Thăm cửa hàng của các bạn trẻ nhiễm chất độc da cam

(Dân trí) - Cửa hàng bày bán những chiếc vòng cổ, vòng tay lung linh màu sắc, những chiếc dây móc chìa khóa, dây móc điện thoại xinh xắn, dễ thương. Nhân viên của ở đây là hơn chục bạn trẻ bị câm, bị bại não, thiểu năng trí tuệ... có độ tuổi từ 15 - 25.

Cửa hàng đặc biệt này là một gian hàng nhỏ đặt tại Trung tâm bảo trợ nạn nhân da cam và trẻ em bất hạnh (thuộc Hội nạn nhân da cam TP Đà Nẵng) nằm trên đường Nguyễn Như Hạnh, TP Đà Nẵng. Sản phẩm bán tại đây đều là sản phẩm của các bạn nhiễm chất độc da cam. Các bạn được chị Phan Thị Thanh, nhân viên Trung tâm bảo trợ nạn nhân da cam và trẻ em bất hạnh, dạy cho cách làm.  

Những lúc không có khách, các bạn tập trung làm các sản phẩm, còn khi có khách thì vài bạn sẽ đứng bán hàng. Tuy nhiên, cũng phải có người quản lý chứ các bạn không thể tự quản lý, bán hàng, thu tiền được.

Thăm cửa hàng của các bạn trẻ nhiễm chất độc da cam - 1
Các bạn đang làm vòng tay, vòng cổ, dây móc điện thoại... (Ảnh: Khánh Hồng)

Ấm áp, vui vẻ, thân thiện là cảm giác khi bước vào cửa hàng bán đồ lưu niệm này. Cũng bởi khách ghé mua hàng chủ yếu là các đoàn tham quan, các tổ chức, các bạn sinh viên... đến thăm những bạn nhiễm chất độc da cam. Các vị khách luôn dành cho các nhân viên cửa hàng những tình cảm trìu mến thân thương, dần dần các bạn quen với những tình cảm đó. Vì thế hễ có người đến các bạn đều nở những nụ cười, lại gần nắm tay như gặp lại những người bạn thân.

Tại Trung tâm bảo trợ nạn nhân da cam và trẻ em bất hạnh, ngoài những bạn làm ở cửa hàng lưu niệm, còn có những bạn làm nghề thuê, nghề may thủ công, nghề điện và làm nhang. Các bạn đến Trung tâm để được sinh hoạt, được làm việc, hòa nhập cộng đồng, tìm niềm vui trong cuộc sống, tối đến các em sẽ được gia đình đón về nhà.

Theo chị Thanh, việc mở cửa hàng lưu niệm chủ yếu là tạo việc làm cho các em để các em biết cách lao động chứ thu nhập không là bao. Số tiền đó sẽ góp vào quỹ đến mua thêm bánh kẹo cho các em. Mỗi chiếc vòng tay có giá từ 7 - 8.000 đồng/cái, vòng cổ từ 20 - 25.000 đồng/cái, dây móc điện thoại, dây móc chìa khóa từ 5 - 10.000 đồng/cái...

Tại Trung tâm, tùy vào khả năng của mỗi em để định hướng cho các em làm nghề gì chứ không bắt ép các em phải học nghề nọ hay nghề kia.

“Dạy cho các em nơi đây khó hơn nhiều so với những người bình thường. Để làm được chiếc vòng có khi có em làm cả ngày mới xong, nhưng làm được rồi ngày hôm sau các em lại quên mất”, chị Thanh cho hay.

Thế nhưng khi bắt tay vào việc em nào cũng rất hăng hái. Đang say sưa xâu những hạt cườm, thỉnh thoảng bạn Trang là ngước nhìn chúng tôi rồi cười. Trang đã học được 3 tháng và đến nay Trang có thể làm được tất cả các món đồ trong cửa hàng.

“Làm vòng khó nhưng mà vui”, Trang nói từng từ một một cách khó khăn.

Khánh Hồng