Nữ sinh mắc chứng tự kỷ viết sách tư vấn cho trẻ em

(Dân trí) - Trong khi phải đối phó với một thách thức tiềm ẩn - căn bệnh tự kỷ, cô nữ sinh Haley Moss, 15 tuổi, vẫn hoàn thành tốt những nhiệm vụ của một học sinh. Hiện nay Haley là học sinh hạng A ở một trường tư nhân có uy tín ở bang South Florida, Mỹ.

Không những thế, Haley đã dùng những trải nghiệm của chính mình là một người mắc chứng bệnh tự kỷ để giúp đỡ những học sinh khác đối mặt với việc học ở trường. Haley đã viết và vẽ minh họa cho cuốn “Trường cấp 2: Những điều mà không ai nói cho các bạn về nó”. Trong cuốn sách này chứa đựng những lời khuyên mà Haley dành cho các bạn cùng độ tuổi. 

Nữ sinh mắc chứng tự kỷ viết sách tư vấn cho trẻ em - 1
Bị bệnh tự kỷ nhưng Haley Moss vẫn nỗ lực học tập và đặc biệt say mê vẽ tranh. (Ảnh: CNN)

“Chiến đấu” với bệnh tự kỷ từ năm 3 tuổi

Bệnh tự kỷ là một sự rối loạn phát triển làm cản trở giao tiếp và các tương tác xã hội. Chứng bệnh này thường bao gồm các hành vi lặp đi lặp lại. Chuẩn đoán ở trẻ em cho thấy căn bệnh này ngăn không cho một số em học cách nói chuyện. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết ở Mỹ, cứ trong 110 trẻ em thì có một em mắc phải chứng bệnh này.

Trường hợp của Haley được xem là người mắc chứng tự kỷ ở mức độ nặng. Tuy nhiên, cô nữ sinh này vẫn luôn tham dự các lớp học bình thường ở trường mà không cần đến các lớp học đặc biệt.

“Hầu hết mọi người chỉ nhận thấy là tôi nhút nhát và tôi không ăn nhiều thức ăn khi ở trường”, Haley nói. “Ngoài những điều đó ra, tôi đã vượt qua chứng bệnh này khá bình thường”.

Haley đã có một “lịch sử” dài chiến đấu với chứng bệnh tự kỷ. Cô bé được chuẩn đoán mắc phải căn bệnh này khi mới 3 tuổi, Haley đã không thể nói chuyện được. Haley cũng không bắt đầu nói khi lên 4 tuổi. Bố mẹ Haley đã đưa cô đi điều trị nhằm tăng cường khả năng giao tiếp bằng lời nói cho cô.

Haley hiện đã nói được trôi chảy và rành mạch. Cô cũng rất thông thạo khi phải nói trước đám đông nhưng vẫn có những vấn đề khi bắt đầu các cuộc hội thoại. Sẽ dễ dàng hơn với Haley nếu mọi người mở đầu câu chuyện trước. Haley cũng có một niềm đam mê với nghệ thuật và thích chơi game video.

Haley chia sẻ: “Tôi không biết phải nói những gì với một số bạn bè đồng trang lứa bởi tôi không thể tham gia vào các cuộc thảo luận về trang điểm, hay chuyện bạn trai dễ dàng như họ có thể nói về một vài chủ đề khác với tôi”.

Tuy nhiên, Haley cũng tin rằng căn bệnh tự kỷ của cô đã giúp ích cho cô ở trường. Haley có thể nhớ mọi thứ nhanh hơn hầu hết các bạn học cùng lớp vì vậy cô bé không mất nhiều thời gian để ôn thi. Và các bạn của Haley cũng nhờ cô cho những lời khuyên về các tình huống xã hội vì thường Haley nói khác những điều mà hầu hết mọi người sẽ nói.

Đối mặt với bệnh tự kỷ

Mẹ Haley, bà Sherry Moss, đã từng rất bối rối và buồn vì căn bệnh tự kỷ mà con gái mắc phải. Bà nhớ có lần đã đề cập đến căn bệnh của Haley với các bậc phụ huynh khác và những người này nghĩ bệnh này có thể lây lan.

Tuy vậy, gia đình Haley luôn thông báo cho các nhà quản lý trường học về căn bệnh tự kỷ của Haley. Nhưng họ vẫn giữ bí mật này với những người khác cho đến khi Haley phát huy được năng khiếu nghệ thuật của mình. Hồi năm ngoái, các bức vẽ của cô được trưng bày tại nhiều phòng triển lãm khác nhau tại bang South Florida.

Mẹ Haley kể: “Khi Haley bắt đầu trở nên nổi tiếng, tôi đã nói Đã đến lúc rồi Haley, bây giờ con phải đối mặt với căn bệnh tự kỷ và hãy để cho mọi người biết những gì chúng ta đã trải qua và mang hy vọng đến cho họ”.

Haley đã được cả trường biết đến khi giáo viên của Haley khuyến khích cô nói chuyện về căn bệnh tự kỷ tại triển lãm nghệ thuật đầu tiên của cô. Haley cũng phát biểu tại sự kiện của Hiệp hội Tự kỷ Mỹ vào năm ngoái.

Khi Haley công khai về chứng bệnh tự kỷ của mình, cả gia đình cô bé đều cảm thấy bớt căng thẳng. Haley cũng nghĩ việc bộc lộ về mình ở trường sẽ dễ dàng hơn.

“Điều đó đã giúp cho những người khác hiểu tại sao tôi nhút nhát. Nó chẳng giúp gì cho xã hội cả nhưng nó giúp những người ở trong hoàn cảnh như tôi hiểu ra tại sao tôi lại như vậy”, Haley nói. 

Phần lớn những lời khuyên của Haley trong cuốn sách do cô viết được áp dụng cho bất cứ học sinh cấp 2 nào nhưng trong đó Haley cũng viết cả những câu chuyện dành cho những đứa trẻ mắc chứng bệnh tự kỷ khác và quan điểm của các giáo viên. Ngoài ra, Haley còn nói về những trải nghiệm của riêng cô khi cô học lớp 6, 7 và 8.

Dưới đây là một vài “mách nước” của Haley dành cho những bạn trẻ bị tự kỷ giống cô:

1. Hãy tìm trợ giúp nếu bạn không hiểu điều gì đó

2. Tìm hiểu về các xu hướng để có thể bàn luận về chúng

3. Tin tưởng bố mẹ của bạn

Võ Hiền
Theo CNN