Thế hệ trẻ Trung Quốc thất nghiệp đổ xô tìm nhà nghỉ để sống qua ngày

Việt Trinh

(Dân trí) - Những nhà nghỉ dành cho du khách ba lô với mức giá vài USD/đêm tại Trung Quốc đang trở thành nơi sống của nhiều người trẻ không kiếm được việc làm.

Trong một khu nhà nghỉ cho thanh niên ở trung tâm Thượng Hải (Trung Quốc), giữa tiếng ồn nhè nhẹ của máy sấy tóc, tiếng kêu của máy xay sinh tố và mùi thơm của mỳ ăn liền bay thoang thoảng, Ethan Yi (23 tuổi, đến từ Hồ Nam, Trung Quốc) đang suy ngẫm về tình hình thế giới. 

"Tại sao tôi - một sinh viên tốt nghiệp đại học - không thể tìm được việc làm? Tại sao chỉ có những công việc lương thấp khoảng 400 USD (khoảng 9,7 triệu đồng) mới muốn tuyển dụng tôi? Đôi khi tôi tự hỏi: Tại sao tôi lại cảm thấy khó khăn đến vậy?", Ethan Yi than phiền sau một ngày phỏng vấn việc làm thất bại.

Đây là những câu hỏi đang được đặt ra tại các nhà nghỉ khắp đất nước tỷ dân. Khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đạt mức kỷ lục, những nhà nghỉ trở thành nơi trú ẩn cho người trẻ đang thử sức ở các thành phố lớn.

Thế hệ trẻ Trung Quốc thất nghiệp đổ xô tìm nhà nghỉ để sống qua ngày - 1
Điểm dừng chân của những người trẻ thất nghiệp là các nhà nghỉ giá rẻ (Ảnh: The New York Times).

Nơi chứa đựng niềm lo lắng, tuyệt vọng và hoài bão của người trẻ

Để có nơi nghỉ ngơi sau những buổi phỏng vấn liên tiếp, nhà nghỉ là điểm dừng chân của giới trẻ Trung Quốc. Không đơn thuần là nơi ở, những chiếc giường tầng có giá thuê chỉ vài USD mỗi đêm còn đem theo cả nỗi lo lắng, hy vọng, tuyệt vọng và hoài bão của những người trẻ thất nghiệp tại quốc gia tỷ dân.

Khi được hỏi về những gì Yi đã làm tại nhà nghỉ, anh trả lời: "Tôi suy nghĩ về cuộc sống".

Thế hệ trẻ Trung Quốc thất nghiệp đổ xô tìm nhà nghỉ để sống qua ngày - 2
Sau một ngày phỏng vấn việc làm liên tục, những chiếc giường tầng có giá thuê vài USD/đêm là nơi các bạn trẻ tại thành phố Thượng Hải nghỉ ngơi (Ảnh: The New York Times).

Nhiều bạn trẻ đến Thượng Hải với hy vọng lớn lao. Khi mới đặt chân đến thành phố này, Ethan Yi cảm thấy vui mừng và phấn khích khi thấy không ít người nước ngoài. Bởi anh muốn làm việc trong lĩnh vực thương mại quốc tế hoặc phiên dịch.

Vì thế, chàng trai 23 tuổi đã sắp xếp một số buổi phỏng vấn trong tuần và dành các ngày cuối tuần để tham quan thành phố. Vào buổi tối, anh trở lại căn phòng mà anh ở cùng 3 người khác với giá 13 USD/đêm (316.000 đồng).

Nhưng đến tuần sau đó, Yi trở nên chán chường và kiệt sức. Buổi phỏng vấn của anh tại một công ty mới thành lập đã kết thúc chỉ sau vài phút ngắn ngủi. Vài tiếng sau đó, anh nhận được thông báo từ chối từ một công ty khác.

Mục tiêu của chàng trai là có công việc với mức lương trong khoảng 950 USD (23 triệu đồng) mỗi tháng, cao hơn mức trung bình tại Thượng Hải.

"Bây giờ, tôi cảm thấy khá lạc lõng. Bố tôi nói rằng, hãy tiếp tục tìm kiếm. Nhưng thật lòng mà nói, vấn đề tiền bạc làm tôi khá đau đầu, thế nên thời gian của tôi cũng có hạn", Ethan Yi cho hay.

Thuê các nhà nghỉ giá rẻ là yếu tố cần thiết khi "chiến đấu" trong thị trường lao động văn phòng siêu cạnh tranh tại Trung Quốc. Khi nền kinh tế giảm tốc, sự cạnh tranh việc làm trở nên gay gắt hơn.

Thế hệ trẻ Trung Quốc thất nghiệp đổ xô tìm nhà nghỉ để sống qua ngày - 3
Sau những ngày phỏng vấn liên tục mà không đạt kết quả, nhiều thanh niên Trung Quốc cảm thấy mệt mỏi và bất lực (Ảnh: The New York Times).

Thị trường lao động siêu cạnh tranh

Theo The New York Times, tỷ lệ thất nghiệp của những người 16-24 tuổi ở khu vực đô thị đã tăng lên mức kỷ lục 21,3% vào tháng 6. Không chỉ vậy, một số thanh niên tìm được việc làm bị trả lương thấp đến mức không đủ khả năng đặt cọc cho hợp đồng thuê nhà dài hạn.

Cạnh tranh tìm việc làm đã đặt gánh nặng lên Zhi Yanran. Sau khi thực hiện 5 buổi phỏng vấn chỉ trong 2 ngày, cô cảm thấy bị tụt hậu so với các bạn cùng lớp tại trường đại học khi họ đã xin việc từ lâu, còn cô dành 2 tháng để nghỉ ngơi sau khi tốt nghiệp.

Zhi Yanran cảm thấy hài lòng với căn phòng 5 người mà cô mất chưa đến 11 USD/đêm (khoảng 267.000 đồng) để thuê. Tuy nhiên, nhà nghỉ không nhộn nhịp như Zhi mong đợi, những người bạn cùng phòng của cô đều dùng điện thoại hoặc máy tính trong im lặng tại các khu vực làm việc cá nhân.

Thế hệ trẻ Trung Quốc thất nghiệp đổ xô tìm nhà nghỉ để sống qua ngày - 4
Tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ ở khu vực đô thị Trung Quốc đạt mức kỷ lục vào tháng 6 (Ảnh: The New York Times).

Những sinh viên mới tốt nghiệp không phải đối tượng duy nhất gặp khó khăn. Kris Zhang (30 tuổi) từng làm việc tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) với tư cách là lập trình viên máy tính được trả lương cao tại Alibaba - gã khổng lồ công nghệ xứ Trung. Tuy nhiên, vào đầu năm nay, anh chính thức bị sa thải.

Sau khi bị đuổi việc, Zhang muốn ở lại Hàng Châu - nơi anh mua một căn nhà và chiếc xe hơi Audi. Tuy vậy, anh không thể tìm việc làm có mức lương đủ cao để anh trả khoản vay thế chấp trị giá hơn 27.000 USD (khoảng 656 triệu đồng) tại thành phố này.

Vì thế, vào tuần trước, Kris Zhang miễn cưỡng chấp nhận một công việc tại Thượng Hải, trong khi tiếp tục tìm kiếm các cơ hội ở Hàng Châu.

"Trước đây, tôi có thể nhắm mắt mà vẫn tìm được hàng chục công việc. Tuy nhiên, tình hình hiện tại khó khăn hơn nhiều", Kris Zhang thừa nhận.