Thiếu niên Pháp với chứng tự hành xác

(Dân trí) - “Cháu tự khứa lên cổ tay mình rất nhiều lần bằng bất kỳ mảnh sắt sắc nhọn nào. Hành động này xảy ra lần đầu vào một buổi tối, tại phòng riêng của cháu. Lúc đó cháu đang trải qua tâm trạng vô cùng tức giận và buồn chán”. Cô bé Marion 14 tuổi đã thổ lộ bí mật nguy hiểm đó với một bác sĩ tâm lý.

Dáng vẻ cũng giống như nhiều đứa trẻ cùng lứa khác, với mái tóc ngắn, mặc áo phông, quần jean và đi giày thao, nhưng Marion đang phải trải qua thời kỳ tâm lý bất ổn. Không biết giải tỏa với ai nên em đã tìm đến hành vi tự hành xác với mong muốn quên đi nỗi đau về tinh thần.

Tín ngưỡng tự hành xác khởi thủy trong những xã hội xa xưa, nó được xem như nghi lễ của một cộng đồng người nào đó nhưng ngày nay nó trở thành biểu hiện rối loạn tinh thần của thiếu niên. Ở Pháp, mức độ đã trở nên đáng báo động. 

Một mảnh băng đô quấn xung quanh cổ tay để che giấu những vết sẹo mờ, bằng giọng kể đầy vẻ tin tưởng, lần đầu tiên cô bé Marion đã nói hết những hành động dại dột của mình cho một bác sĩ tâm lý lâm sàng tại một Trung tâm y tế tâm lý giáo dục vùng Aisne. Cô bé tưởng rằng những đau đớn về thể xác sẽ giúp em tìm đến sự thư thái trong tinh thần. 

Marion không phải là trường hợp cá biệt khi mà hành động kiểu này ngày càng trở nên phổ biến ở giới thiếu niên Pháp. Việc hành xác chủ yếu được thực hiện trên cổ tay, cánh tay đôi khi là đùi và bụng. Phương tiện hiệu quả nhất cho hành vi này là một vật dụng sắc nhọn.

Theo một điều tra tâm lý thì tỷ lệ các em nam trở thành “tín đồ” của căn bệnh tinh thần này thấp hơn các em nữ. Các câu bé thích điều khiển nỗi đau theo cách hướng ngoại, bộc lộ bằng những hành động phá phách.  

“Thiếu niên là lứa tuổi yếu đuối, tâm lý dễ bị đổ vỡ. Nhưng ngày nay, giới trẻ có cái nhìn về cơ thể mình rất khác với thế hệ trước. Có một số muốn thử thách cơ thể mình, cảm thấy có nhu cầu phải xé rách hay tự làm đau mình” - bà Dominique Versini, một nhà hoạt động về quyền trẻ em ở Pháp tỏ ra lo lắng.

Trong bản báo cáo thường niên dự tính sẽ được công bố vào ngày 20/11 tới, bà Dominique tỏ ra quan ngại về “kiểu phản ứng mới” để chống chịu nỗi đau về tinh thần của thiếu niên. 

Tại Pháp người ta chưa có số liệu thống kê chính thức những thiếu niên mắc chứng bệnh tâm lý nguy hiểm này. Tuy nhiên, một cuộc điều tra sức khỏe ở đối tượng 14-20 tuổi mới đây ở Pháp đã tiết lộ 14% các cô bé và 4% các cậu bé khi được hỏi đã thừa nhận từng  thực hiện hành vi này. Còn ở Mỹ, cho đến nay đã có hơn 3 triệu nạn nhân trẻ em, ở Anh con số này chiếm 10% số ca cấp cứu phải vào viện.  

Trong buổi tiếp xúc lần đầu tiên với nhà tâm lý học lâm sàng, Marion đến cùng với mẹ. Trong khi người mẹ tỏ ra vô cùng bực tức, không ngừng tuôn ra những lời rên rỉ thì cô con gái bé nhỏ của bà đang chìm trong yên lặng, theo đuổi những suy nghĩ riêng tư, cũng có thể em cảm thấy xấu hổ.

“Marion, làm thế nào mà cháu lại có suy nghĩ thực hiện hành vi tai hại này?” Vị bác sĩ tâm lý hỏi cô bé. Marion nhớ lại: “Cháu nhìn thấy một bạn gái tự cắt da thịt mình trong sân trường. Thế là cháu chạy đến nói với bạn ý là cháu cũng sẽ làm như thế”. 

“Hiện tượng bắt chước không che phủ được bản chất thực của sự việc, đó là tâm lý không ổn định ở các em”. Vị bác sĩ tâm lý lâm sàng và thần kinh Catherine Rioult  khẳng định. Bà này đã tiến hành nghiên cứu để làm bản tổng kết về hiện tượng tự hành xác.

“Những thiếu niên này tự khắc da thịt mình để cụ thể hóa nỗi đau tinh thần không thể chịu đựng nổi. Cùng với những vết đứt, nỗi đau trở nên xác thực và các em  hi vọng cảm giác thoải mái cân bằng trở lại”, bà giải thích. 

Tuy nhiên, cô bé Marion thú nhận không hề cảm thấy khuây khỏa hay được an ủi sau khi để lại những vết khứa trên cơ thể mình. Bất chấp điều đó, em vẫn lặp đi lặp lại hành động này nhiều tháng sau.

Trong khi hành động, phẩn lớn những tín đồ của căn bệnh tự hành xác nói rằng không hề cảm thấy đau đớn. Tiếp theo đó họ rất thích nhìn thấy máu mình chảy ra. “Đó là bằng chứng về sự sống và là một hành động xua đuổi tà ma. Các em tin là mọi thứ xấu xa bị xua đuổi theo dòng máu chảy ra”, Catherine Rioult phân tích. 

H.H
Theo Lefigaro