Thót tim tắm cho bệnh nhân tâm thần

(Dân trí) - Vừa dội nước lên người, nữ bệnh nhân trong trạng thái trần truồng bất thình lình ôm chặt lấy cô nữ sinh đang tắm cho mình và nhất quyết không chịu buông…

Những pha thót tim

Ngày 22/7, sau buổi chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại Việt Trì (Phú Thọ), 60 bạn trong nhóm thiện nguyện viên trẻ tiếp tục “đổ bộ” lên Trung tâm Điều dưỡng Ba Vì (Hà Nội). Tại đây các bạn Thiện nguyện viên “vật lộn” để tắm cho 416 bệnh nhân tâm thần. Đã được tôi luyện qua ngày đầu tiên, nhưng với số lượng người bệnh lớn, bệnh nặng hơn, các bạn sinh viên “đụng” phải những tình huống dù đã lường trước nhưng vẫn… hoảng.  

Thót tim tắm cho bệnh nhân tâm thần - 1
Bệnh nhân được chăm sóc rất lỹ lưỡng.

Mỗi sinh viên đều trở thành một bác sĩ tâm lý khi được giao hoàn toàn trọng trách tắm rửa cho người bệnh, chỉ “cầu cứu” bác sĩ của trại khi cần kíp. Bạn nào cũng phải phát huy hết khả năng để thuyết phục người bệnh đi tắm. Có nhiều người bệnh, phải mất nửa tiếng đồng hồ thuyết phục mới chịu đi tắm nhưng khi đã tắm rồi thì không chịu ngừng.

Bạn Nguyễn Thị Thu, ĐH Công Đoàn “đụng” phải tình huống dở khóc dở cười. Sau khi Thu thuyết phục được một nữ bệnh nhân tuổi tầm 50 đi tắm, vừa dội nước lên người, bất thình lình bệnh nhân này chồm người lên, đưa hai tay ôm chặt lấy cô nữ sinh. Quá bất ngờ, Thu hoảng hốt nhưng vẫn phải gồng mình “bế” người bệnh để không bị ngã.
 
Thót tim tắm cho bệnh nhân tâm thần - 2
Nữ "điều dưỡng" Nguyễn Thị Thu tắm cho người bệnh.

Các nữ sinh khác loay hoay chẳng biết làm thế nào với người bệnh trong cảnh trần truồng “gắn” trên người Thu. Họ định gọi bác sĩ nhưng thấy bệnh nhân chỉ... ôm thế chứ không hề có ý định tấn công nên quyết tự mình giải quyết. Họ cùng dỗ người bệnh buông ra sẽ có quần áo đẹp nhưng người bệnh không hề để ý. Thu lên tiếng: “Chị thả em ra em đi lấy bánh cho chị”, người bệnh cười rồi buông Thu ra. Hú vía, người thì ướt như chuột nhưng cô nữ sinh vẫn tươi cười tiếp tục tắm cho bệnh nhân.

Một nữ sinh khác khi nức nở khen một nữ bệnh nhân xinh và đáng yêu thì bất ngờ bị bệnh nhân này trợn mắt, đưa tay đánh vào người. Quá bất ngờ cô nữ sinh thộn người, mặt tái mét, nhưng cô không bỏ cuộc, vẫn thuyết phục thành công người bệnh đi tắm. Khi tắm xong, cô được bệnh nhân khen lại: “Sao em xinh thế nhỉ?”.
 
Thót tim tắm cho bệnh nhân tâm thần - 3
Làm vệ sinh phòng ở của người bệnh tâm thần.

Trong một tình huống khác, có hai bệnh nhân đi vào phòng tắm, các nữ sinh cùng hét lên: “Đây là nam sao bọn em tắm được”. Hoá ra, hai nữ bệnh nhân này có phần trên… phẳng lỳ nên các bạn nữ bị nhầm.

