Nữ sinh “chạy đua” làm đẹp đón Tết

(Dân trí) - Bên cạnh việc mua sắp thời trang, quà cáp trước khi về quê đón Tết, nhiều nữ SV đầu tư cả khoản lớn để “tân trang” lại vẻ bên ngoài. Việc “làm đẹp cấp tốc” nhiều khi không được như ý muốn mà còn nhiều nguy cơ đến sức khỏe.

Tết phải mới, phải lạ

Được nghỉ Tết khá sớm nhưng nhiều SV “nấn ná” ở lại thêm vài ngày để “tút tát” nhan sắc trước khi về quê. So với ngày thường, lúc này nhiều bạn được “lột xác” nhờ tóc tai, da dẻ, móng tay móng chân… . Nhu cầu sửa sang để bước sang một năm mới hoàn toàn chính đáng. Nhưng với không ít cô cậu, việc làm đẹp đón Tết đôi khi “gây họa” khi vượt quá khả năng của mình hay làm đẹp “quá tay”.

Nguyễn Thị Thuận (SV trường ĐH Công nghiệp TPHCM) cho hay cô đã dốc một khoản tiền đáng kể để làm lại tóc, uốn mi… trước khi về quê đón Tết. “Em nghĩ ai cũng vậy thôi, tết nhất cũng muốn mình trông mới mẻ hơn”.

Nữ sinh “chạy đua” làm đẹp đón Tết - 1

Nhiều SV tranh thủ “tút tát” lại nhan sắc trước khi về quê ăn Tết

Thuận thừa nhận việc làm đẹp Tết trở thành áp lực với rất nhiều SV, nhiều bạn sống chết làm cho bằng được hay “chạy đua” làm ở những nơi cao cấp với các dịch vụ như làm tóc, xăm mắt, môi… mà ngày thường chẳng bao giờ dám nghĩ đến. “Có bạn còn chạy vay tiền, cầm đồ để làm đẹp nữa đấy!”, Thuận nói.

Lâu nay nhiều người vẫn hình dung, SV làm đẹp gắn liền với những nơi có giá dịch vụ thấp. Tuy nhiên, dường như ngày càng đông SV “kết” đến làm đẹp ở spa, salon lớn… không chỉ vì họ cân nhắc chất lượng mà còn để thể hiện “đẳng cấp”. Điều này dễ vượt quá túi tiền nhiều người nên buộc họ phải xoay xở làm đủ mọi cách.

Nguyệt, SV trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ kể rằng, cô bạn ở cùng phòng với mình điều kiện gia đình không mấy khả giả, hàng tháng luôn nợ tiền phòng, thiếu tiền ăn nhưng mới đây, trước khi về Tết, H như được “lột xác” vẻ ngoài nhờ mạnh tay chi tiền triệu. Nguyệt bộc bạch: “Hóa ra lâu nay H nhịn chi tiêu, ăn uống là để dồn sức làm đẹp. Bao nhiêu tiền làm thêm cũng đổ vào đó hết. Nhìn cũng được như chẳng đáng”.

Rất nhiều SV có suy nghĩ học ở thành phố, khi về quê “nhìn phải khác”. Để được nổi bật, có người còn làm đẹp quá tay, không phù hợp, có thể tạo nên hình ảnh đua đòi trong mắt người khác. Có nhiều kiểu “tân trang” ở thành phố có thể không sao nhưng về quê rất dễ bị soi xét hay làm bố mẹ rầu lòng là khi nhìn con mình… thay đổi quá nhiều.

“Môi xăm tím ngắt, tóc đỏ au, tay chân sơn xanh lè, đeo khuyên ở mũi… “, Ngọc, SV trường ĐH KHXH&NV tả về cô bạn vốn rất giản dị đang làm nhiều người trong phòng phải choáng với bộ dạng mới trước khi về quê. “Tút tát để mình đẹp hơn thì được còn đây nhìn ghê quá, chơi nổi chứ đâu phải đẹp. Chẳng hiểu thay đổi như vậy khi về quê, bố mẹ bạn ấy sẽ nghĩ thế nào nữa”.

Nữ sinh “chạy đua” làm đẹp đón Tết - 2

“Làm đẹp cấp tốc” rất khó được ưng ý.
 
Cẩn thận khi “làm đẹp cấp tốc”

Ngoài việc có thể gây “sốc” cho mọi người khi làm đẹp quá tay khi về quê ăn Tết, SV ít lường được những hiểm họa khi chạy đua làm đẹp cấp tốc vào dịp cuối năm. Sinh viên thì nóng lòng, các tiệm làm đẹp lại luôn quá tải dịp Tết nên khó tránh được sự cẩu thả.

Chị Trần Thị Phượng, chủ tiệm cắt tóc gội đầu ở Q. Gò Vấp phân tích, việc làm đẹp mà vội vàng, cẩu thả sẽ gây tác dụng ngược. Đẹp đâu chưa thấy có khi chỉ thấy tệ hơn.
 
Như khi duỗi hay làm xoăn tóc, chị Phương nhấn mạnh ủ thuốc lên đầu phải đúng thời gian như quy định, nếu sớm quá thì không có tác dụng mà để lâu sẽ rất hại tóc và da đầu. Tuy nhiên, trong những ngày Tết thì không ít khách hàng bị “bỏ mặc” hoặc làm vội vàng vì các tiệm đông khách.

“Làm đẹp những ngày cuối năm là dại dột nhất vì tiệm người ta thiếu người, quá tải nên không thể tư vấn kỹ lưỡng kiểu phù hợp hay để ý đến từng khách được. Thường mỗi nhân viên sẽ phụ trách nhiều khách cùng một lúc nên thượng đế phải chịu thiệt”, chị Phượng thẳng thắn.

Nữ sinh “chạy đua” làm đẹp đón Tết - 3

Việc dùng chung kềm cắt móng với nhiều người có thể mắc một số bệnh lây nhiễm.

Nhiều người nghĩ làm đẹp không liên quan đến sức khỏe, nhất là SV do điều kiện có hạn nên họ càng chủ quan và phó mặc hết cho các chủ quán. Nhiều bạn tìm đến dịch vụ làm nail (làm móng) dạo, hay làm ở tiệm mà không có dụng cụ riêng của mình. Bộ cắt móng được dùng chung cho cả hàng chục người tiềm ẩn rất nhiều nguy hại.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tài Dũng cho biết, ông thấy rất nhiều bạn gái đi làm móng chấp nhận dùng chung kềm với nhiều người mà không hề lo lắng. Việc sử dụng chung kềm với nhiều người mà không được khử trúng rất dễ gây viêm da, nhiễm trùng… hay lây các bệnh truyền nhiễm qua đường máu. Dù tỷ lệ rất thấp nhưng vẫn có thể có nguy cơ lây nhiễm HIV.

“Nếu các bạn làm đẹp tay chân thì nên lưu ý phải sắm riêng cho mình bộ dụng cụ làm móng để bảo vệ chính mình”, bác sĩ Dũng lưu ý.

Hoài Nam