Nữ thượng sĩ và nọc độc rắn hổ mèo

Trong đợt trao tặng danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” lần này có một gương mặt rất ấn tượng. Đó là cô thượng sĩ đã nghiên cứu thành công nguyên liệu để chế biến thuốc làm tan tế bào và thoái biến khối u từ... nọc độc rắn.

Nữ thượng sĩ và nọc độc rắn hổ mèo  - 1

Lê Thị Phương Thảo
 
Thượng sĩ Lê Thị Phương Thảo là sinh viên lớp Dược 10, hệ đại học của Học viện Quân y. Phương Thảo nói rằng: “Rắn hổ mèo là một trong những loại rắn rất độc. Khi bị rắn hổ mèo cắn, nạn nhân có thể bị nhiễm độc thần kinh, thậm chí phải cắt cụt chân (nếu bị cắn vào chân) và còn chịu những di chứng nặng nề. Nhưng nếu tách đi phần độc tố ấy, nọc rắn hổ mèo có thể dùng làm nguyên liệu chế tạo huyết thanh kháng độc tố. Đây là tiền đề để nghiên cứu thuốc làm tan tế bào và thoái biến khối u.

Ý nghĩa thực tiễn của đề tài này rất quan trọng nên Phương Thảo càng quyết tâm thực hiện. Những ngày làm nghiên cứu, Phương Thảo chất chồng công việc. Ban ngày Thảo đi học, chiều và những ngày nghỉ lại sang trung tâm làm nghiên cứu, tối cắm cúi ôn thi. Thảo cứ ước ao giá mà một ngày có đến 48 giờ. Và cuối cùng, đề tài “Nghiên cứu tách chiết ezyme Phospholipase A2 từ nọc rắn hổ mèo Naja siamensis” đã được trao giải xuất sắc tại Hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ các trường Y Dược Việt Nam 2008, tổ chức tại Huế.

Nổi bật vì công trình nghiên cứu, không chỉ thế Phương Thảo còn sở hữu những điều thú vị khác. Thay vì cứ 2 năm sẽ được xét thăng cấp một lần thì Phương Thảo được đặc cách chỉ một năm là lên quân hàm. Lý do của việc đặc cách này là bởi kết quả học xuất sắc. Hiện tại ở lớp chỉ có chừng vài thượng sĩ thôi, trong khi đó bạn ấy là thượng sĩ từ năm thứ 3 (giờ Phương Thảo đã là sinh viên năm thứ 6).

Trong suốt 5 năm học trước, kết quả học tập của Phương Thảo luôn đạt loại giỏi và dẫn đầu lớp. Thảo có say mê đặc biệt với môn Dược lâm sàng. Thảo nói: “Đó là những lúc có giờ semina. Sinh viên trong lớp được thầy đưa danh sách những bệnh nhân cụ thể. Các bệnh nhân này đều có kèm theo đơn thuốc của bác sĩ. Nhiệm vụ của sinh viên là làm PowerPoint, chiếu và thuyết trình trước lớp. Bọn mình phải chuẩn bị thật kỹ càng các thông tin để thuyết phục thầy cô và các bạn về đơn thuốc của mình, sự phối hợp hiệu quả của các loại thuốc, những tác dụng phụ của thuốc cần dùng. Mình thích những buổi học này, nhất là khi sinh viên phải vận dụng tối đa tư duy tổng hợp”. Việc học sẽ không bao giờ trở nên khó khăn và nhàm chán nếu bạn tìm được niềm say mê.

Thượng sĩ và niềm tự hào của mẹ

Ngày thi đại học, Phương Thảo đã trúng tuyển cả ĐH Kinh tế Quốc dân và Học viện Quân y. Thảo quyết định đi theo nghề y bắt đầu từ căn bệnh viêm đa khớp dạng thấp của bố và sự lo toan tảo tần của mẹ.

Bố bị bệnh khi Thảo đang học lớp 8. Các khớp chân và khớp tay của bố sưng to, bố gầy sọp đi khiến mọi người lo lắng. Mẹ đã đưa bố đi chạy chữa khắp nơi, nhưng chỉ đến khi chuyển từ Thái Nguyên về Hà Nội, bố Thảo mới bắt đầu bước đi trở lại. Nhưng cứ đến mỗi mùa đông, chứng viêm đa khớp dạng thấp lại hoành hành. Chân bố Thảo lại sưng to. Những lúc như thế, mẹ Thảo luôn vun vén mọi chuyện gia đình, chăm sóc chồng và không quên dặn dò chị em Thảo: “Các con hãy mang lại niềm vui cho bố bằng một kết quả học tập thật tốt để quên đi những cơn đau”.

Căn bệnh của bố và lời dặn dò của mẹ giống như một động lực để Thảo luôn bứt phá.
 
 

Lê Thị Phương Thảo: 

- Danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp Học viện trong 3 năm.
- Năm 2009 đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quân.
- Là 1 trong 8 gương mặt thanh niên tiêu biểu năm 2008 của Bộ Quốc Phòng.

- Danh hiệu “Sinh viên VN học tập và làm theo lời Bác”.
- Danh hiệu “Gương sáng sinh viên giai đoạn 2003-2008” do TƯ Đoàn trao tặng.
- Được Bộ Y tế và TƯ Đoàn tặng Bằng khen và huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo”.

 

 
Theo San Hải
Sinh Viên Việt Nam