Tự nấu và ăn cơm bình dân: Cách chi tiêu nào tiết kiệm và hợp lý hơn?

CTV

(Dân trí) - Nhiều bạn trẻ đang phân vân giữa việc tự nấu ăn tại nhà và ăn cơm bình dân bởi không biết đâu mới là lựa chọn tiết kiệm và tối ưu hơn.

Với các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên và những người mới đi làm, việc chi tiêu sao cho hợp lý, tiết kiệm là rất quan trọng. Nhiều người trẻ cho rằng tự nấu cơm ở nhà sẽ giúp họ tiết kiệm chi phí sinh hoạt hiệu quả hơn, nhưng lại có ý kiến khác ủng hộ việc ăn cơm tại các quán cơm bình dân để tiết kiệm. Vậy đâu là giải pháp tối ưu hơn?

Cơm bình dân có thực sự rẻ?

Bạn Nguyễn Hữu Quyết - một lập trình viên đang làm việc và sinh sống tại Hà Nội thường xuyên ăn cơm bình dân bởi bạn cho rằng đây là lựa chọn vừa tiết kiệm lại vừa tiện lợi hơn.

Hữu Quyết chia sẻ: "Mình thấy ăn cơm ở quán cơm bình dân vừa tiện, vừa nhanh, lại còn tiết kiệm. Một suất cơm chỉ khoảng 15.000-20.000 đồng mà có đủ món, từ thịt đến canh. Một ngày hai bữa như vậy thì một tháng mình chỉ tốn khoảng 1.000.000-1.500.000 đồng tiền ăn bữa chính".

"Ngày nào cũng đi làm từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều đã đủ mệt mỏi rồi. Nếu về đến nhà còn bắt mình phải vào bếp nấu nướng, ăn xong phải dọn dẹp, rửa bát thì mình bị stress (căng thẳng) nặng mất", Quyết tâm sự.

Tự nấu và ăn cơm bình dân: Cách chi tiêu nào tiết kiệm và hợp lý hơn? - 1

Nhiều bạn trẻ có xu hướng ăn cơm quán để tiết kiệm chi phí và thời gian (Ảnh minh họa: Nay Sắt)

Bạn Bùi Thanh Hiền, sinh viên tại Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng lựa chọn ăn cơm quán nhưng không phải để tiết kiệm tiền mà để tiết kiệm thời gian và công sức.

Thanh Hiền nói: "Mình thấy ăn cơm quán không hề rẻ như nhiều người nói, đặc biệt khi ăn tại những quán cơm bình dân nhưng chất lượng và đảm bảo an toàn. Hàng ngày, mình vẫn lựa chọn ăn cơm quán vì mình không cần nấu nướng, không phải đau đầu để nghĩ "hôm nay nấu gì?" và cũng không cần dọn dẹp".

Hiền cũng chia sẻ rằng, bạn thường ăn các suất cơm có giá từ 40.000 đến 50.000 đồng. Một tháng Hiền sẽ phải bỏ ra khoảng 3.000.000 đồng để ăn cơm quán.

Như vậy, nếu lựa chọn những quán cơm bình dân chất lượng và ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng thì chi phí ăn tại quán cũng không hề thấp.

Tuy nhiên, do hầu hết những người chọn ăn cơm tại quán bình dân đều hướng tới mục tiêu tiết kiệm chi phí sinh hoạt nên không phải ai cũng sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền cho một bữa ăn chất lượng hơn.

Thay vào đó, họ ưu tiên những hàng quán giá rẻ, những hộp cơm chỉ từ 20.000 đồng nhưng lại không chắc rằng những thứ mình đang ăn có an toàn với sức khỏe hay không, có mang lại giá trị dinh dưỡng hay không.

Sự chi tiêu mà chúng ta cho là tiết kiệm này, liệu có thực sự tiết kiệm? Chúng ta ăn uống cho qua bữa suốt những năm tuổi trẻ và sau đó là các vấn đề sức khỏe, những căn bệnh khó chữa ập đến. Liệu sự tiết kiệm trong những năm tháng này có bù lại được sức khỏe? Đây là một câu hỏi đáng suy ngẫm.

