Những “bà mẹ tuổi teen” mang con đi học

(Dân trí) - Đang ở tuổi cắp sách tới trường nhưng đã sớm trở thành mẹ, để giúp các em vừa nuôi con và tiếp tục học, nhiều trường cấp II, cấp III ở thành phố Harrisonburg và Rockingham (bang Virginia, Mỹ) đã mở lớp trông trẻ ngay tại trường để giúp đỡ các “bà mẹ tuổi teen”.

Cấp 1 cho đến sinh viên đều có thể vô tình... làm mẹ
 
Hình ảnh ngôi sao tuổi teen như Jamie Lynn sinh con ở tuổi 17 cùng với bộ phim kể về thời kỳ mang thai bé Juno của mình hay con gái 17 tuổi của ứng cử viên phó tổng thống Mỹ Sarah Palin cũng công khai chuyện “bầu bí” với bạn trai… đều có ảnh hướng lớn đến đời sống, tư tưởng của giới trẻ Mỹ. Nhiều người cho rằng chuyện mang thai ở tuổi vị thành niên không phải là chuyện quá nghiêm trọng đối với những gia đình giàu có hoặc nổi tiếng, nhưng với những gia đình bình thường hoặc nghèo đói khác thì sao?

Theo một thống kê mới nhất của Viện sức khỏe bang Virginia thì tốc độ mang thai ở tuổi vị thành niên ở thành phố Harrisonburg cao hơn gấp hai lần so thành phố Rockingham. Năm 2006, tại Harrisonburg trung bình có 25,3/1000 em gái độ tuổi từ 15 đến 17 sinh con nhưng năm nay thì con số này đã tăng lên đáng kể: 55,7/1000 em và ở Rockingham là 26,1/1000 em.

Một nghiên cứu khác tại trung tâm phòng tránh thai địa phương đã chỉ ra sự nới rộng biên độ tuổi có quan hệ tình dục và mang thai hiện nay là từ 10 đến 19 tuổi. Một học sinh cấp 1 cho đến một sinh viên cao đẳng đều có thể vô tình... được làm mẹ.

Những “bà mẹ tuổi teen” không chỉ tăng lên ở hai thành phố trên mà còn ở nhiều nơi khác như Staunton, Augusta hay Waynesboro. Các bậc phụ huynh cũng như thầy cô giáo cảm thấy vô cùng lo lắng khi nhìn những đứa trẻ ra đời trong khi bố mẹ các em vẫn còn đang ở “tuổi ăn, tuổi học”.

Ngôi trường dành cho cả “mẹ và bé”

Bà Baird Katherine, điều phối viên trong dự án “Ngăn ngừa mang thai ở tuổi vị thành niên” cho biết: “Những con số thống kê không thể giải thích tại sao tỷ lệ có thai ở vị thành niên lại tăng cao đến vậy. Theo tôi, sự thiếu thốn cả vật chất và kiến thức chính là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất”.

“Phải đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp giáo dục và hướng dẫn các em ở độ tuổi vị thành niên phòng ngừa bị xâm phạm tình dục và mang thai ngoài ý muốn. Điều quan trọng lại nằm ở các bậc phụ huynh khi họ không nói cho các em biết về những nguy cơ có thể xảy ra khi quan hệ tình dục trước hôn nhân”, cô Susan Null, Giám đốc điều hành trung tâm phụ sản Harrisonburg bày tỏ sự lo lắng và thất vọng.

“Cha mẹ đừng nên chỉ ép con phải giữ gìn, phải tránh xa việc quan hệ mà không hề giải thích vì sao phải tránh, phải giữ gìn. Ngoài nguy cơ mang thai, các em có thể mắc những căn bệnh truyền nhiễm chết người lây lan qua đường tình dục. Gia đình luôn đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giúp đỡ ngăn ngừa mang thai tuổi vị thành niên” - Quan điểm đồng nhất của bà Baird và cô Susan.
 
Những “bà mẹ tuổi teen” mang con đi học - 1
Các em bé trong lớp nhà trẻ ở trường cấp III Harrisonburg. (Ảnh: Pete Marovich)

Ngoài cha mẹ là người tiếp xúc thường xuyên, có trách nhiệm với các em thì nhà trường cũng như một ngôi nhà thứ hai vậy. Thay vì có hình thức xử phạt hoặc đình chỉ học với những “bà mẹ tuổi teen” thì một số trường đã mở những lớp trông trẻ do chính các thầy cô và học sinh cùng thay nhau… làm “vú em”. Dự án “Nhà trẻ cho các bà mẹ tuổi teen” rất được ủng hộ. Đó thật sự là cách giáo dục hiệu quả và thiết thực nhất cho nhiều các bạn trẻ khác.

“Tôi nghĩ bằng cách này, vừa tạo điều kiện cho các em trót lỡ sinh con được quay lại môi trường học tập và cũng giáo dục các em khác thấy rằng việc mang thai, sinh em bé và nuôi dưỡng chúng khó khăn, nguy hiểm như thế nào. Từ đó các em tự ý thức được hành động, suy nghĩ của mình sau này”, tâm sự của một thầy giáo chủ nhiệm đã làm “vú em” trong 1 tuần.

Mỗi năm, bang Virgina thu về tối thiểu là 177 triệu đô la (2004) từ việc đóng thuế sinh sản và mức thuế dự tính có thể sẽ tăng lên trong tương lai. Những chi phí này đương nhiên vượt quá khả năng tài chính của những “bậc phụ huynh nhỏ tuổi”. Hơn nữa, sau khi sinh con, đa số các em khó có thể quay lại trường học tiếp và đương nhiên là không thể vào được đại học hay kiếm một công việc ổn định.

Hy vọng với nhiều chính sách mới, sự nâng cao nhận và giúp đỡ từ các nhà giáo dục, thầy cô, bố mẹ có thể sẽ giúp các em tìm ra con đường đúng đắn cho cuộc sống tương lai.

Ly Vũ
Theo DNR