“Tìm cán bộ già, khó đấy”

(Dân trí)- Đó là câu trả lời hóm hỉnh của Y Na Ly, một trong nhiều cán bộ 8X ở xã Đăk Blà (thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Bằng nhiệt huyết và tư duy mới, những cán bộ 8X này đã và đang làm cho đồng bào mình thay đổi nhận thức, vươn lên làm giàu.

Phải làm cho bà con tin!

 

Anh A Đăng, Chủ tịch UBND xã Đăk Blà năm nay tròn 30 tuổi, được bổ nhiệm làm chủ tịch đầu năm 2003. Còn chị Y Na Ly, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Blà phụ trách kinh tế cũng mới 29 tuổi, đảm nhiệm vị trí này từ 3 năm trước. Ngoài ra, cán bộ trong Đảng ủy và các ban, ngành của xã Đăk Blà đều rất trẻ, chủ yếu từ 20 - 25 tuổi (như A Zơ Wa, cán bộ tư pháp - hộ tịch sinh năm 1981; A Heng, cán bộ tài chính sinh năm 1980, rồi Bí thư Đoàn xã sinh năm 1982)… 

 

Lần đầu tìm đến xã Đăk Blà, tôi chặn đường một cô gái người nhỏ nhắn, ước chừng 20 tuổi ngoài hành lang để hỏi thăm phó chủ tịch xã phụ trách kinh tế. Cô gái hơi ngập ngừng một chút, hai má ửng hồng rồi nói: “Vâng, tôi là Y Na Ly, phó chủ tịch xã đây ạ”. Tôi không nghĩ đây chính là người mình cần tìm vì trông cô còn quá trẻ. Mọi câu hỏi của tôi, cô đều trả lời thấu đáo. Y Na Ly hóm hỉnh nói: “Ở xã em bây giờ tìm cán bộ già khó đấy!”. 

 

Trước câu hỏi “Vậy nhân dân có tin vào cán bộ trẻ không?”, Na Ly đáp: “Lúc đầu bà con không tin. Nhiệm vụ của chúng em là phải làm cho bà con tin. Vì vậy, chúng em chọn phương châm cầm tay chỉ việc, làm cùng với dân đến khi dân biết làm mới thôi. Chỉ cần mỗi cụm, mỗi làng có vài hộ như thế là sẽ có tác dụng rất lớn đến những bà con khác”.

 

Tốt nghiệp trung cấp tài chính - kế toán, Y Na Ly về xã làm kế toán một thời gian rồi sang làm phó chủ tịch. Y Na Ly nhớ lại: “Thú thật lúc đầu em rất sợ. Mặc dù công việc mình làm chính là ước muốn trước khi đi học. Đó là làm sao để dân mình chịu nghĩ, chịu học cách làm giàu, có ý thức vươn lên trong cuộc sống như những đồng bào khác, nhất là người Kinh quanh đây. Thật may, tất cả đã qua”. 

 

Nói về những vị lãnh đạo trẻ tuổi, một người dân tâm sự với chúng tôi: “Giờ lớp trẻ họ có học thức, họ có khát vọng, có khoa học kỹ thuật, họ biết cái nào đúng, sai nên họ nói mình ưng ngay”.

 

Cán bộ 8X chỉ đạo dân cách làm giàu

 

Nước từ thượng nguồn Ya Ly ào ào chảy về hạ lưu, đến thung lũng rộng, bằng phẳng có tên “Làng Hồ” (tức thị xã Kon Tum ngày nay) thì dừng lại lượn quanh một mảnh đất khá màu mỡ, nơi đồng bào Ba Na, Rơ Ngao, Xê Đăng sinh sống. Từ đó, dân làng gọi đoạn sông này là dòng Đăk Bla - có nghĩa là dòng sông đẹp và đặt tên làng là Đăk Blà.

Bên dòng sông với diện tích đất rộng và khá màu mỡ, ai cũng nghĩ rằng, Đăk Blà sẽ là mảnh đất mà người dân có thể vươn lên làm giàu. Nhưng, đồng bào nơi đây từ lâu vẫn giữ nguyên nếp tư duy làm đến đâu ăn hết đến đó, không phải tích lũy để dành vì…có rừng, con cái không được học hành, sau này sướng khổ ra sao thì mặc.

