Tuổi thơ bị đánh cắp của những cô dâu trẻ con Nam Phi

(Dân trí) - Ở tuổi 14, Nolizwi Sinama bị bắt cóc từ nhà của dì cô đến một ngôi làng lân cận. Cô bé nghĩ mình được đưa đến đó để trở thành một người hầu. Nhưng thực ra, cô bé đang trên đường trở thành cô dâu của một người đàn ông 42 tuổi.

Tuổi thơ bị đánh cắp của những cô dâu trẻ con Nam Phi  - 1
 

Người dì và  anh trai của Sinama đã sắp xếp cuộc hôn nhân đó, bọn họ được nhận 3 con bò, xem như là cái giá của cô dâu hay cái gì đó tương tự  vốn chẳng xa lạ ở Nam Phi.

 

Ba năm sống trong cuộc sống hôn nhân với người đàn ông xa lạ, Sinama nói rằng cô trở nên vô cảm. “Họ đã đánh cắp sự trong trắng và tuổi thơ của tôi”, Sinama chua chát nói.

 

Người chồng bắt Sinama ngủ với ông ta. Cô bé mang bầu một tháng sau khi bị bắt cóc.

 

“Tôi đã van xin họ đừng bắt tôi. Tôi bảo họ là tôi muốn tiếp tục học hành, rằng tôi chưa sẵn sàng trở thành một người vợ nhưng họ không để tôi đi. Họ nói với tôi rằng tôi không được phát biểu gì trong vấn đề này. Một trong số họ nói rằng tất cả sự sắp xếp này đều đã có được sự đồng ý của gia đình tôi”, Sinama nhớ lại.

 

Sinama cho biết cô đã nói với người dì về việc ông chồng bắt cô quan hệ tình dục nhưng cô được trả  lời rằng một cuộc hôn nhân thất bại sẽ là  điều hổ thẹn của gia đình. Cuối cùng Sinam đã bỏ chạy sau khi phát hiện chồng cô dương tính với HIV.

 

Sinama cũng giống như nhiều cô bé khác ở tỉnh Eastern Cape của Nam Phi, là nạn nhân của “ukuthwalwa” - một phong tục của người dân tộc Xhosa. Theo đó, những cô gái sẽ bị bắt cóc để về làm vợ.

 

Hoàng tử Xhanti Sigcawu, một thành viên của gia đình quý tộc Xhosa lên tiếng bảo vệ hủ tục trên.

 

“Ukuthwalwa giống như tất cả các phong tục khác của chúng tôi và nó đóng một phần quan trọng trong đời sống của chúng tôi”.

 

“Phong tục đó không phải là điều sai trái với thông lệ nếu nó được thực hiện đúng cách. Đó là khi các cô gái bị bắt khi đã đủ tuổi còn các bậc phụ huynh thì tham gia và đồng ý”.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, có cả những cô bé mới chỉ 11 tuổi cũng bị bắt phải kết hôn và ngày càng nhiều người lên tiếng đòi hủ tục này phải bị cấm.

 

“Giống như một nô lệ”

 

Sinama và cậu con trai 2 tuổi của cô hiện đang được chăm sóc ở trung tâm chăm sóc trẻ em Palmerton, gần Lusikisiki, cách Durban về phía nam khoảng 200km.

 

Trung tâm này vốn là  nơi mở ra để đón những đứa trẻ mồ côi và bị lạm dụng nhưng giờ đây nó cũng mở cửa cho các nạn nhân bị bắt cóc sau lời kêu gọi từ những cộng đồng khác nhau.

 

12 trong số 100 đứa trẻ ở trung tâm là nạn nhân của nạn nhân của các vụ bắt cóc. Họ đã sống ở trung tâm từ đầu năm nay.

 

Nangamso Gezana, 15 tuổi, cho biết cô bị bắt cóc hồi tháng 5 ở Lusikisiki và bị đưa tới Rustenburg. Ở đó, cô và  người chồng mới sống trong cái lều trong 1 tháng.

 

“Tôi cũng không biết đã bao nhiều lần tôi nghĩ đến chuyện tự tử”, Gezana nhớ lại.

 

“Tôi giống như một nô lệ, nấu nướng và dọn dẹp cho một người đàn ông mà tôi chưa bao giờ muốn. Kẻ đó đã làm những điều tồi tệ với tôi và sẽ không dừng lại kể cả khi tôi bật khóc…

 

Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực cả Sinama và Gezana đã trốn thoát khỏi tay bọn bắt cóc với sự giúp đỡ của trung tâm Palmerton và cảnh sát.

 

“Một trong những cô giáo của tôi đã phát hiện ra tôi bị bắt cóc. Cô  ấy liên lạc với tôi khi tôi đang ở Rustenburg và hỏi tôi xem tôi có muốn trở về nhà hay không. Sau khi thông báo với trung tâm, họ sắp xếp cho cảnh sát Eastern Cape đến bắt tôi về đồn ở Rustenburg”, Gezana cho hay.

 

Vấn đề của cảnh sát

 

Phong tục bắt cóc  ép cưới vẫn phổ biến ở một số khu vực nhưng cũng có nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau.

 

Mặc dù giới quý  tộc Xhosa đứng ra bảo vệ nó nhưng nhiều nhà  lãnh đạo của Nam Phi cho biết hủ tục lạc hậu đó không nên được khuyến khích. “Nó đã trở nên sai trái bởi những kẻ tham lam lợi dụng. Nó không có chỗ trong xã hội ngày nay”, Pathekile Holomisa, một quan chức nói.

 

Tuy nhiên, có ý kiến lại nói rằng hủ tục đó vẫn phát triển mạnh ở những khu vực nông thôn. “Nhận thức không hề thay đổi. Họ không thấy có gì sai trái với việc bắt cóc các cô gái cả”.

 

Bấp chấp những nỗ  lực của chính phủ, cảnh sát và các tổ chức phúc lợi dành cho trẻ em, hủ tục “ukuthwalwa” vẫn tiếp tục trở thành nỗi ám ảnh trong cuộc đời của nhiều phụ nữ bởi một số xã hội truyền thống. Đây là một vấn đề đau đầu của cảnh sát. 

 

“Các cộng đồng nơi hủ tục lạc hậu này được gìn giữ, người ta luôn che giấu và bảo vệ lẫn nhau, do đó, thật không dễ dàng gì để tiến hành các vụ bắt giữ”, Supt Mzukisi Fatyela, cảnh sát ở Eastern Cape tỏ ra đau đầu khi nhắc đến điều này.

 

  Hiền

Theo BBC