Ăn cơm ở nhà có tiết kiệm chi phí?

Đào Hà Phương, hiện là sinh viên năm cuối của một trường đại học ở Hà Nội đã duy trì thói quen nấu cơm tại nhà trong suốt bốn năm ở trọ.

Phương cho biết: "Mình cảm thấy việc tự nấu ăn không phải là một lựa chọn thực sự tiết kiệm. Thậm chí mình còn tốn nhiều tiền hơn là ăn ngoài hàng quán. Bên cạnh chi phí thực phẩm, mình phải chi trả thêm nhiều loại chi phí khác như tiền điện, tiền ga, đồ gia dụng, gia vị,…".

"Một ngày ăn "tại gia" của mình sẽ tốn khoảng 50.000-70.000 đồng. Nếu bữa nào mình muốn ăn ngon hơn thì có thể sẽ mất đến 100.000-200.000 đồng. Trung bình một tháng mình sẽ tốn khoảng 2.500.000-3.000.000 đồng cho việc ăn uống", Hà Phương nói thêm.

Khi được hỏi về lý do vì sao vẫn lựa chọn việc nấu ăn tại nhà mặc dù cách làm này không giúp bạn giảm chi phí sinh hoạt, Hà Phương cho biết: "Tự mình nấu ăn thú vị mà. Mình có thể tận hưởng thành quả nấu nướng của mình và điều đó khiến mình vui.

Hơn thế nữa, mình cảm thấy ăn uống hàng quán sẽ không đảm bảo được 100% an toàn vệ sinh thực phẩm. Mình không thể chắc chắn được nguồn nguyên liệu của họ có đảm bảo không, khâu chế biến có sạch sẽ không,… Và chắc chắn mình sẽ không đánh đổi sức khỏe của mình chỉ để tiết kiệm một vài trăm".

Tự nấu và ăn cơm bình dân: Cách chi tiêu nào tiết kiệm và hợp lý hơn? - 2
Nấu ăn tại nhà là lựa chọn an toàn cho sức khỏe hơn đối với nhiều bạn trẻ (Ảnh: Pexels)

Phạm Lan Anh (nhân viên văn phòng) chia sẻ rằng, chị cũng từng chọn ăn cơm quán để cắt giảm chi tiêu nhưng vì điều này "ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe" của chị, nên chị đã chuyển sang tự nấu cơm tại nhà hơn một năm nay.

Chị tâm sự: "Hồi trước mình cũng "chăm chỉ" ăn cơm quán lắm, đều đặn một ngày hai bữa. Thế nhưng sau một lần ăn ở quán cơm và bị ngộ độc thực phẩm, đến mức phải nhập viện thì mình nhận ra sự tiết kiệm này là một điều quá nguy hiểm. Sau đó, mình bắt đầu nấu ăn ở nhà".

Sau khi lựa chọn tự nấu ăn, chị Lan Anh nhận ra rằng "không đắt nếu mình biết cách chi tiêu".

Chị cho biết thêm: "Nếu mình mua thực phẩm tại các siêu thị lớn hay các chợ đầu mối thì giá cũng khá rẻ. Ngoài ra, mình cũng thường lên thực đơn chi tiết và đi mua đồ nấu ăn vào cuối tuần, điều này giúp mình không bị mua thừa hay phung phí. Bằng cách này, một tháng mình cũng chỉ tốn khoảng 1.000.000 - 1.200.000 đồng cho chi phí ăn uống mà thôi.

Mình luôn coi câu chuyện của mình là một bài học. Thế nên mình cũng muốn khuyên mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, khi chúng ta có thời gian và sức khỏe thì hãy trân trọng nó. Đừng vì tiết kiệm mà đánh mất sức khỏe của bản thân - vốn là thứ tài sản quý giá nhất của mỗi người".

"Ăn cơm ở nhà hay ăn cơm quán tiết kiệm hơn?" vẫn là sự lựa chọn của mỗi người. Dù lựa chọn hình thức nào, chúng ta vẫn nên đặt sức khỏe của mình lên hàng đầu. Đôi khi, tiết kiệm thời gian, tiền bạc lại chính là đang phung phí sức khỏe của mình.