Nhật Bản:

Teen hư được gửi “thư yêu thương”

(Dân trí) - “Những bức thư yêu thương” do cảnh sát tỉnh Iwate (Nhật Bản) gửi đến những trẻ vị thành niên phạm tội đã tỏ ra rất hữu hiệu trong việc khai thông tâm trí cho trẻ hư và khuyến khích trẻ không tái phạm.

Kể từ tháng 4 năm ngoái, đồn cảnh sát Morioka Higashi ở tỉnh Iwate đã gửi thư cho khoảng 100 thiếu niên nam nữ bị bắt giữ vì phạm tội trong khu vực mà họ giám sát. Những bức thư này do bốn nữ cảnh sát thuộc nhóm An toàn Cộng đồng viết. 

 

Để người nhận thư không cảm thấy đề phòng về những lá thư, tên của người gửi không được viết trên phong bì. Dưới mỗi bức thư đều được ký bằng dòng chữ “Thư do đồn cảnh sát Morioka Higashi gửi”.

 

Đến nay, tỷ lệ tái phạm trong những khu vực mà đồn cảnh sát Morioka Higashi giám sát giảm còn 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2007, tỷ lệ tái phạm ở đối tượng vị thành niên nam trong các khu vực thuộc kiểm soát của đồn cảnh sát Morioka Higashi giảm còn 7% so với 21% trong cùng kỳ năm 2006. Trước khi có “chiến dịch viết thư”, tỷ lệ phạm tội ở vị thành niên ở khu vực trung tâm thành phố Morioka rất cao.

 

Trong quá trình trao đổi thư từ với các teen, nhóm An toàn Cộng đồng đã nhận được thư hồi âm của một số cậu bé. Có thư viết: “Cháu rất hạnh phúc khi đọc thư. Cháu cảm động đến phát khóc”.

 

Một cô bé bị bắt giữ hồi mùa hè năm ngoái sau khi liên tục bỏ nhà đi đã gửi thư cho một nữ cảnh sát mà cô trao đổi thư từ hơn một năm nay. Cô viết rằng: “Cháu thực sự hối tiếc, sao mà trước kia cháu ngu ngốc đến thế”.

 

Lần đầu tiên, khi nữ cảnh sát gửi thư cho cô bé này vào dịp sinh nhật cô tháng 10 năm ngoái, cô bé đã hồi âm bằng một lá thư tràn ngập những lời phàn nàn về trường học và những người xung quanh cô. Cô viết rằng” “Cháu không có sức lực” và “Cháu không có ý định làm bất cứ điều gì để hiểu cảm giác của mẹ cháu”. Người nữ cảnh sát đã cảm nhận được sự cô đơn của cô bé qua những lời lẽ khó nghe của cô và tiếp tục viết thư cho cô.

 

Qua những lá thư, cô bé kể về những khó khăn của cô trong việc thích nghi với môi trường mới. Nữ cảnh sát khuyên rằng: “Khi thấy buồn hoặc khi gặp khó khăn, cháu hãy khóc cho nhẹ lòng”. Khi hai người tiếp tục thư qua thư lại, cô bé bắt đầu dùng ngôn ngữ nhẹ nhàng hơn và lịch thiệp hơn. Cuối cùng cô cũng thừa nhận là cô thực sự muốn sống với mẹ.

 

Nữ cảnh sát viết thư cho cô bé, nói rằng: “Cô cũng cảm thấy cô đơn hồi cô đi học, nhưng cô vượt qua cảm giác này vì cô được mọi người xung quanh ủng hộ”.

 

Xuân Vũ
Theo The Yomiuri Shimbun