Phan Việt và “Nước Mỹ, nước Mỹ”

(Dân trí) - “Với những người đến Mỹ từ các quốc gia khác như tôi, tám năm qua là tám năm thử thách lòng dũng cảm và sự nhẫn nại trong việc gìn giữ nhân dạng và văn hóa của mình, ... trong một thế giới vừa gia tăng xung đột, vừa ép người ta phải hội nhập”.

Nước Mỹ, Nước Mỹ là cuốn sách thứ 3 được xuất bản của nhà văn Phan Việt. Chưa phải là nhiều nhưng đọc tập truyện có thể thấy rõ, đúng như chị từng nói, Phan Việt đang bước đi rất quyết liệt và nhẫn nại trên con đường văn chương. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với chị.

Có lẽ công việc thường nhật và đời sống của một nhà văn cũng là những điều mà độc giả rất muốn biết. Công việc đầu tiên vào buổi sáng của chị là gì. Có phải là ngồi vào bàn viết văn? 

Không, thời gian này thì công việc cả ngày của tôi là luận án. Việc đầu tiên trong ngày của tôi là đến trường. 

Vậy những lúc viết văn khi trước, chị ngồi đâu để viết: thư viện, quán café, hay trong nhà? 

Tôi viết cuốn “Tiếng người” và “Nước Mỹ, nước Mỹ” ở quán café bên trong hiệu sách gần nhà vì lúc đó tôi sống ở bên bờ Đông nước Mỹ. Cuốn “Phù Phiếm Truyện” thì được viết rải rác từ lúc tôi còn ở Hà Nội và ở Nebraska, chủ yếu viết vào các buổi tối ở nhà.  
 
Phan Việt và “Nước Mỹ, nước Mỹ” - 1

Bìa cuốn sách "Nước Mỹ, Nước Mỹ" của nhà văn Phan Việt

Chị có thể kể một chút về nơi chị đang sống? 

Tôi mới về lại Chicago được 3 tháng. Cuộc sống thực ra cũng không có gì nhiều để kể với anh; có chuyện này là tôi thấy thú vị và có thể anh cũng sẽ thấy thú vị. Khi tôi ở đây 3 năm trước, khu vực Hyde Park mà tôi sống cũng chỉ là một khu dân cư trí thức không có gì nổi bật vì trường Đại học Chicago từ trước tới nay có tiếng là ít quan tâm chính trị mà chú trọng vào học thuật. Nhưng bây giờ quay lại, đi đâu cũng thấy biển hiệu đề “Obama từng ăn ở đây”, “Obama từng uống cà phê ở đây”, “Obama từng cắt tóc ở đây” hoặc “Obama đi chợ ở đây”. Nói chung là dân kinh doanh quanh khu Hyde Park thì khai thác triệt để việc hai vợ chồng ông Obama đều làm việc ở trường và sống tại Hyde Park trước khi rời đi Nhà Trắng. Nhưng cái mà tôi thấy thú vị là sự thay đổi trong thái độ của người da đen ở Hyde Park và ở Chicago. Họ giống như là một cộng đồng mới vậy. 

Một ngày chị dành mấy tiếng để viết? 

Khi tôi đang làm việc với một bản thảo thì một ngày tôi viết từ sáng đến lúc tôi thấy muốn dừng lại. Cái này thì không ngày nào giống ngày nào, có ngày viết 1 tiếng là biết ngày hôm nay coi như bỏ đi, không thể viết được; nhưng có ngày thì tôi có thể viết từ sáng đến chiều, buổi tối lại viết tiếp. 

Chị thường hay nghe nhạc gì? 

Ngày trước tôi nghe nhiều loại, thích cái gì thì nghe cái đó, pop, rock, jazz, blues, nhạc đỏ, cải lương, quan họ, opera, tiền chiến, new age, nhạc kịch; mấy năm gần đây thì nghe cổ điển là chính. Nhưng tôi cũng chỉ nghe lúc không viết thôi. Khi viết thì tôi phải nghe được giọng của nhân vật ở trong óc. 

