Trải lòng của cô giáo trẻ gian nan ươm mầm non “đặc biệt”

(Dân trí) - Vốn dĩ nghề giáo là nghề gian nan và vất vả hơn những gì chúng ta thấy. Nhưng với tất cả niềm đam mê và nhiệt huyết, cô giáo trẻ Trần Thu Thương (hiệu trưởng trường mầm non đặc biệt Myoko) đã không ngần ngại chọn cho mình con đường gai góc chông chênh...

Nhiều người cho rằng nghề giáo là nghề nhàn nhã, thời gian rảnh rỗi nhiều, mỗi năm lại được nghỉ tận 3 tháng hè nhưng có mấy ai thấu, nghề giáo vất vả thế nào. Không chỉ đơn thuần là dạy chữ, mà còn là giáo dục hình thành nhân cách cho học sinh, chưa kể đến những giáo viên mầm non, còn kiêm luôn cả nghề...trông trẻ.

 

Nhưng gian nan nhất phải kể đến những cô giáo trông trẻ có trường hợp đặc biệt (như khuyết tật, tự kỉ, chậm khôn...), vất vả cực nhọc hết sức nhưng lại chẳng được ai biết đến.

 

Những nỗi oan Thị Kính

 

Dạy trẻ đặc biệt là bao nhiêu vất vả truân chuyên, phải những người trong nghề mới có thể thấu hết. Đó là khi những trẻ tự kỉ có hành vi bất thường, lớp học đôi khi là tiếng la khóc ầm ĩ, náo loạn, đôi khi là những “cơn bệnh” dữ dội, trẻ nhảy vào cắn cấu cô giáo và bạn bè chẳng có nguyên do. Khó khăn vất vả nhưng không ít lần bị phụ huynh hiểu sai, oan ức nhưng chẳng biết tỏ cùng ai, đành cố gắng hơn nữa để giúp các trẻ tiến bộ tự minh oan cho mình.

 

Cô giáo trẻ Trần Thu Thương cũng trải lòng những gian truân trong nghề nghiệp của mình. Cô kể có một phụ huynh người Việt Nam, làm việc bên Mỹ và đang là Tiến sỹ về giáo dục mầm non. Khi về hẳn Việt Nam, 6 tuổi mới đưa con đến trường, con chưa biết nói, chưa có những kỹ năng cơ bản nhất để tự phục vụ mình, ngày đầu đến lớp con đánh, cắn cô ...

 

Nhưng khi chị trao đổi về phương hướng giáo dục cho con, thì anh phụ huynh đó cho rằng: "Con anh còn nhỏ lắm, anh chưa muốn ép căng con, anh muốn con được thoải mái... ". Khi cô phân tích về vấn đề can thiệp càng sớm cho con càng tốt, thậm chí phải chạy đua với thời gian để giúp con can thiệp tích cực nhất thì anh phụ huynh không bằng lòng với quan điểm trên, vẫn khăng khăng cách suy nghĩ của mình là đúng.

 
Trải lòng của cô giáo trẻ gian nan ươm mầm non “đặc biệt”
Dạy học sinh bình thường đã vất vả, đưa những em nhỏ đặc biệt có thể hòa nhập với cộng đồng còn vất vả, khó khăn gấp bội.
 

Vì bản thân anh ta nghĩ mình học rộng, cũng làm môi trường liên quan đến giáo dục, cái tôi của họ lớn lắm, họ luôn nghĩ mình đúng. Nhưng vào thực tế thì họ đâu có biết gì,và tội nhất vẫn là con trẻ.

 

Cô thương đứa trẻ, vì nó đã lớn như vậy, can thiệp giờ đã là muộn mà bố mẹ bé lại có tư duy như vậy, chắc chắn không thể hợp tác để rèn con cùng với các cô.Và đúng như cô nghĩ, với mong muốn để con được thoải mái, anh phụ huynh đó lại tiếp tục cho con về học ở trường mầm non bình thường và không can thiệp.

 

Vậy là mỗi ngày trôi qua, đứa trẻ đó sẽ dần xa với cơ hội được hòa nhập cộng đồng. Cô mong rằng, nếu gia đình nào đó không may có đứa con khuyết tật, hãy bỏ qua cái tôi cá nhân, càng sớm chấp nhận vấn đề của con mình, càng sớm nhìn nhận thẳng vào sự thật để có đủ sáng suốt tìm ra con đường can thiệp cho con thì càng tốt bấy nhiêu.

