Sex trước hôn nhân: "Mọi thứ cần trải nghiệm, tình dục cũng vậy"?

Kiều Phương

(Dân trí) - Việc hai người yêu nhau và nảy sinh quan hệ tình dục trước hôn nhân là hết sức bình thường. Thậm chí, khi yêu mà không xảy ra "chuyện ấy" thì mối quan hệ cần phải xem xét lại vì không tin tưởng nhau.

Hơn 10 năm về trước, việc quan hệ trước hôn nhân, trinh tiết được coi chủ đề cấm kỵ, nhạy cảm, ít được nhắc tới. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của xã hội, chuyện tình dục được người trẻ tiếp cận với cái nhìn "thoáng", cởi mở và bạo dạn hơn.

Sex trước hôn nhân: Mọi thứ cần trải nghiệm, tình dục cũng vậy? - 1

Tình dục là "gia vị" của tình yêu.

Trao đổi với Dân Trí, bạn Hoàng Hữu Đạt (20 tuổi, Hải Phòng) cho rằng, tình dục là một yếu tố cần có trong tình yêu. Không chỉ thỏa mãn nhu cầu về tình thần và thể xác, tình dục còn là chất xúc tác để cảm xúc thăng hoa, giúp cho đôi lứa thêm yêu thương và thấu hiểu.

"Hiện nay, việc hai người yêu nhau và nảy sinh quan hệ tình dục trước hôn nhân là hết sức bình thường, không có gì trái thuần phong mỹ tục. Thậm chí, khi yêu mà không xảy ra "chuyện ấy" thì mối quan hệ cần phải được xem xét lại, bởi có thể chưa thực sự tin tưởng nhau".

Tương tự, bạn Trần Thị Chi (sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, tình dục là một "gia vị" giúp tình yêu trở nên đằm thắm.

Sex trước hôn nhân: Mọi thứ cần trải nghiệm, tình dục cũng vậy? - 2
Theo sinh viên Trần Thị Chi, tình dục là "gia vị", là chất xúc tác để tình yêu bền chặt, thăng hoa. (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, theo nữ sinh này, vì là "gia vị" nên tình dục không "nhất thiết phải có" trong một mối quan hệ yêu đương. Cũng giống như việc có người thích ăn cay, có người không; tình dục là sự lựa chọn của mỗi người, do đó, chúng ta cần tôn trọng.

Quan niệm việc quan hệ tình dục chỉ là một bước trong mối quan hệ nam nữ như nắm tay, hôn môi hay nhu cầu sinh lý hết sức bình thường…, với Đỗ Thiên Lý (sinh viên trường Đại học RMIT), "chuyện đó" xảy ra trước hay sau ngày cưới không phải là vấn đề đáng lưu tâm.

Nữ sinh này cho rằng, thực tế hiện nay, mức độ phù hợp trong chuyện "chăn gối" cũng được coi là yếu tố quan trọng để đánh giá một cuộc hôn nhân bền vững. Khi yêu nhau, nếu ví cột mốc cuối cùng là hôn nhân, thì "sex" chính là phép thử. "Mọi thứ cần trải nghiệm, tình dục cũng vậy. Từ chối đồng nghĩa với việc tự làm mất đi cơ hội để hiểu một cuộc hôn nhân có hòa hợp hay không" - Lý nhấn mạnh.

Chữ "trinh" không còn là chuẩn mực của hạnh phúc

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có ý kiến trái chiều, cho rằng không nên ăn "trái cấm" khi mới chỉ trong quá trình yêu nhau.

"Tình dục là điều thiêng liêng, trân quý, cần được trao cho người xứng đáng. Tại sao phải vội vã lao vào nhau, để xảy ra "chuyện ấy" khi chưa thực sự có độ an toàn trong mối quan hệ?

Đặc biệt, với con gái, càng phải nói "không" với chuyện này bởi họ luôn là người chịu thiệt, đối diện với nhiều hệ lụy như: mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai… gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tương lai và sức khỏe", T.T.P. (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) thẳng thắn nhìn nhận.

Đồng quan điểm, bạn trẻ Nguyễn Phước Quý Thành (28 tuổi, TP.HCM) cho rằng "giữ gìn "chuyện ấy" đến ngày nắm tay nhau vào lễ đường là tuyệt vời nhất". Bởi, nếu thực sự yêu thương, cả hai sẽ nguyện vì nhau mà chờ đợi, chẳng vì việc không được đáp ứng nhu cầu sinh lý mà rời xa.

Sex trước hôn nhân: Mọi thứ cần trải nghiệm, tình dục cũng vậy? - 3
Nguyễn Phước Quý Thành quan niệm, dù thời đại nào, trinh tiết vẫn cần được đề cao và gìn giữ. (Ảnh: NVCC)

"Mình quan niệm, trinh tiết của một người (cả nam và nữ) đều rất quan trọng, nó đại diện cho sự kiên nhẫn trong tình yêu và sự trân trọng đối phương. Ví dụ, nếu người phụ nữ mình yêu đã đánh mất "lần đầu" trước hôn nhân cho một ai khác; dù ngoài miệng người con trai nói không sao nhưng đằng sau vẫn một phần nào đó nghĩ suy và chạnh lòng".

