Nhọc nhằn PG

PG (Promotion Girl) - một nghề đang rất “hot” trong danh mục các nghề part-time của sinh viên hiện nay. Nhưng nó cũng bạc bẽo không kém...

Gắng giữ nụ cười

 

Quán cà phê ở Lý Thường Kiệt từ 17 giờ hàng ngày là giờ túc trực của các PG bán thuốc lá. Váy 2 dây lụa trắng mỏng, ôm sát, tóc xoã dài, guốc cao gót, 2 tay đỡ khay thuốc phía trước. Khi khách an tọa, nhiệm vụ của các PG là đến gần xin phép giới thiệu và mời mua thuốc.

 

Cô gái đi đến bàn nào cũng bị những cái nhíu mày nhăn mặt và xua đuổi bằng vẻ rất khó chịu. Nhưng cô vẫn phải cười thật tươi. Ở bàn gần cửa sổ, có đông đàn ông và những câu chuyện trên trời dưới biển, thì cô được đối đãi có vẻ... mặn mà hơn chút.

 

Cô cũng tươi cười hơn khi khách hỏi han: "Thế em là tiếp thị của hãng X à? - Vâng ạ. Mà em ơi, sao hãng em bắt nhân viên mặc váy dầy thế, phải mỏng hơn tí nữa, bán hàng mới dễ! - Thế thuốc loại này không cho thử à? Bao đẹp, người đẹp thì phải được thử chứ?".

 

Thoáng ngần ngại, nhưng có lẽ cảm giác "nghề" cho biết có thể bán được thuốc ở bàn này, cô gái theo yêu cầu của khách, cầm bật lửa, châm thuốc. Khi lửa bén, bàn tay ông khách không hiểu vô tình hay cố ý, cứ níu lấy bàn tay châm thuốc. Cô gái rụt tay lại, đứng lui về sau một bước. Họ phá lên cười. "Em ngại gì, ngồi đây anh hỏi chút, rồi trả tiền thuốc luôn thể. Thế em là sinh viên à, năm thứ mấy? Làm thế này được bao nhiêu một tháng... Cho anh số điện thoại của em, anh lấy số của hãng em làm gì, lần sau lại tìm em mua thuốc".

Trả lời chiếu lệ, cô gái cố gắng để giữ lại nụ cười. Số điện thoại được ghi vào mẩu giấy bạc trong bao thuốc lá. Cô gái nhận tiền, cảm ơn và chào lui, ông khách không quên vuốt nhẹ tay qua em cô gái.

 

“Bán hàng, đâu bán nhân phẩm?”

 

Vô tình ngồi lại quán vào lúc đổi ca, tôi nhận ra cô PG ban nãy bây giờ đang đứng cạnh quầy bar với ly nước đầy, không phải trong váy lụa mỏng mà trở về với bộ cánh sinh viên: áo phông, quần bò, túi đeo chéo. Son phấn đã xoá, giày cao gót cũng thay bằng xăng-đan bệt. Mệt nhoài, nhợt nhạt. Cô nhìn tôi: "Chị viết bài cũng được, nhưng đừng đưa tên, đưa ảnh em, bạn bè và nhà biết thì em chết. Hãng mà biết thì em cũng mất việc!".

 

Ca làm việc của cô là 5 tiếng, từ 5 giờ chiều đến 10 giờ tối với công việc ít phải di chuyển nhất là đứng cạnh quầy bar, tay nâng bảng tên sản phẩm thuốc lá kèm 2 bao mẫu. Cứ ít nhất nửa tiếng lại phải đi vòng quanh giới thiệu, quan sát xem đối tượng khách nào có thể chịu lắng nghe sản phẩm và bán được hàng. "Ban đầu, em không sao quen nổi với cảm giác chông chênh như... chưa mặc đồ vậy.

 

Thêm nữa, khi mình đứng nói với  khách, khách nghe thì ít, nhìn thuốc cũng ít, chỉ thấy nhìn chòng chọc vào cơ thể mình. Quán lịch sự, nhưng không phải khách nào cũng vậy. Những người thiếu tế nhị, còn ngó nghiêng ra cả sau lưng, rồi thì thầm vào tai nhau bình phẩm ngay cạnh mình. Đã có lần ở một quán phố Hàng Bài, em bị khách nắm tay. Rút lại không được, xô bàn mạnh làm rơi vỡ cả ly và đổ hết nước. Lần đó, hãng phải đến xin lỗi quán, em bị cắt lương tháng ấy, phạt thêm 50 ngàn tiền mua đồ đền!".

 

"Việc làm cho SV bây giờ đâu có ít, sao em vẫn làm cái nghề khó nhằn này làm gì?". Cô thành thật: "Chị à, tụi em là SV, làm thêm gì thì cũng chỉ có vài trăm tiền lương, chi phí đi lại thời giá bây giờ cao quá, chi trả không đủ. Công việc như thế này dù sao cũng đỡ phải xe cộ đi lại, không đến mức phơi mặt ra đường, cũng nhẹ nhàng mà ngoài lương còn có hoa hồng nếu bán được hàng. Thú thực với chị, lần trước em đã bỏ của một hãng khác, vì một ông khách rỉ tai hỏi xem có "tiếp ngoài giờ" không. Tụi em là SV bán hàng, chứ đâu có bán nhân phẩm? Nhưng rồi thấy không tìm được việc gì hơn, nên lại tìm công việc ở đây".