“Dân làng mình một năm vài tháng đói, vài tháng no là chuyện lâu nay. Nhìn sang người dân những xã khác giàu lên, mình buồn lắm. Nhưng dân mình lười làm thế, lười nghĩ thế, phải chịu thôi…”, một người già làng Kon Tu 2 nói. 

 

Nhận thấy xã Đăk Blà có lợi thế bán sơn địa, lại có dòng sông Đăk Blà lượn quanh, nước có, cỏ có, rất thuận lợi cho phát triển đàn bò, lãnh đạo xã đã quyết liệt chỉ đạo việc đẩy mạnh phát triển vật nuôi này.

 

Chủ tịch UBND xã A Đăng chia sẻ kinh nghiệm: “Tiền hỗ trợ dân của Nhà nước từ các dự án (như Dự án NIAPP-CORAID) không nhiều. Vấn đề là ngày đêm chúng tôi vận động, cầm tay chỉ việc và trực tiếp làm, bà con thấy, tin và làm theo”. 

 

Chị Y Z’Ly làng Kon Gu hào hứng “khoe”: “Mình nuôi 2 con bò do nhà nước hỗ trợ, bò đẻ được 2 con bê, mình trả nhà nước bò bố mẹ còn được hưởng 2 con bê. Từ 2 con bê đó nay đàn bò của mình đã có 6 con rồi. Tết này mình bán đi một nửa để nuôi con ăn học. Số còn lại mình cho đẻ. Trước đây mình cũng có nuôi, nhưng ít nên chỉ đủ tiền mua gạo, chẳng có tiền cho con ăn học đâu.”

 

Theo cách này, từ mấy trăm con bò, nay toàn xã Đăk Blà đã có tới gần 1.800 con. Chủ tịch A Đăng khẳng định: “Chính con bò đã giúp đột phá trong việc đưa tư duy mới vào bà con. Từ thắng lợi trong việc nuôi bò, việc triển khai trồng cao su, trồng các giống cây mới như lúa lai, mướp đắng, thanh long, cây điều, sắn cao sản hay phát triển các nghề phụ như mây, tre, dệt thổ cẩm… đều được nhân dân hưởng ứng. Đến thời điểm này, dân khao khát được làm những cái mới, có lợi nhuận mặc dù thị trường tiêu thụ đang là bài toán khó giải đối với cả chính quyền và người dân”. 

 

Anh A Đăng cũng cho biết những năm qua, Đăk Blà trồng cao su liên doanh với công ty Cao su Kon Tum, dân dù được lợi nhưng vẫn thiệt thòi. Xã đang đề nghị có chính sách hỗ trợ người dân để họ có vốn trồng cao su. Trong thời gian chờ thu hoạch cao su, dân vẫn trồng được các loại cây ngắn ngày khác cho thu nhập. Hiện xã đang có 320 ha cao su, trong đó có 270 ha đang khai thác mủ. Chính quyền xã ra quyết tâm trong năm nay toàn xã sẽ có 500 ha cao su. 

 

“Đồng bào bây giờ coi cây cao su là cây làm giàu, ai cũng cố gắng trồng được nhiều cao su. Vì thế, sẽ không còn tư tưởng là vay tiền Nhà nước làm sau đó bỏ mặc ra sao thì ra”. Và điều lớn lao mà vị chủ tịch 30 tuổi tự hào đó là đồng bào mình đã biết cách làm giàu. 

 

Không chỉ thay đổi tư duy làm kinh tế, dưới sự dẫn dắt của những cán bộ trẻ, người dân Đăk Blà còn chú trọng đến bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Theo Phó chủ tịch xã Y Na Ly, toàn xã có 13 thôn, thì nay đã có 10 thôn làm được nhà Rông với kinh phí trên dưới 200 triệu đồng/cái được dân đóng góp hoàn toàn. Năm 2008 này, các cán bộ 8X sẽ vận động làm nốt 3 thôn còn lại.

 

Đại Hòa