Trong xã hội phong kiến, trinh tiết vốn là vấn đề cực kỳ hệ trọng đối với phụ nữ Việt Nam. Theo quan niệm cũ, người phụ nữ không giữ gìn được trinh tiết sẽ bị xã hội miệt thị, thậm chí phải cắn răng chịu đựng sự hành hạ giày vò, thậm chí ruồng bỏ của người bạn đời.

Tuy nhiên, với cái nhìn cởi mở, sinh viên Trần Thị Chi cho rằng, thời kỳ trung đại với những khuôn khổ truyền thống ấy đã khép lại từ lâu. Trong cuộc sống hiện đại như ngày nay, vấn đề còn trinh hay không còn quan trọng nữa.

"Theo góc độ sinh học, màng trinh là cái màng biết… chảy máu. Màng trinh còn là chứng tỏ cô gái đó chưa từng trải qua chuyện chăn gối với ai. Nhưng ý nghĩa của nó chỉ dừng lại ở đó, chứ không thể nói lên được điều gì lớn lao như câu "chữ trinh đáng giá ngàn vàng" mà người xưa quan niệm.

Xã hội phát triển, giá trị người phụ nữ phải được đánh giá dựa trên tính cách, nhân phẩm hay sự đóng góp cho cộng đồng, chứ không còn nằm ở riêng hai từ trinh tiết".

Bạn Hoàng Hữu Đạt cũng tán thành với quan điểm này. Theo Đạt, trong tình yêu, chữ trinh không còn là chuẩn mực để đánh giá một mối quan hệ hạnh phúc; càng không thể là thước đo phẩm chất, đức hạnh cũng như nhân cách của một người phụ nữ. Tình yêu chỉ thực sự hạnh phúc khi cả hai đồng cảm, thấu hiểu, bao dung để dìu dắt nhau hướng về tương lai.

"Khi yêu một người, thay vì trinh tiết, điều mình quan tâm ở họ là tiết hạnh. Cô ấy có thể đã quan hệ lần đầu ở năm 17 tuổi (với lý do có thể chấp nhận được), nhưng luôn chung thủy với người yêu. Ngược lại, mình không thể chấp nhận một cô gái 25 tuổi vẫn "còn zin" nhưng lại hẹn hò, "thả thính" vài người cùng lúc".

Thành thật sẻ chia để yêu thương trọn vẹn

Cho rằng việc quan hệ tình dục trước hay sau hôn nhân, "hiến dâng" hay giữ gìn trinh tiết là sự lựa của mỗi người song Phạm Thị Phước Vân (25 tuổi, Đồng Tháp) bày tỏ, những người trẻ chỉ nên quyết định "đi thêm một bước" khi bản thân thực sự sẵn sàng, hiểu rõ đối phương, khi đã cân nhắc về hậu quả - kết quả, khi biết có thể chịu trách nhiệm hoàn toàn về quyết định của mình, khi chắc chắn sẽ không đổ lỗi cho người kia vì đã khiến mình làm "chuyện ấy".

Sex trước hôn nhân: Mọi thứ cần trải nghiệm, tình dục cũng vậy? - 4
Phạm Thị Phước Vân cho rằng: Người trẻ chỉ nên quyết định "đi thêm một bước" khi bản thân thực sự sẵn sàng. (Ảnh: NVCC)

"Tất nhiên, chỉ khi đã đủ 18 tuổi thì các bạn trẻ mới nên nghĩ đến chuyện tình dục trước hôn nhân. Ở ngưỡng dưới 18 tuổi, tuyệt đối không nên tò mò mà nếm thử "trái cấm" - Phước Vân nhấn mạnh.

Trong khi đó, sinh viên Đỗ Thiên Lý cho rằng, để hạn chế những hậu quả đáng tiếc xảy ra khi thực hiện hành vi tình dục trước hôn nhân, người trẻ cần tự trang bị những kiến thức cần thiết về giới tính, sinh sản; biết bảo vệ bản thân bằng các biện pháp tránh thai an toàn cũng như cách hành xử để có thể tự chịu trách nhiệm nếu lỡ "gạo nấu thành cơm".

"Quan trọng hơn cả, để tình cảm trở nên tốt đẹp, mình nghĩ cả bạn nam và bạn nữ đều cần có cái nhìn thoáng hơn về việc quan hệ tình dục, coi nó như một nhu cầu sinh lý, một gia vị để đong đầy tình yêu thay vì cứ khăng khăng đặt nặng vấn đề "lần đầu".

Tốt nhất, trước khi bắt đầu một mối quan hệ nghiêm túc, cả hai nên làm công tác tư tưởng, chia sẻ cho nhau những thắc mắc liên quan đến cuộc sống tình dục. Nếu đã đánh mất "lần đầu", hãy nên thành thật, chia sẻ và suy nghĩ có thể chấp nhận được nhau hay không; tránh việc yêu nhưng giấu giếm quá khứ, gây ra những hiểu lầm không đáng có.

Các bạn nữ cũng không nên mang trong mình cảm giác tự ti nếu bản thân đã lỡ trao "lần đầu". Đặc biệt, khi quan niệm về trinh tiết người con gái vẫn còn khắt khe thì những chàng trai yêu và đến với cô gái không còn trinh rất cần có một bản lĩnh, tự vượt qua lời ra tiếng vào của những người biết chuyện và quan trọng hơn là phải vượt qua được cảm giác của chính bản thân; để từ đó yêu thương, vun vén hạnh phúc đôi lứa".