Những người thiếu “chỗ 14/2 cho riêng mình”

(Dân trí) - Ở nông thôn, khó mà có thể kiếm được một nơi yên tĩnh, riêng tư cho những cuộc trò chuyện của các đôi trai gái. “Không gian yêu” của họ chỉ là những bờ đê, bãi ruộng...

 
Cả làng không có... Valentine

“Thanh niên ở đâu chẳng giống nhau. Yêu thì cần không gian riêng để ở cạnh nhau” - đó là tâm sự rất thật của Vũ Văn Dững (21 tuổi ở làng X., Hoài Đức, Hà Nội) trước ngày lễ Tình yêu 14/2, bắt đầu cho những chuyện về Valentine ở nông thôn…

Trước 14/2, cả làng bắt đầu… vào vụ cấy. Tất cả được huy động ra đồng làm đất, gieo mạ, trồng màu. Bởi vậy, vào đây những ngày này, quanh làng chỉ thấy những cô thôn nữ gò mình trên luống đất, gương mặt đã che kín lấm tấm mồ hôi. Hỏi về tình yêu, cả cánh đồng mênh mông cười ồ lên, í ới gọi người này người kia nhưng không ai trả lời.
 
Những người thiếu “chỗ 14/2 cho riêng mình” - 1
Giới trẻ nông thôn đang thiếu những "không gian yêu"
như đường "Hàn Quốc" hay bến "Nhật Bản" ở trung tâm Hà Nội
(Ảnh minh hoạ)

Nhưng khi chỉ còn một mình với chúng tôi, các bạn lại rất thật với câu chuyện riêng mình. Đa phần ban ngày ai cũng đầu tắt mặt tối với ruộng đồng, buổi tối chính là thời gian để dành cho người yêu. "Ở đây thì chẳng biết đi đâu cả, nhiều lúc muốn tâm sự, nhưng ở nhà thì bất tiện, quán xá lại xa nữa nên đành tìm chỗ nào ít người để nói chuyện, làm sao khác được” - một thanh niên tên Văn tâm sự.

Chính bởi không có chỗ 14/2 cho riêng mình, hầu hết thanh niên làng tận dùng những ngày rỗi việc trước đó để có thể ở bên nhau. Đây cũng là lúc, bờ đê, đường ruộng, bãi khô quanh làng bỗng trở thành… ấm cúng. Các đôi san sát bên nhau như trên đường Thanh Niên giữa lòng Hà Nội.

Đi mỏi chân mới tìm được một quán cafe cách làng 5 cây số. Bên ngoài là tấm biển rất lớn quảng cáo món lòng bò và bún phở. Bài trí bên trong cũng rất mực sơ sài, chỉ vài chiếc ghế nhựa, cái bàn con con. Thế là thành quán cà phê - nơi lịch sự nhất làng để mời nhau đi uống nước.

Anh Nguyễn Văn Cường - chủ quán cà phê ven đê hồ hởi: “Không hiểu sao, thời gian này, nam nữ dẫn nhau ra quán nhiều lắm. Làm ăn cũng được hơn thường. Nhiều đôi vào hỏi nhưng chẳng còn chỗ để ngồi nữa”.

Thiếu chỗ "sang" để mời bạn gái, Thắng (23 tuổi) lại nảy ra ý tưởng rủ bạn gái đi sang xóm khác vặt hoa. "Đang soi đèn pin điện thoại để chọn một bông hồng cho người yêu thì đã thấy người chạy ra quát tháo ầm ĩ. Cuối cùng, hoa chưa vặt được thì dép đã rơi mất xuống mương vì phải chạy thoát thân".

Từ nhiều năm nay, cứ đến gần ngày này, Nguyễn Trọng Nam lại cùng người yêu ra… vườn cây nhà mình “canh trộm”. Không gian khi ấy chỉ là căn chòi con con, bóng điện nhỏ và vườn hoa mênh mông. Có hôm, hàng xóm đi qua, thấy hai bạn đang ngồi trong chòi liền rao chuyện khắp nơi, có người còn đơm đặt này nọ khiến bạn gái Nam xấu hổ chẳng dám ló mặt ra đường. Mới đây, bố mẹ của cô ấy lại còn đánh tiếng giục nhà Nam sang xin cưới vì sợ con gái mang điều tiếng. "Mình còn trẻ, chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình sớm, nhưng bây giờ khó nghĩ quá" - Nam tâm sự.

Yêu nhau nên phải đi tìm...

Người ta vẫn nói nhiều đến việc thanh niên thành phố thiếu không gian bên nhau nhưng ít ai quan tâm đến những bạn trẻ ở nông thôn. Chị Hoa - cán bộ hội phụ nữ xã than thở: “Những ngày ấy thấy trên tivi người ta thi nhau đưa tin xem năm nay món quà gì độc đáo, hay quảng cáo chỗ nào lịch sự để đi. Nhìn lũ trẻ làng quanh quẩn với bờ đê, bãi ruộng tôi cũng thấy chạnh lòng”.

Chị còn kể một chuyện vui thế này, có năm, chi bộ xã họp về muộn, đi qua bãi tha ma làng, chị hoảng hồn vì thấy hai bóng đen chập chờn. Định chạy nhưng khi soi đèn hóa ra là hai đứa ở làng.

Không phải người trẻ nào cũng cảm thấy "thoải mái" với những bờ đê, góc tối. Đa phần những người yêu nhau đứng đắn và nghiêm túc đều muốn có một nơi lịch sự và thoải mái để ở bên nhau những dịp kỉ niệm. Đây là một nhu cầu tự nhiên của tất cả mọi người mà đặc biệt là của các bạn trẻ nông thôn khi không gian yêu đang thiếu trầm trọng.

Đến tuổi trưởng thành, nhu cầu tìm bạn, gặp gỡ người mình yêu là chuyệnbình thường và chính đáng. Vậy mà ở nơi này hễ bước chân ra khỏi nhà là phân vân không biết phải đi đâu. Tìm được chỗ rồi lại nơm nớp ngồi lo người làng đi qua nhìn thấy lại dị nghị, rồi điều tiếng không hay.

Những quán cà phê sáng đèn dịu êm tiếng nhạc, những rạp chiếu phim, những hồ tấp nập thuyền đạp vịt dường như là một điều gì đó qua xa lạ với các bạn trẻ ở đây. Khi đời sống tinh thần của thanh niên thành phố ngày càng trở nên "cao cấp", thì ở nông thôn, những mong muốn bé nhỏ, giản dị như thế cũng khá khó khăn...
 
Lưu Sơn