Nỗi kinh hoàng trên xe buýt

(Dân trí) - Lợi dụng xe buýt vào giờ cao điểm đông đúc, những tên "kính đen" tha hồ “đổ” người hết sức về phía các bạn nữ. Đó là ở cấp độ nhẹ, còn không, chúng tung hoành với những trò bẩn thỉu hơn nữa.

Không ít kẻ thuộc nhóm máu “ông 35”, tranh thủ vào giờ cao điểm, chọn xe buýt để “hoạt động”. Và đối tượng chúng nhắm đến không ai khác là các bạn nữ sinh.

Nỗi sợ giờ cao điểm

Xe buýt là phương tiện thân thiết hàng ngày với nhiều bạn sinh viên nhưng cũng là nơi họ dễ bị quấy rối, “đụng chạm” nhất. Tuy sợ nhưng với nhiều bạn đó lại là phương tiện duy nhất để đến trường nên không thể tránh. Lại thêm tâm lý sợ hãi, xấu hổ nên nhiều bạn rơi vào hoàn cảnh sống chung với nỗi sợ… xe buýt.

Huệ, cô sinh viên trường ĐH Sư phạm cho biết: “Bạn bè em phần lớn đều đi xe buýt. Ít nhiều ai cũng đã một lần bị “dê” trên những tuyến xe quấy rối. Có bạn vừa kể cho bọn em nghe vừa khóc… Cứ đến giờ đi học, lúc tan trường chúng em sợ hãi vô cùng”.

Đi xe buýt, có bạn nữ đã gặp nạn nặng nề đến mức những hành vi quấy rối trên xe trở thành nỗi khiếp đảm với họ.

Bị quấy rối trên xe buýt ở “cấp độ nặng” đến mức cô bạn L.A, ĐH Kinh tế Quốc dân đã giã từ hẳn xe buýt, chấp nhận cảnh lóc cóc đạp xe hơn 15 cây số để đến trường. Vậy mà, giờ nhìn thấy cảnh chen chúc trên xe buýt, L.A vẫn không hoàn hồn.

Lần ấy, L.A đi trên tuyến 26 vào giờ tan tầm, xe kín cả chỗ đứng. Đã cố tình chen vào đứng cùng các bạn nữ nhưng rồi L.A lại bị đẩy xuống dưới, lọt thỏm giữa đám đông toàn là con trai. Chưa được một phút, cô đã thấy đằng sau mình có… “cảm giác lạ” mỗi lúc một táo tợn...

Hà, sinh viên ngành Kế toán cũng đã một lần rơi vào hoàn cảnh… “khắc cốt” không kém. Hôm đó, Hà đi trên tuyến 02. Phía sau, một cánh tay thò sâu vào… cạp quần. Đang trên xe buýt giờ cao điểm, đứng còn phải co chân chứ chưa nói việc tránh chỗ khác. Hà không dám phản ứng... Về đến nhà là Hà nằm khóc như mưa như gió.

Hà ở xa, cách trường 20 chục cây số, đi xe đạp là chuyện không tưởng nên hàng ngày cô vẫn phải sống chung với nỗi sợ hãi. Từ một cô gái yêu đời, hoạt bát Hà trở nên lo lắng, hay cáu bẳn.

Hà tâm sự: “Như phản xạ, lên xe buýt là mình cứ thót tim, phải đứng gần con trai là phát hoảng. Nhưng không phải lúc nào mình cũng tránh được”.

Hãy lên tiếng bảo vệ mình

Khi rơi vào tình cảnh này, dù biết mình là nạn nhân nhưng rất ít bạn gái dám lên tiếng vì… xấu hổ. Họ thường im lặng chịu đựng nên kẻ xấu càng có nhiều cơ hội “lấn tới”.

Như Huệ bộc bạch: “Ít bạn nào dám lên tiếng lắm, thường chỉ tránh đi chỗ khác không thì... im thin thít. Dù ai cũng muốn hét toáng lên nhưng lại… xẩu hổ”.

Huệ cũng cho biết, cô và bạn bè “đối phó” bằng cách tự trang bị cho mình như: ăn mặc kín đáo, đằng sau thì đeo ba lô, phía trước cầm chiếc ô hoặc tập sách để làm “vật cản” nhưng hiệu quả chẳng là bao.

Tuy nhiên, bên cạnh những bạn âm thầm chịu đựng cũng có không ít bạn tự đứng ra bảo vệ mình.

Tối hôm đó, những ai có mặt trên tuyến xe buýt 22 được chứng kiến một pha… đã đời. Một bạn gái nhỏ nhắn đột nhiên dùng hết sức văng một cái tát nảy lửa vào một người thanh niên vừa bước qua chỗ cô đứng. Mọi người đang ngỡ ngàng chưa hiểu chuyện gì thì cô bạn lên tiếng: “Dám sờ bụng người khác à?”. Tên kia đỏ mặt, còn bị nhiều người nói: “Đáng đời!”, lập tức “chuồn” ngay bến sau. Ai cũng phải tấm tắc khen cô bạn dũng cảm đó.

Phan Thi Ngọc, khoa Báo, ĐH KHXH&NV, Hà Nội có mặt trên tuyến xe đó hồ hởi: “Từ hôm chứng kiến hành động của cô bạn đó, mình đã xem xe buýt là… chuyện nhỏ. Mình không đủ dũng cảm đến mức “ra tay” như thế nhưng từ hôm đó bị kẻ xấu động đến người là mình lên tiếng ngay. Những tên này đều phải “co vòi” ngay lập tức. Nghĩ từ lâu mình cứ chịu đựng, thật dại dột”.

Đúng như Ngọc nói, lên tiếng để bảo vệ mình và người xung quanh chắc chắn sẽ đứng về phía các bạn, vậy tại sao lại phải im lặng? Chỉ có mình tự biết bảo vệ mình, các bạn gái mới thấy xe buýt không có gì đáng sợ.

Hoài Nam