Chị có thường xuyên đọc sách không. Chị hay đọc sách của tác giả nào? 

Có chứ, đọc hầu như hàng ngày trước khi đi ngủ, dù có khi tôi chỉ đọc một trang thôi; thích cái gì ngày hôm đó thì đọc. Thời gian này thì tôi đang đọc các tuyển tập thư của Faulkner, Flaubert, Maupassant, Philip Roth, Remarque, Dostoyevsky, sách nonfiction, Hemingway, Thoreau, Emerson, sách du lịch, truyện cười. 

Khoảnh khắc mà chị quyết định trở thành nhà văn? 

Tôi không nghĩ là có khoảnh khắc mà tôi quyết định “trở thành nhà văn”; tôi chỉ có khoảnh khắc mà tôi nhận ra rằng viết là công việc làm tôi hạnh phúc nhất, là cái thế giới mà ở trong nó tôi thấy tự nhiên nhất. Khoảnh khắc này đến sau khi tôi viết cuốn “Tiếng người”. Tôi viết cuốn đó rất vất vả, trong lúc đang viết thì ngày nào tôi cũng nghĩ thầm “trời ơi, chỉ mong viết cho xong” nhưng đến lúc viết xong rồi thì có một ngày, tôi nhận ra tôi thà vất vả trong lúc viết còn hơn là không viết.  

Viết văn có phải là công việc vất vả không? 

Vất vả, mặc dù có nhiều truyện ngắn tôi viết dễ lắm, viết chỉ một buổi sáng là xong, một ngày có thể viết mấy truyện kiểu thế; nhưng một nhà văn thì không đo mình bằng số đầu truyện và cũng không đo bằng những truyện mình viết dễ.  

Các truyện ngắn của chị thường viết một mạch hay viết lại nhiều lần? 

Với những truyện dễ thì tôi có thể viết một mạch xong ngay. Còn với những truyện khó thì trong lần đầu, tôi thường chỉ biết rõ về phần mở đầu hoặc phần kết và cái khung chung chung; còn phần giữa thì tôi phải viết đi viết lại nhiều lần.  
 
Phan Việt và “Nước Mỹ, nước Mỹ” - 2

Phan Việt: Cái mà tôi quan tâm nhiều hơn là những đổ vỡ, mất mát, những hợp và tan, chuyện lòng dũng cảm, sự nhẫn nại, nhân dạng và văn hóa, xung đột và hội nhập của những người cụ thể.

Không biết cảm giác của tôi có sai không. Nhưng trong tập truyện của chị, dù không có chữ nào nói đến suy thoái kinh tế, nhưng tôi vẫn cảm giác sự suy thoái đó phản ánh trong đời sống, hoạt động... của từng nhân vật trong truyện.  

Có chứ, trong truyện ngắn “Nước Mỹ, nước Mỹ” có chữ “nền kinh tế tiếp tục đi xuống” (cười). Nhưng anh nói đúng. Và cái mà anh cảm thấy là sự xói mòn trong đời sống tinh thần của con người mà suy thoái kinh tế là một nguyên nhân cụ thể và quan trọng nhưng không phải nguyên nhân duy nhất.
 
Ở thời điểm này, mặc dù người Mỹ có phấn khởi lên một chút vì ông Obama lên làm tổng thống nhưng trong đời sống hàng ngày thì vẫn tiếp tục là tin xấu, mà xấu nhất là thất nghiệp tiếp tục tăng vì mất việc thì mất nhà, mất xe, mất nguồn thanh toán hóa đơn hàng tháng ngay vì người Mỹ không tích trữ và cũng không dựa vào gia đình, họ hàng nhiều như người Việt Nam.
 
Giờ đi siêu thị, nhìn sinh viên đắn đo tần ngần cầm lên đặt xuống các túi thịt bò, thịt gà, bỏ đi rồi lại quay lại mua, là thấy rõ suy thoái ảnh hưởng thế nào.
 