Có người bệnh khi tắm tỏ ra rất ngoan ngoãn nghe lời, chỉ chờ các bạn sinh viên bận tay một tý lập tức “trở chứng”. Bạn Tùng Sơn, ĐH Thăng Long được phen hết hồn khi vừa với tay lấy khăn lau nhìn sang đã chẳng thấy người bệnh đâu. Chàng thanh niên bị mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt đã leo tọt lên đứng trên bể nước từ lúc nào. Sơn và các bạn nam phải dùng hết sức mới đưa được người bệnh xuống.

Một người bệnh khác tắm xong, chẳng biết bằng cách nào mà lấy được một lọ dầu gội giấu trong người. Các sinh viên tá hoả đi tìm vì bác sĩ đã dặn, bất cứ đồ vật nào cũng có thể nguy hiểm đối với người bệnh. Khi lấy lọ dầu đem trả, bệnh nhân này cười: “Cái mùi này thích thật”.

Vượt qua bản ngã của mình

Tham gia chương trình tắm cho bệnh nhân tâm thần, các bạn thiện nguyện viên đã sẵn sàng một tinh thần thép mình có thể bị người bệnh tấn công. Điều quan trọng nữa là các bạn phải thật sự vượt qua bản ngã của mình, phải đồng tình với việc để cho người bệnh cáu chửi và có những hành động mà lúc bình thường không ai có thể hình dung nổi.  
 
Thót tim tắm cho bệnh nhân tâm thần - 4
 
Thót tim tắm cho bệnh nhân tâm thần - 5

“Mày nhìn gì mà nhìn?”, “Tao giết chết bây giờ”, “Thích thì mày cứ làm đi”… đó là những câu nhiều người bệnh thường nói. “Không như lúc khác, bị chửi thì phải phản bác, lúc này mình càng phải cười tươi hơn cả bình thường nữa. Lúc đầu, điều chúng em ngại nhất là hình dung đến cảnh người khác chẳng mặc gì trên người đứng trước mặt mình nhưng tự động viên mình, họ là người bệnh, họ đang cần mình để vượt qua”, Trọng, ĐH Kinh tế Quốc dân TPHCM cho hay.

Trọng nói như thế vì không chỉ tắm cho các bệnh nhân nam, các nam sinh còn phải tắm cho những bệnh nhân nữ. Có những bệnh nhân nữ bị tàn tật, già yếu không đi lại được, phải tắm tại chỗ. Biết các bạn nữ không đủ sức để đỡ người bệnh, các bạn nam vượt qua ngại ngần tắm cho bệnh nhân nữ.

 Sau khi hoàn thành một ca tắm cho nữ bệnh thân bị bại liệt, Tùng Sơn cho hay: “Lúc này mình phải vứt hết tất cả những suy nghĩ dành cho bản thân, hoàn toàn chỉ nghĩ đến người bệnh mình mới làm được”.
“Lăn lộn” với nhiều hoạt động từ thiện, ai cũng mệt, có nhiều bạn lưng còn đau buốt vì đứng lên cúi xuống liên tục. Nhưng đọng lại trong họ là những niềm vui vì thấy mình đang mang đến được điều tốt đẹp đối với những người bị mất đi cuộc sống của người bình thường.
 
Một bà cụ không ngớt lời cảm ơn các bạn sinh viên sau khi được tắm và tặng quần áo mới. Cụ nói, con cái cũng chưa một lần tắm rửa cho cụ như thế. Một anh thanh niên cảm ơn các bạn sinh viên vì “cả đời chưa bao giờ thấy mình sạch sẽ và được ăn ngon thế này”. Nhiều người bệnh không nói thành lời nhưng ánh mắt họ tràn đầy niềm vui… Đó là những điều đọng lại lớn nhất trong các bạn thiện nguyện viên.

Và hơn nữa như bạn Nguyễn Thị Thu chia sẻ: “Không chỉ làm được một điều gì đó mà đến đây để thấy rằng mình đã may mắn như thế nào khi có được cơ thể khoẻ mạnh, trí não bình thường. Sau chuyến đi này mình càng thấy quý trọng điều đó hơn”.

 
Thót tim tắm cho bệnh nhân tâm thần - 6
 
Thót tim tắm cho bệnh nhân tâm thần - 7
 

Bài và ảnh: Hoài Nam