“Ô sin” trong phòng trọ

(Dân trí) - “Thu ơi, lấy hộ chị cái lược”, “Rót chị cốc nước”, “Xạc điện thoại giùm chị”… Trong nhà, mỗi người mỗi góc rất ít chuyện trò nhưng khi mấy cô chị lên tiếng thì đều mở đầu bằng “Thu ơi”.

Chuyển đến phòng trọ sống cùng ba chị sinh viên năm cuối ở đường Cống Quỳnh (quận 1, TPHCM), ngày nào Thu, tân sinh viên CĐ Phát thanh - Truyền hình 2 cũng hoa mắt chóng mặt với hàng đống việc nhà. Phòng ở bốn người nhưng mọi việc đổ lên đầu Thu tất, vì cô chuyển đến sau lại là sinh viên năm thứ nhất.
 
Ngay hôm chuyển đồ đạc đến, Thu đang bở hơi tai vì mệt thì một chị nằm trên giường tầng hai nói vọng xuống: “Em tắm à, lau luôn cái phòng tắm nghen. Lát nữa hơn 5 giờ thì xách rác xuống đổ”.
 
Ngay tối đó Thu đã được giao trọng trách nấu ăn cho cả phòng vì “bọn chị năm cuối, chuẩn bị thực tập lại còn đi làm thêm nên không có thời gian, em nấu là hợp lý nhất”. Không có phương tiện đi lại, nghĩ đến việc ngày nào cũng lội bộ cả cây số để đi chợ rồi vào bếp, Thu oải nhưng đâu dám lên tiếng, chỉ biết gật đầu cho xong. Bao nhiêu việc khác trong nhà như rửa bát, đổ rác, lấy quần áo, lau nhà vệ sinh… việc nào cũng “rơi” xuống đầu Thu.
 
“Ô sin” trong phòng trọ  - 1
Nhiều tân sinh phải ôm ấm ức phận "người giúp việc" ở chỗ trọ. (Ảnh minh họa: H.N)

Chưa hết, ba bà chị tận dụng một cách triệt để đối trượng “nhờ vả” của mình. “Thu ơi, lấy hộ chị cái lược”, “Rót chị cốc nước”, “Xạc điện thoại giùm chị”… Trong nhà, mỗi người mỗi góc ít trò chuyện nhưng ai mở miệng đều “Thu ơi”. Thu mệt mỏi: “Phòng trọ này này rẻ, lại gần trường nên em chấp nhận ở. Chẳng biết mai mốt tình hình có thay đổi không chứ giờ em thấy mình chẳng khác nào ô sin của các chị”.

Không đủ sức chịu đựng như Thu, Nhân, cô tân sinh viên ĐH Kinh tế TPHCM đã phải chuyển nhà sau một tháng sống cùng hai chị khóa trên. Lúc nào hai chị cũng luôn miệng nói Nhân sướng, em út nên gì cũng được chiều. Cũng chẳng sai, Nhân được “nhường” thật, toàn là việc chung trong phòng và cả các chị cũng biến cô thành kẻ để sai vặt.

Nấu ăn, dọn dẹp Nhân kham được nhưng cái kiểu “sai vặt” của họ làm Nhân ngán ngẩn. Cứ hôm nào Nhân giặt quần áo thì y như rằng hai bà chị đua nhau gửi nhờ. Đã vậy đến khâu phơi, từ tận 2 mang lên sân thượng tầng 5 họ cũng không ngại ngần nhờ Nhân. Chiều tối dù có về trước, hai cô chị vẫn chờ Nhân về để “nhắc”: “Em lên trần lấy quần áo xuống đi”.

Nhưng điều làm Nhân mệt mỏi nhất là suốt ngày, không kể giờ giấc, cô phải kiêm việc mở cửa phòng ra - vào cho mọi người. Việc tưởng chẳng có gì nhưng đôi lúc làm Nhân rất ấm ức. Có chị về, gõ cửa phòng thì bà chị ngồi ở dưới nhà, ngay ở cửa ra vào vẫn gọi Nhân từ gác hai xuống mở cửa vì chị đang dở tay. Nhân phải trèo từ gác hai xuống, còn cái dở tay của chị kia thì lúc đang chải tóc, lúc đang bận soi gương hay ngồi đọc sách gì đó.
 
Nhân cho hay: “Các chị ấy sai quen rồi giờ thành phản xạ, cái gì cũng gọi em. Lên tiếng thì em cũng ngại, mình mới ở quê lên lại chuyển đến sau, có ấm ức thì cũng chỉ mình biết thôi. Nên em quyết định chuyển chỗ là tốt nhất”.

Không như con gái, chủ yếu là bị sai việc vặt, các cậu sinh viên năm nhất lại bị đàn anh ở khu trọ nghĩ ra đủ cách để bắt nạt. “Ngay hôm đầu mấy anh trong khu trọ yêu cầu em và hai bạn nữa phải tổ chức lễ ra mắt. Bọn em chẳng thích nhậu nhẹt nhưng vẫn phải đi, tính ra mất nửa tháng tiền ăn. Rồi nhiều việc ở khu trọ, như thay cát bể nước, sửa trần nhà... việc gì cũng “gõ đầu” sinh viên năm nhất tụi em đầu tiên” - Hùng, ĐH Nông lâm bày tỏ.

Bắt nạt “ma mới”, chủ yếu là tân sinh viên, như cái lệ đặc quyền của những “ma cũ” ở các khu trọ. Bắt thóp được tâm lý của tân sinh viên, nhiều đàn anh đàn chị tranh thủ thể hiện “quyền uy” của mình. Đó như một luật bất thành văn được truyền từ năm này sang năm khác.

Tuấn, cậu sinh viên năm cuối ĐH Thủy lợi, có thâm niên 4 năm làm “ma cũ” cười: “Hồi mình mới nhập học cũng bị các anh chị bắt nạt chứ bộ, nên phải “bù lỗ” thôi. Cũng chỉ được một kỳ thôi, đến kỳ sau các em cũng thành “sói” rồi, đâu dễ sai nữa”.

Phan Thị Hoài Nam