Tiểu thư thời nay

(Dân trí) - Người xưa gọi con gái nhà quyền quý là tiểu thư. Các cô ở nơi kín cổng cao tường, sống trong nhung lụa, kẻ hầu người hạ. Nhưng bây giờ cũng có nhiều cô con nhà “phó thường dân” lại được nuôi dưỡng với mong muốn trở thành... “quý tộc”.

Gia đình không phải giàu có vẫn nuôi con theo kiểu “tiểu thư”

Một gia đình có nghề bán phở “gia truyền” ở phố Bát Đàn nhưng có lẽ cái nghề của ông cha chỉ truyền đến đây là hết nên họ cho Thu Phương - cô con gái rượu sống biệt lập ở tầng ba, không liên quan gì đến hàng phở. Hàng ngày đến giờ đi học, Phương bước từng bước đài các từ trên gác xuống, ngồi trên chiếc xa ga trắng ngà phóng từ trong nhà ra trường. Trưa về đến nhà, “ô-sin” đã đỡ vội cái xe để cô chủ mang cặp sách đi thẳng lên gác.

Từ đó đến tối cô như con gái cấm cung cứ ru rú ở tầng trên, chỉ biết các thầy cô giáo đến dạy thêm cứ hết thầy này đi xuống lại đến cô kia đi lên. Bố mẹ Phương khuyến khích cô không phải động tay vào bất cứ việc gì trong nhà, cứ học cho giỏi, tốt nghiệp phổ thông, thích nước nào bố mẹ cho đi du học nước ấy. Có lẽ họ nghĩ rằng đời mình đã vất vả suốt ngày tay dao tay thớt thì đời con gái nhất thiết phải thành tri thức, không được thua kém ai.

Nhưng mới lớp 11 thì cô đã yêu và vừa thi xong lớp 12 đã phải vội lấy chồng vì cái thai trong bụng đã 3 tháng. Về nhà chồng, cô không biết làm một việc gì, ngay cả những kiến thức sơ đẳng về nấu ăn cô cũng chịu. Từ khi sinh con, cô càng lúng túng không biết cách chăm con thế nào. Mẹ chồng nói ra rả suốt ngày vì phải dạy con dâu từ cách nấu canh đến là quần áo. Ông bố chồng hiền lành là thế mà cũng phải ngao ngán lắc đầu. Còn chồng cô đang đi làm tập sự ở cơ quan, phải cố gắng sao cho được tuyển dụng đã mệt bã người, về nhà lại tay năm tay mười giúp vợ cũng không xong, cảnh lục đục diễn ra như cơm bữa.

Có lẽ bây giờ anh mới ngấm đòn vì quyết tâm lấy vợ “tiểu thư”. Từ ngày họ xin ra ở riêng để thoát khỏi sự giám sát của bà mẹ chồng, cuộc sống ngày càng lủng củng. May có nhà vợ thường xuyên hỗ trợ kinh tế, cho cả tiền thuê người giúp việc nhưng cách cư xử của Phương với chồng chẳng khác nào một anh hầu. Bởi vì từ bé cô chỉ biết được mọi người hầu chứ chưa hề biết hầu ai, khó đoán được cuộc hôn nhân năm ngày ba trận ấy kéo dài được bao lâu nữa?

Giấc mộng tiểu thư đầy cám dỗ

Thế nhưng giấc mộng tiểu thư vẫn có sức cám dỗ nhiều cô gái con nhà nghèo. Có cô nói chuyện với ai cũng khoe dòng dõi con nhà khá giả, bố mẹ làm to, khoe từ bé đến lớn chỉ có ăn với học, luộc quả trứng thế nào cũng không biết, con bò đẻ ra con gì cũng không hay. Sự thật thì gia đình các cô cũng mới chỉ ra thành phố lập nghiệp buôn bán hay thuê cửa hàng mặt phố. Có lẽ họ tưởng khoác cái mẽ tiểu thư vào sẽ được mọi người nể trọng.

Những tiểu thư “nửa mùa” này có khi còn ăn chơi hơi, tiêu xài mạnh tay hơn cả tiểu thư thật. Họ mua sắm quần áo, đồ trang sức đắt tiền và điểm chung lớn nhất của các “quý cô” quý tộc này là khinh những chàng trai nghèo như rác và chỉ chọn làm quen với đàn ông rủng rẻng hầu bao. Đi đâu một quãng cũng gọi tắc-xi, ăn trưa phải vào nhà hàng, khách sạn nổi tiếng… Các cô đâu biết họ dần dần trở thành những món đồ chơi cho những gã thừa tiền, thích phiêu lưu tình cảm.

Cuộc đời các cô cũng tả tơi, nhan sắc tàn tạ theo những cuộc chơi, để cuối cùng, cái vỏ tiểu thư mất đi, hiện nguyên hình con người thật rỗng tuếch, không còn chút giá trị của một cô gái bình thường.
 
 Ly Vũ