Gặp gỡ các nhà khoa học trẻ VN lần I-2005:

Nối kết những sáng tạo Việt

Với chủ đề <a href="http://dantri.com.vn/nhipsongtre/2005/6/59896.vip">“Nối vòng tay lớn”, </a>hàng trăm nhà khoa học trẻ và các lưu học sinh VN ở nhiều nước có cuộc hội ngộ thú vị tại thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa).

Cuộc gặp gỡ kéo dài từ 13 đến 16/6/2005, do ĐH Công nghệ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội và Quỹ Giáo dục VN (VEF) tổ chức.

Bắt đầu cuộc gặp, GS Nguyễn Hữu Đức - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội - tỏ rõ sự vui mừng khi thông báo: các nhà khoa học trẻ đã mang đến đây 125 báo cáo khoa học thuộc các lĩnh vực “thời sự” nhất: công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, công nghệ sinh học - y sinh học, khoa học tự nhiên và một số ngành khoa học khác…

GS Đức “tiếp thị” luôn: “Đó là các thành tựu mới nhất về các ngành công nghệ cao mà các nhà khoa học trẻ VN trực tiếp tham gia nghiên cứu hoặc lĩnh hội được”. Ngoài ra, tại đây, bảy kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cũng được chia sẻ.

Dù các nghiên cứu đạt được kết quả ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng đọc mỗi báo cáo khoa học đều thấy toát ra sự say mê, hăng hái… tiến vào các ngành khoa học hiện đại và nóng hổi nhất.

Như tiến sĩ trẻ Bùi Thế Duy (ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ với các đồng nghiệp ý tưởng và kết quả nghiên cứu bước đầu về “chuyển động khuôn mặt cho các nhân vật ảo trên máy tính”.

Theo các nhà khoa học, đây là những nghiên cứu cơ bản nhằm tạo ra khuôn mặt ứng dụng trong xây dựng người máy, có khả năng biểu lộ tình cảm… Hay Đỗ Ngọc Minh, nhà khoa học trẻ đang công tác tại ĐH Illinois (Mỹ), mang đến những kết quả nghiên cứu xoay quanh nội dung “dựng lại các hình ảnh từ ảnh cộng hưởng từ” - một trong những lĩnh vực nghiên cứu tiên tiến hiện nay trên thế giới…

Tham gia gặp gỡ, ngoài hàng trăm nhà khoa học trẻ đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu tại VN và từ các trường đại học trên thế giới, còn có 25 lưu học sinh được nhận học bổng của VEF vừa từ Mỹ trở về VN; 26 ứng viên vừa trúng tuyển chương trình học bổng của VEF; 13 lưu học sinh VN từ các nước Anh, Đức, Thụy Điển, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Một mục tiêu lớn hơn nữa mà ban tổ chức gặp gỡ “Nối vòng tay lớn” muốn hướng đến: tạo cơ hội cho các lưu học sinh VN ở các nước hiểu biết sâu sắc hơn, gắn bó chặt chẽ hơn về thực tiễn đời sống sản xuất và nhu cầu phát triển khoa học công nghệ trong nước; nung nấu thêm niềm say mê nghiên cứu khoa học và hoài bão xây dựng đất nước.

Giáo sư, viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu thông báo một tin vui: Nhà nước vừa quyết định cấp 800 tỉ đồng (tương đương 50 triệu USD) để xây dựng cơ sở mới của ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) vào loại hiện đại bậc nhất ở VN và khu vực. “Đây sẽ là một trong những môi trường tốt nhất, tiên tiến nhất để các bạn trẻ có thể yên tâm học tập và nghiên cứu”, GS viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu cam kết.

Bộc bạch với các bạn trẻ, ông Phạm Đức Trung Kiên - giám đốc điều hành VEF của Chính phủ Mỹ  - nói: hy vọng cuộc họp mặt khoa học này sẽ là điểm khởi đầu của một vận hội mới ở VN, giúp VN phát triển khoa học và công nghệ với công sức của toàn dân Việt từ khắp nơi trên thế giới…

“Các bạn hãy hết lòng tạo nên những liên hệ mật thiết để cùng nhau góp sức phát triển đất nước, đưa VN vào một vị trí có tầm vóc lớn hơn trong khoa học toàn cầu”, ông Kiên tha thiết kêu gọi.

Theo Quốc Thanh
Tuổi Trẻ