“Phóng viên” Mỹ của Truyền hình Việt Nam

Louisa Huỳnh Thanh Thuận là người duy nhất mang quốc tịch nước ngoài (Mỹ) được “lên hình” của Đài Truyền hình Việt Nam, trong các bản tin tiếng Anh và đặc biệt là chương trình Talk Vietnam (Trò chuyện về Việt Nam) trên VTV4 và VTV1.

Sinh ra và lớn lên tại Mỹ (SN 1981 tại TP Seatle) nhưng Thuận được giáo dục trong môi trường gia đình rất Việt Nam. Ba mẹ Thuận đều là người quê gốc Sóc Trăng.

Thuận theo học đại học báo chí ở Mỹ chắc hẳn cũng vì thích nghề này?

Lúc đầu, em có thích thật. Nhưng càng theo học, càng thấy “được lên hình” là điều cực lắm mà em chỉ thích làm truyền hình thôi. Ở Mỹ, nói chung, để được lên hình, người làm báo phải trải qua rất nhiều công đoạn, ngay từ những công việc sơ đẳng nhất trong dây chuyền sản xuất chương trình, nên thu nhập thấp, có khi phải đi vay tiền để sống...

Em đã tính, học xong đại học báo chí, em sẽ theo học tiếp ngành luật để nối nghề của mẹ và anh trai, vì giữa một bên là sự cực khổ trả giá cho ước mơ nghề nghiệp và một bên là đi học tiếp, em nên đi học thì hơn...

Nghĩa là việc về Việt Nam làm việc cho VTV là nằm ngoài hình dung của Thuận?

Vâng. Tháng 5/2005, khi em vừa tốt nghiệp loại giỏi ĐH Báo chí tại New York, ngành truyền hình, được ba mẹ cho về Việt Nam du lịch cùng cậu ruột. Em được biết chú Kháng, một lãnh đạo của Ban truyền hình đối ngoại của VTV, một cách tình cờ qua một người quen của cậu em.

Chú ấy nói em gửi cho chú ấy cuộn băng hình những gì em đã làm bên Mỹ kèm theo một bản sơ yếu lý lịch. Sau đó, chú gọi em về lại Việt Nam để bàn bạc công việc... Thế là từ một năm qua, em trở thành cộng tác viên của Đài.

Công việc hàng ngày của Thuận gồm những gì?

Công việc chính của em là phóng viên và biên tập viên ở Phòng Biên tập tiếng Anh. Em hiệu đính tiếng Anh cho các bản tin hay phóng sự. Em cũng đi làm một số phóng sự quanh Hà Nội rồi. Bên cạnh đó, em cũng hiệu đính các phụ đề phim tiếng Anh và nhiều việc lớn nhỏ khác có liên quan tới tiếng Anh.

Có khi nào Thuận mang ít nhiều cảm giác “người ngoài” khi ở trong một tập thể toàn người Việt Nam thuần túy không?

Có thấy khác chút xíu (cười) nhưng không lạ gì đâu vì gia đình em bên Mỹ sống theo kiểu Việt Nam. Có điều, mọi người coi cơ quan như một gia đình, ngược hẳn ở bên Mỹ, có thể nói chuyện với nhau đủ thứ ngoài công việc nên em cũng thấy rất thoải mái.

Thuận tự thấy mức độ hài lòng của mình dành cho chương trình Talk Vietnam, chương trình trò chuyện trên truyền hình với người nước ngoài và Việt kiều đã và đang về Việt Nam sinh sống, làm ăn như thế nào?

Em rất muốn biết phản ứng của khán giả Việt Nam dành cho chương trình này thế nào. Nhưng có lẽ, đến nay số người Việt xem nó chưa nhiều nên em chưa được nghe phản hồi. Trong cơ quan, cũng có ý khen chương trình là góp phần nâng cao chất lượng của truyền hình đối ngoại Việt Nam. Còn riêng em, nói thực là em vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn so với cảm giác về khả năng làm được tốt hơn của em.

Phải chăng có những giới hạn nào đó trong bối cảnh hay cách thức làm việc?

Cũng có giới hạn trong cảm nhận của em vì nhìn chung báo chí Việt Nam rất cẩn thận. Tuy nhiên, chương trình có mục đích giới thiệu với người nước ngoài hoàn cảnh sống của người nước ngoài tại Việt Nam thông qua các cuộc trò chuyện có tính chất cá nhân hơn là cùng nói về một vấn đề nào đó nghiêm cẩn, cho nên cách trả lời khả thoái mái, không bị cứng nhắc hay nghi thức.

 Có lẽ hạn chế nhất là chưa tìm được những nhân vật gây bất ngờ cho chính người dẫn chương trình như em về sự thú vị trong các thông tin mà người đó đưa lại.

Vấn đề không nằm ở kịch bản, sự dàn dựng hay nội dung đề cập của các talk show...?

Có lẽ không hoặc có thì rất ít vì chính em được tham gia chỉnh sửa kịch bản phân cảnh và cùng gặp gỡ người được mời trò chuyện trước khi ghi hình. Em thấy chỉ qua có mấy tháng làm ở VTV, em đã học được biết bao kinh nghiệm làm truyền hình, có dễ phải bằng cả chục năm đi làm bên Mỹ.

Dự tính của em về công việc ở VTV?

Em chưa có dự tính gì lâu dài cả. Tuy nhiên, bây giờ em tự tin hơn nhiều về khả năng và kinh nghiệm làm truyền hình của mình. Em nghĩ là ngoài Việt Nam, mình có thể làm việc ở nhiều nước khác nữa, ngay cả ở Mỹ. Song trước mắt, em vẫn muốn làm được nhiều hơn và tốt hơn ở VTV, nơi đã cho em một khởi đầu sự nghiệp mà em vốn mơ ước.

Theo Thể Thao & Văn Hóa