Sinh viên “gác yêu” thời tăng giá

(Dân trí) - “Cà phê lên 8.000 rồi ạ chị?” Dù đang ngồi trước mấy người bạn gái nhưng Huy vẫn phải đánh liều... hỏi lại giá vì nghĩ bị tính nhầm cà phê thành sinh tố. Khi biết, giá tăng chứ chẳng nhầm, thiếu tiền Huy phải nhờ cô bạn mới quen “đóng góp”...

Méo mặt vì... hẹn hò

“Mày ơi, còn tiền không? Cho tao “ký” vài chục để lên Cầu Giấy?”. Tối thứ 7, trong bộ quần áo “dễ coi” nhất , Phan Tình, ĐH Kinh tế Quốc dân “ngó” vào phòng bên cạnh hỏi cậu bạn. Thế nhưng cậu bạn lắc đầu: “Tao cũng hẹn đến phòng Mai chơi. Giờ chỉ còn mấy nghìn chắc mua được cân táo. Nếu hai đứa đi chơi, chưa biết thế nào đây nữa”.

Chạy khắp xóm trọ, Tình mới vay được 50.000 đồng để “hành quân”. Cậu “cưa cẩm” một em năm thứ hai khoa văn ĐH Sư phạm nhưng đoạn trường yêu đương của Tình nghe chừng còn xa lắc xa lơ.

“Đâu phải lúc nào cũng ngồi trong phòng... uống nước lọc được. Mà cứ đi ra đường không ghé quán ăn hay hàng nước thì biết làm gì?” - Tình nói rồi méo mặt nhẩm tính: “Đi ăn lung tung, mấy món ăn “con nhà nghèo” như ốc luộc, bánh khoai giờ cũng phải mất tiền chục. Đó là chưa kể nếu như “người ta” kém thêm bạn đi cùng. Tuần một lần cũng đã đủ chết”.

Điều đơn giản nhất là hẹn hò ở quán cà phê thì cũng là “bài toán” đau đầu của nhiều sinh viên. Quán cà phê đắt tiền vốn đã không có trong “cẩm nang” của họ mà ngay đến quán cà phê bình dân nhất mà nhiều người cũng không thể gánh nổi.

Mới quen cô bạn học cùng trường, lâu lâu Huy, ĐH Thương mại lại rủ cô đi quán cà phê trước cổng trường nổi tiếng là hợp với túi tiền sinh viên. Khi đã hơi thân thân, Huy vào phòng mời cô bạn đi uống nước và “cầm lòng” mời thêm ba cô bạn cùng phòng.

Vẫn đến quán cà phê hay ngồi nhưng khi cầm phiếu thanh toán thì Huy nhăn mặt. Đang ngồi trước cô bạn gái, Huy vẫn phải làm liều: “Cà phê lên 8.000 rồi ạ chị” vì sợ bị tình nhầm cà phê sang... sinh tố. Khi biết giá đã tăng, Huy vét hết túi vẫn chẳng đủ, đành phải nhờ cô bạn mới quen “đóng góp”.

Huy than: “Sinh viên xa nhà chỉ có một khoản chi tiêu nhất định, làm gì có khoản nào dành riêng cho cà phê cà pháo. Để “gánh” nổi giá cả leo thang đã chật vật lắm rồi”.

Thôi thì... bỏ cuộc

Khi yêu hai người còn có thể cùng nhau chia sẻ khó khăn, nhưng khi đang trong giai đoạn tán tỉnh mà “anh không có tiền mời em đi uống nước” thì mặt mũi nào. Biết vậy, nhiều người bỏ cuộc... yêu.

Dù quãng đường đến chỗ ở cô bạn Sư phạm chỉ hơn 5 cây số, Phan Tình vẫn “lên lịch” thưa thưa cuối tuần mới lên chơi một lần. Thế mà cậu đã phải nhịn ăn, nhịn mặc vài ngày trước đó để chuẩn bị cho... tối thứ 7.

Đã chi ly đến mức đó mà Tình cũng... sắp đầu hàng: “Tuần một lần vài chục, mỗi tháng cũng đã mất ít trăm, đó là chưa kể những lần ngẫu hứng lên chơi, hoặc đi ăn uống quá đà. Suốt ngày đi vay tiền... tán gái, tớ thấy không ổn, biết lấy đâu mà trả. Chắc rồi tớ cũng bỏ cuộc. Yêu còn gác lại được chứ việc ăn uống, học hành biết gác lúc nào”.

Cô bạn mới Duy, HV Ngân hàng có phần tâm lý nên không bao giờ chịu ngồi quán nước, hay đi ăn cái gì đó. Nhưng vào ngồi riết trong phòng đông bạn bè cũng hết ngại. Khổ nỗi, tình cảm chưa đến đâu, không thể ra ngồi Bờ Hồ mà tâm sự “chay” được. Thế là hai người cứ lang thang trên chiếc xe Ware@ của Duy.

Lang thang cũng chẳng rẻ, khi mà giá xăng đang cao ngất ngưởng. Duy mới đổ đầy bình, lượn vài vòng là kim giật lùi đến chóng mặt. Cạn túi, chẳng dám lượn lờ, Duy cũng “vắng bóng” ở chỗ người ta. “Biết hoàn cảnh của mình khó mà tán đổ người ta nên đành vùi nén tình cảm lại” - Duy thật thà.

Huy, sau lần mời người ta và mấy cô bạn đi uống nước mà cuối cùng lại phải nhờ đến người ta “góp” cũng không còn mặt mũi nào quay lại. Cậu ngậm ngùi tự mình “chấm dứt” mối tình đã sắp về đến đích.

Huy bộc bạch “Yêu rồi thì chẳng sao, chứ đang “trồng cây si” mà điều tối thiểu ngồi quán nước không nổi thì yêu làm sao được. Mình đang thế này nhỡ có cưa đổ người ta thì cũng thương “nửa ấy” thiệt thòi quá”. Huy còn nói như tự anh ủi mình: “Sinh viên nghèo khoan đã vội tính đến chuyện yêu. Gác hết sang một bên, lo học hành, sau này ra trường quay lại... tán tiếp vậy”.

Trong thời tăng giá, không chỉ đời sống vật chất của sinh viên bị tác động mà vấn đề tình cảm cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Hoài Nam