệt trong việc tìm chữ, tìm ý để đạt được mục đích của mình.

 

Đọc Duy có chút dấu vết của một số cây bút mà anh yêu mến không giấu diếm, như Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, Nguyễn Ngọc Tư, Lý Lan… Nhưng điều quan trọng là Đỗ Duy ý thức được điều ấy, sự ảnh hưởng chỉ như một lẽ tất nhiên của người lần đầu cầm bút sau khi đã bị những trang viết của người đi trước ám ảnh đến khó quên. Điều đó không phải là vấn đề. Cái quan trọng nhất và đáng mong chờ nhất ở Đỗ Duy là anh có ý thức rõ ràng về công việc mình đang làm. Bỏ ngang mọi việc để theo đuổi trang viết (mà không tính làm thêm nghề khác để kiếm sống), có thể coi là một thái độ dám dân thân.

 

“Những chuyển điệu” của Nguyễn Thiên Ngân có lẽ là một điều hơi đặc biệt. Bởi ai cũng nghĩ có thể Thiên Ngân sẽ đạt giải cao hơn, bởi tập truyện “Ngày còn dài, còn dài” của cô phát hành trước đó tạo được ấn tượng tốt với bạn đọc. Nhưng “Những chuyển điệu” của Thiên Ngân mới chỉ dừng lại ở giải tư. Nguyễn Thiên Ngân được coi là cây bút hiếm hoi của văn học trẻ TPHCM với lượng sáng tác khá đều cả về số lượng và chất lượng. Và với cô gái còn quá trẻ này, con đường văn học vẫn còn rất rộng dài trước mặt. Chỉ mong cô không nản lòng, để con đường ấy thực sự đáng giá và đáng với sự chờ mong của bạn đọc mà thôi…

 

Văn học tuổi 20 không phải là một cuộc thi đấu. Đây là một nơi khơi gợi và tìm kiếm những sáng tác trẻ có giá trị. Và, dù sao đi nữa, đây cũng là cuộc thi mà những người trẻ viết văn mong đợi nhiều nhất. Văn chương là con đường dài, và bất cứ giải thưởng nào cũng chỉ là yếu tố cộng thêm cho tác phẩm chứ không phải là cái khẳng định giá trị của nó với bạn đọc. Nói như Trương Anh Quốc, viết văn là con đường khổ hạnh và không nên chờ đợi phải được thưởng bạn mới viết. Hãy viết bằng trái tim của mình, những sáng tác của bạn sẽ đến với trái tim bạn đọc…

 

 

Kết quả cuộc thi Văn học tuổi 20:

 

Giải nhất: Tiểu thuyết Biển của Trương Anh Quốc.

Giải nhì: tập truyện ngắn Cô con gái ngỗ ngược của Võ Diệu Thanh.

 

Giải ba: gồm hai tác phẩm: tập truyện ngắn Visa của Hải Miên; tiểu thuyết Giảng đường yêu dấu của Mai Anh Tuấn.

Giải tư: gồm năm tác phẩm: tiểu thuyết Những chuyển điệu của Nguyễn Thiên Ngân, tập truyện ngắn Tạm trú của Đỗ Duy, truyện vừa Thuê bao quý khách... của Hương Thị, truyện dài Giấc mơ bên gốc vú sữa của Nguyễn Thị Mạnh Hà, tiểu thuyết Những giao diện ẩn của Thiên Di.

 

 

Dương Bình Nguyên