Tôi nghĩ là trong một, hai năm tới, mọi chuyện chưa thể khá lên ngay được.

Nhân nói về ông Obama, việc ông Obama lên làm tổng thống là một sự kiện lịch sử. Chị có nghĩ là việc có mặt đúng nơi diễn ra sự kiện lịch sử là điều may mắn cho một nhà văn?

Có và không; vì tôi thuộc tạng nhà văn không quan tâm tới bản thân các sự kiện lịch sử nhiều như quan tâm tới ảnh hưởng của các sự kiện đó lên đời sống những người bình thường. Tôi có viết thế này về những sự kiện lịch sử mà tôi chứng kiến trong 8 năm qua ở Mỹ:

“Lịch sử nhìn lại khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2008 có thể sẽ chỉ thấy những nét phác chính, những biến động lớn, hoặc sẽ chỉ nhắc đến những cái tên như George Bush và Barack Obama mà khó thấy được rằng trong lúc nước Mỹ đi từ cái mốc cuộc bầu cử năm 2000 tới cuộc bầu cử năm 2008, rất nhiều người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu và dân lao động cũng như những người đến Mỹ từ các nền văn hóa khác đã không chỉ di chuyển từ đời tổng thống này sang đời tổng thống khác, từ đảng Cộng hòa sang Dân chủ, từ da trắng sang da đen, mà họ đã mất nhà, mất việc, mất vợ, mất chồng, mất cha, mất mẹ, mất sức khỏe, mất niềm tin vì khó khăn kinh tế và những hệ lụy tinh thần của nó. Nghĩa là bên trên và ở sâu dưới những sự kiện có thực của lịch sử là những đổ vỡ, mất mát, những hợp và tan trong hành trình sống hàng ngày của rất nhiều người. Với những người đến Mỹ từ các quốc gia khác như tôi, tám năm qua là tám năm thử thách lòng dũng cảm và sự nhẫn nại của họ trong việc gìn giữ nhân dạng và văn hóa của mình, bên cạnh việc bươn trải để duy trì công việc, nhà cửa, và an ninh trong một thế giới vừa một mặt gia tăng chiến tranh và xung đột sắc tộc, vừa ép người ta phải hội nhập.”

Đấy, cái mà tôi quan tâm nhiều hơn là những đổ vỡ, mất mát, những hợp và tan, chuyện lòng dũng cảm, sự nhẫn nại, nhân dạng và văn hóa, xung đột và hội nhập của những người cụ thể.

Gardnercó nói một câu đại ý: Một nhà văn tốt sẽ cho độc giả thấy những góc nhìn khác về cuộc sống. Với tập truyện ngắn mới nhất, “Nước Mỹ, Nước Mỹ”, chị muốn cho độc giả thấy điều gì?

Ừm... thực ra những gì tôi nói vào lúc này đều không đáng tin một trăm phần trăm vì nó chỉ là nhớ lại lúc tôi viết chứ nó không chính xác là lúc đó; và thực ra lúc viết, tôi cũng không nghĩ cụ thể là tôi muốn đọc giả thấy x, y, z. Tôi muốn bạn đọc hãy tin vào cảm nhận của riêng họ và tin vào cuốn sách, tin vào những gì ở trên trang sách, còn những điều tôi nói sau khi đã viết xong chỉ có tính tham khảo thôi.

Ngoài văn chương ra, chị có bao giờ nghĩ đến các loại hình khác: ví dụ như viết kịch hay kịch bản điện ảnh?

Tôi đã từng viết kịch bản rồi. Cách đây hai năm, có một lúc, tự nhiên hứng lên, tôi viết trong hai tuần xong một kịch bản phim nhựa về Hà Nội, bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, và hào hứng đến mức gửi nó đi đăng ký bản quyền ở Cục bản quyền Mỹ. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy buồn cười với những thứ rẽ nhánh bất thần này của mình khi trước. Giờ thì tôi chỉ muốn viết văn thôi.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện! 

Phạm Lê Việt