Nỗi đau từ sự vô tình

Câu chuyện ba cô bé tuổi teen cùng nhau nhảy xuống sông tự tử rạng sáng 8/6 vẫn gây xôn xao xư luận ở thành phố Phan Thiết. Chuyện giải thoát nông nổi của những cô bé, lẽ ra đang tuổi ăn tuổi học, phần lớn bắt nguồn từ sự vô tình của cha mẹ.

 
Không nơi nương tựa

 

Anh Trương Văn Hoàng, cảnh sát khu vực phường Đức Long, thành phố Phan Thiết, hết sức buồn khi nhắc chuyện của Vân, cô bé đã không được cứu thoát trong đêm 8/6. Vân dường như không có nhà để về. Hai tuổi thì ba mẹ bỏ nhau, Vân ở với mẹ cùng cha dượng.

 

 
Nỗi đau từ sự vô tình - 1

Đừng đẩy những đứa con vào cuộc sống cô đơn, buồn tủi,
thiếu vắng sự quan tâm.

 

Ráng lắm cũng chỉ học xong lớp 6 là Vân phải nghỉ phụ mẹ kiếm tiền. Vất vả, nhưng em không có những bữa cơm lành với cha dượng. Mẹ thì tất bật buôn gánh bán bưng nên đẩy luôn Vân sang nhà dì phụ bán bánh canh. 15 tuổi, em đã có thâm niên 5 năm đi làm. Vậy mà mỗi lần về nhà là cha dượng hằn học, mẹ chì chiết chuyện em không kiếm ra nhiều tiền. Nhà mẹ, nhà dì chỉ đầu hẻm với cuối hẻm mà cứ ôm quần áo “di tản” suốt.

 

Cô đơn, Vân chỉ còn biết sẻ nỗi buồn với bốn người bạn, cũng có hoàn cảnh na ná như mình ở cùng khu phố 7. Tối đến, cả nhóm thường tụ tập tâm sự chuyện gia đình, dần dà rồi nhậu nhẹt, thường ngủ vật vờ ở vỉa hè cho đến giờ đi làm sáng mai.

 

Hôm tự tử, Vân gom hết tiền mua đồ ăn cho các bạn, than hoàn cảnh bất hạnh của mình rồi lay vai từng bạn hỏi sức khỏe. Đau lòng nhất là khóc thương em chỉ có bốn người bạn thân. Chị Đặng Thị Quý, mẹ Vân, đến lúc mọi người tát nước tìm con vẫn bồi thêm mấy câu chửi đứa con gái không biết kiếm tiền, chỉ làm khổ người khác (vì nhà nghèo còn phải thuê bạn chài lặn xuống sông tìm Vân). Ba của Vân cũng chỉ trả lời bâng quơ chuyện biết em bỏ nhà đi bụi mấy ngày, nhưng bận quá không tìm con được.

 

Cần tình yêu thương cha mẹ

 

Cũng nhóm bạn của Vân có Võ Văn Sướng gần 20 tuổi, nhà nghèo, mẹ mất sớm, cha tâm thần. Không thể xin được việc làm ổn định, Sướng luôn là thủ lĩnh của những trò quậy phá. Nguyễn Thị Ngọc Phương, sinh năm 1994, Huỳnh Thị Kim Uy, sinh năm 1992 cũng không ngoại lệ. Trò chuyện với chúng tôi, Kim Uy (cô bé được cứu thoát) cho biết mình học cao nhất trong nhóm. Hết lớp 9, Uy thôi học để đi làm công nhân tách vỏ hạt điều.  Rồi xí nghiệp hạt điều phá sản, thế là lay lất hết xuống biển cạy sò, nhặt đầu cá, phụ quán ăn, làm gì cũng được miễn cuối tháng phải có 500 ngàn đưa về nhà. Uy bảo mấy tháng nay không kiếm ra tiền vì biển chưa vào vụ, mẹ la quá nên em phải trốn… bằng cách đi bụi cùng bạn bè.

 

Phường Đức Long là một trong những phường còn nhiều hộ nghèo nhất của thành phố Phan Thiết. Đây cũng là nơi được mệnh danh “rốn” trộm cắp, tệ nạn xã hội của thành phố. Nhóm bạn Sướng, Uy… từ khi qua tuổi 12 đã nằm trong diện quản lý, giáo dục của công an phường.

 

Không chọn cách “giải thoát” như nhóm bạn Vân, Uy, Xíu… hơn 20 đứa trẻ bụi đời từ 12-17 tuổi tụ tập ở khu vực bờ kè sông Cà Ty, Phan Thiết làm thuê cho các quán nhậu, sống vất vưởng và có chung tâm trạng không muốn về nhà. Bọn trẻ này không hẳn mất cha mẹ, nhưng chúng thiếu gia đình, thiếu sự đùm bọc, yêu thương của người lớn.

 

Cu Tèo “hí” lý giải chuyện không muốn về nhà: Cứ nhìn cảnh mẹ chửi ba, ba đánh mẹ rồi hàng xóm kéo tới xem, em thấy xấu hổ. Tuổi 15 em cũng không xin được việc cho ra hồn để giảm nghe tiếng mẹ cằn nhằn: “Ăn như tàu há mồm” mà không biết kiếm tiền. Em bỏ nhà đi và nhập nhóm bạn hơn 20 đứa cùng ngán cảnh cha mẹ lúc nào cũng nheo nhéo đòi con “nộp” tiền, nhưng lại quên chuyện dạy dỗ, chăm sóc con ở cái tuổi dậy thì nhiều biến chuyển tâm lý.

 

4h ngày 8/6, ba cô gái là Nguyễn Thị Thu Vân (15 tuổi), Hồ Thị Xíu (21 tuổi) và Huỳnh Thị Kim Uy (17 tuổi) đã nhảy từ cầu Lê Hồng Phong, thành phố Phan Thiết xuống sông Cà Ty. Một người chèo thuyền thúng đã cứu được Xíu và Uy khỏi chết đuối. Ba cô gái trẻ được cho là tự tử tập thể vì buồn chán cảnh gia đình, thiếu người quan tâm.

 

 

Theo Hà Linh

Đất Việt