 

Gặp khách lịch sự là may mắn chứ có nhiều khách nham nhở đến cùng cực. Thậm chí không ít PG đã nhận được những lời ngã giá trơ trẽn và thậm chí còn bị quấy rối trực tiếp. Cũng có những PG vì muốn bán được hàng mà buộc phải cho số điện thoại của mình. Và sau đó thì thôi rồi những tin nhắn bậy bạ lẫn nhơ nhớp được send liên tục vào máy mình.

 

Bất cứ ai cũng muốn đục đẽo sinh viên

 

Thu Hương, PG bán hàng cho hãng rượu Hàn Quốc, đứng chào sản phẩm tại một nhà hàng. Chẳng ai cho không ai cái gì, muốn đứng nhờ, PG phải kiêm luôn công việc bưng bê cho nhà hàng mà không được một đồng tiền công nào. Thù lao duy nhất là 10% của mỗi chai rượu bán được, tức là vẻn vẹn 4.000đ. Bưng bê mỏi tay chồn gối, nhưng nhà hàng lại quy định trái khoáy là chỉ được ra mời khách khi nhân viên nhà hàng "làm việc" xong.

 

Khách thường gọi luôn đồ uống khi chọn món ăn, vì vậy cơ hội bán hàng gần như không có. Câu trả lời thường được nghe nhất là: "Cảm ơn em, lần sau nhé!". "Nhiệt tình" hơn nữa, nhiều người hỏi han, thử rượu chán chê, rồi... bảo là "cảm ơn em, gọi tính tiền đồ ăn luôn cho anh cái!".

 

Đen nhất là hôm nào có cả nhóm PG của hãng thuốc lá hoặc bia cùng đến. Nhóm khách nào, cả mấy nhóm sản phẩm cũng đều xô tới. Khách thấy nguy cơ bị làm phiền, nên từ chối từ xa, không mua cũng chẳng nghe. Sau 2 tuần, Hương bỏ việc, "tôi cảm giác không thể chịu đựng thêm nữa. Chúng tôi làm việc không công cho cả nhà hàng lẫn hãng rượu. Được gì, ngoài những cái nhìn soi mói của đàn ông, ngoài những câu trêu ghẹo. Có những bạn bán được một lần, thì đứng trong nhà vệ sinh khóc sưng cả mắt vì tủi thân và ấm ức.

 

Một lần cậu bạn thân của tôi vào quán, vô tình bắt gặp. Cậu ấy ra ngoài nhắn tin cho tôi: "Hương à, nhìn Hương mặc váy đẹp lắm, nhưng không hiểu sao cảm giác của mình rất tệ!". Tôi bật khóc, và hôm sau nghỉ việc. Một bao thuốc, một chai rượu, có đáng phải trả giá thế không? Chúng tôi cần tiền thật, nhưng không phải cứ có tiền là lựa chọn bất chấp giá nào...".

 

Tuyển một cô chỉ đứng cười và mời chào khách hàng không đơn giản: phải hợp trang điểm (dù mặt mộc có trắng và xinh cỡ nào), phải thử và hợp với những bộ đồ của hãng mang tiêu chí mỏng và ngắn hàng đầu. Chân dài, thẳng và không có sẹo. Vòng 1 tương đối ổn. Tiếp đến là giọng nói, nụ cười phải nhẹ nhàng, không quá nhiều âm địa phương... Hương cho biết: "Khi bắt đầu công việc, họ chỉ cho mình ký nhận bao nhiêu chai rượu, trả bao nhiêu, có làm sứt mẻ chai nào không và bắt đặt chứng minh nhân dân lại để làm tin".

 

Phỏng vấn nhanh chị Nguyễn Hoàng Trang, chuyên viên tổ chức sự kiện của một công ty truyền thông ở Hà Nội, chị khẳng định là "luật" chung đối với các PG không chuyên là chỉ dùng hợp đồng miệng. Chỉ cần thông báo một offline message trên mạng, sau vài tiếng là số lượng SV gọi đến đăng ký đã nghẽn mạng.

 

"Cung " quá lớn nên bị "cầu" bắt chẹt. Trung gian như công ty chị Trang cũng hay bị các hãng "hoạnh hoẹ": Tiền trả cho PG thấp, nhưng đòi cái gì cũng phải chuẩn: cao, trắng, xinh, giọng Bắc... Lấy đủ danh sách rồi, có khi gạt ra vì những lý do vô lý, đòi phải tìm tiếp.

 

Có những SV rất xinh xắn, lại đang cần tiền đóng học phí gấp, cứ rơm rớm khóc xin Trang cho đi làm khi lượng người đã đủ, chị đành khất tạm đợt sau. Chính Trang cũng khẳng định: "Vì tâm lý "thuê SV" nên các hãng cũng không chịu chi tiền nhiều, chỉ là phần rất phụ trong bảng chi phí. Các em vừa ham vui, vừa thích làm kiếm chút tiền nên dễ chấp nhận. Và thiệt thòi cũng là đương nhiên!".

 

Khi được hỏi có biện pháp bảo vệ các em với các nguy cơ quấy rối, xâm hại không, Trang lắc đầu: "Điều này là rất khó. Các hãng luôn yêu cầu phải làm đẹp lòng khách hàng trong mọi trường hợp, để giữ gìn và phát triển hình ảnh. Vấn đề nhỏ của một vài PG không là gì đối với họ. Nó giống như kiểu, đã dấn thân phải biết tự giữ mình vậy thôi".

 

Theo Sinh Viên Việt Nam