 

Vì tương lai của đứa trẻ khuyết tật phụ thuộc hoàn toàn vào cách nghĩ và hành động của bố mẹ, người thân ở thời điểm hiện tại. Nếu như ông bố kia không nghĩ mình tài giỏi, thì đã lên mạng tìm hiểu thông tin nhiều hơn nữa, thì cái điều giản đơn "Trẻ tự kỷ can thiệp càng sớm càng tốt" đã được thấu hiểu, bởi câu nói đó đã xuất hiện không biết trên bao nhiêu trang báo và các diễn đàn kèm theo lời giải thích.

 

Nhưng như thế cũng chưa thể bằng nỗi oan, khi sự cố gắng để giúp các trẻ tiến bộ nhanh và nhiều hơn nữa lại được hiểu lầm rằng các cô đang gây tổn thương đến thân xác bé nhỏ của trẻ.

 

Nếu dạy trẻ theo cách thông thường các cô đã không phải mệt nhiều đến thế. Nhưng cô biết, nếu cô tận tâm vận động được cho trẻ, trẻ sẽ tiến bộ lên nhanh và nhiều hơn thế. Và dù đã rất mệt, các cô vẫn kiên trì và cố gắng giúp trẻ làm vận động.

 
Trải lòng của cô giáo trẻ gian nan ươm mầm non “đặc biệt”

Hạnh phúc của những cô giáo trẻ như cô Thương là được thấy các em phát triển bình thường như mọi đứa trẻ đồng trang lứa.
 

Và khi hạnh phúc nở hoa

 

Tự nhận là cái nghề bạc bẽo, làm dâu trăm họ, cô cũng biết không thể nào đòi hỏi tất cả phụ huynh các trẻ hiểu hết cho mình được. Có những lúc thấy buồn, thấy mệt mỏi thật, nhưng cô không vì thế mà chán nghề. Vì tình yêu thương con trẻ, vì nhiệt huyết, các cô cùng động viên nhau cố gắng.

 

Thiệt thòi trong nghề thì không thể kể hết, nhưng bù lại, các cô lại thấy rất hạnh phúc khi thấy những khoảnh khắc thật đáng yêu của các bé. Những ngày đặc biệt như 20/11, được nghe những lời chúc của các bé là hiếm hoi lắm, nhưng cũng vì thế, khi nghe một bé nào đó chúc, thì cảm giác hạnh phúc, lâng lâng vui sướng cũng như được nhân lên gấp bội. Cái cảm giác hồi hộp chờ bé nghĩ và nói ra từng từ chúc cô mới đáng yêu và đáng quý - vui mừng biết bao. Cô trân trọng những phút giây như thế.

 

Nghề của cô đôi khi có những hiểu lầm khiến trái tim đau nhói, nhưng sau tất cả, thì phụ huynh đã hiểu cô. Nghề giáo viên đặc biệt luôn được phụ huynh dành cho tình cảm cũng đặc biệt hơn nhiều.

 

Có những phụ huynh ở Huế, mấy năm trước con can thiệp ở trường và đã ra trường về Huế học, phụ huynh ra HN chơi, không điện trước mà rẽ thăm cô bất ngờ. Chỉ là rẽ qua xem tình hình cô hồi này thế nào và biếu cô lọ tôm chua vì biết cô thích ăn lắm.

 

Hay có phụ huynh ở ngay HN thôi, con học và cũng đã ra hòa nhập được hai năm.Vì cuộc sống bận rộn, cũng hai năm rồi không liên lạc với cô. Nhưng một ngày bỗng xuất hiện với chiếc bánh gato và con thì lũn tũn ôm bó hoa to che hết cả mặt để đến tặng cô. Cái cảm giác vui mừng, hạnh phúc đó có mấy người giáo viên bình thường có được?

 

Và vui mừng hơn cả, sau hai năm cô lại nhìn thấy con lớn hơn nhiều, con đã bạo dạn hơn và tíu tít nói chuyện với cô như bao trẻ bình thường khác. Hay chỉ cần những tin nhắn chúc mừng giản đơn của những phụ huynh đang cho con theo học và phụ huynh đã ra trường đã đủ làm lòng cô cảm thấy ấm áp lắm!

 

Cô biết trong sâu thẳm trái tim phụ huynh luôn nhớ về cô và dành những tình cảm đặc biệt cho mái trường. Ngần ấy thôi, cũng đã quá nhiều cho lý do để cô tiếp tục yêu nghề mình đã chọn và cố gắng trau rồi kiến thức nhiều hơn nữa để giúp nhiều trẻ hơn nữa đi đến con đường hòa nhập…

 

Nguyễn Thoa